Niềm tin bị đánh cắp
Chị Mai Hoa (tổ 15, Định Công, Hà Nội) tỏ ra rất bức xúc khi kể lại, chị vừa phải đưa mẹ chồng đã gần 80 tuổi đi khám mắt. Người khám là một bác sĩ khá xinh xắn và phúc hậu, vậy mà toàn nói với bà bằng giọng chỏng lọn, đầy ra lệnh như: “Há mồm, mở mắt ra, ngẩng đầu lên…!”. “Ngồi bên ngoài chờ, nghe thấy vậy tôi vừa bực vừa thấy thương cụ. Cũng may mẹ chồng tôi bị điếc, chứ không bà sẽ buồn lắm!” – chị cho biết.
Không chỉ về thái độ, nhiều người bệnh cũng rất bất bình trước hiện tượng giữ bệnh nhân ở tuyến dưới. Đã từng không ít lần rơi vào cảnh ngộ này, chị Phạm Thị Lơ (34 tuổi), ở Phú An, Cao An, Cẩm Giàng, Hải Dương) chia sẻ, thời gian vừa qua chị phải điêu đứng vì mấy đứa con cứ thay nhau vào viện.
Cụ thể, theo chị Lơ cho biết, mới sinh ra được 20 ngày, con gái chị là Hoàng Yến Nhi đã bị viêm phổi nặng. Đến khám tại Bệnh viện Nhi Hải Dương, cháu được chẩn đoán bị tim bẩm sinh và viêm phổi nặng. Không yên tâm, chị Lơ xin bệnh viện cho chuyển lên tuyến trên nhưng các bác sĩ nói vẫn xử lý được nên vẫn giữ lại điều trị.
Gần 10 ngày trời điều trị ở đây, bệnh tình của con không những không khỏi mà còn có dấu hiệu nặng thêm nên chị đã quyết định đưa bé lên Bệnh viện Nhi T.Ư khám. Tại đây, bé Nhi được chẩn đoán bị viêm phổi quá nặng nên phải thở máy. Thở máy hơn chục ngày và điều trị hơn hai tuần nữa, bệnh của Nhi lại bị tái phát nên bệnh viên khuyên gia đình chuyển cháu sang Bệnh viện Việt Đức để mổ tim.
Chị Lơ đang chăm con tại khoa Tim - Mạch, BV Việt Đức. |
Đứa nhỏ chưa dứt bệnh, chị lại tức tốc đưa thằng lớn đi khám bệnh. Số là thằng bé rất hay bị sốt cao không rõ nguyên nhân. Lần này, không chỉ bị sốt, nó còn bị đau bụng và nôn trớ nên chị vội vàng đưa vào Bệnh viên Nhi của tỉnh cấp cứu. Cũng như đứa trước, sau khi làm rất nhiều xét nghiệm, các bác sĩ khẳng định cháu chỉ bị viêm họng rồi kê thuốc cho uống, nhưng bệnh tình của cháu vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn bị lên cơn co giật vì sốt quá cao. Không đành lòng nhìn con đau đớn, chị Lơ lại buộc phải… vượt cấp, thuê xe chuyển con lên bệnh viện tuyến trên.
Cũng tại tuyến y tế cao nhất này, con trai chị mới được chẩn đoán đúng bệnh là bị nhiễm khuẩn dạ dày. Đây là một loại bệnh cần rất nhiều xét nghiệm để chẩn đoán cũng như không đơn giản trong việc chữa trị. Cũng vì vượt tuyến nên cả hai đứa con chị không được Bảo hiểm y tế thanh toán. Lo một lẽ, nhưng chị Lơ vẫn yên tâm vì biết đúng bệnh của con để còn điều trị. Chứ “cứ để bọn trẻ ở bệnh viện tỉnh thì chắc chúng nó đã bỏ tôi mà đi rồi!” – chị Lơ buồn rầu than thở.
Tự chủ có nghĩa là tận thu?
“Biết bệnh viện công như thế này thì thà khám chữa bên ngoài cho xong!” – Hà Duyên, một đồng nghiệp của tôi khẳng định sau mấy lần đưa người nhà đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công Hà Nội. Duyên cho biết, đầu năm bác ruột của Duyên ở Phú Thọ bị đau bụng dữ dội nên người nhà phải chuyển gấp lên bệnh viện tuyến trung ương khám cho yên tâm. Vì vượt tuyến nên bác Duyên phải khám và điều trị tự nguyện. Chưa cần hỏi rõ nguồn cơn, bác đã được chỉ định làm một loạt xét nghiệm và bảo nằm chờ kết quả. Cuối cùng, bác được kết luận chỉ bị viêm ruột nhẹ, sau khi nằm chầu chực ở bệnh viện 10 ngày trời và tốn kém không ít tiền của.
Cách đây mấy hôm, Duyên cũng vừa tiễn một bà dì khác lên tàu về quê, sau khi nằm bẹp ở một bệnh viện khác gần hai tuần lễ. Duyên cho hay, bà dì Duyên gần đây có dấu hiệu sút cân và hay ho khan nên bảo con đưa lên Hà Nội khám. Một ngày, hai ngày rồi hai tuần lễ trôi qua, thấp thỏm, âu lo chờ đợi, sau hàng chục lần xét nghiệm, thử máu…, bác mới được kết luận một câu xanh rờn: bị viêm phế quản, rồi được kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú. Mừng vì bà không bị sao nhưng người nhà bệnh nhân cũng vô cùng thất vọng và mất niềm tin vào chất lượng khám chữa bệnh tại một bệnh viện vốn có tên tuổi hạng nhất ở Thủ đô…
Những câu chuyện kể trên đã không còn là chuyện hiếm khi các cơ sở y tế công lập bị… tư nhân hóa. Cũng bởi cơ chế tự chủ, các lãnh đạo bệnh viện “tự tung, tự tác” và nghĩ ra mọi cách thức để “tận thu tiền từ túi người bệnh”, chẳng khác nào bệnh viện tư.
Thế nên mới có hiện tượng nhân bản xét nghiệm, sử dụng máy xã hội hóa rởm để xét nghiệm cho bệnh nhân, dùng trang thiết bị y tế của Nhà nước để khám, điều trị cho bệnh nhân tự nguyện; rồi lạm dụng xét nghiệm, thuốc để xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân như các trường hợp kể trên. Đó là chưa kể đến chuyện bác sĩ công liên kết với các phòng khám tư nhân đưa bệnh nhân ra ngoài khám, điều trị; rồi đưa ngược bệnh nhân từ các phòng khám, bệnh viên tư vào cơ sở y tế công để lấy tiền chia nhau. Thuốc kháng sinh, biệt dược, thực phẩm chức năng thì kê đơn vô tội vạ để hưởng hoa hồng…
Tóm lại, trăm cơ sở y tế thì trăm chiêu trò để móc túi người bệnh. Không chỉ bệnh viện tư mà bệnh viện công cũng ra sức để tận thu. Cuối cùng, chỉ có người bệnh chịu thiệt.