Bệnh nhân bực bội vì bệnh viện thu phí vệ sinh

(PLO) - Có lẽ phần lớn mọi người không tiếc khi móc túi từ 1000-3000 đồng “phí vệ sinh” để trả cho nhân viên gác cửa WC của bệnh viện. Nhưng chính cách thu tiền một cách “tủn mủn” và không đẹp mắt này đã gây nên sự không thoải mái, thậm chí là bực bội cho không ít bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Nhà vệ sinh bệnh viện luôn trong tình trạng…mất vệ sinh, ai muốn vào đây phải bịt mũi, nhưng bệnh viện vẫn thu phí (ảnh minh hoạ).
Nhà vệ sinh bệnh viện luôn trong tình trạng…mất vệ sinh, ai muốn vào đây phải bịt mũi, nhưng bệnh viện vẫn thu phí (ảnh minh hoạ).
Lập lờ thu phí của cả đối tượng được “miễn phí”
Từng nhiều lần đưa con vào khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Mai Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã vài lần phải trả “phí vệ sinh” cho bệnh viện, thậm chí không ít lần phải trả tiền oan chỉ vì không hỏi rõ ngọn ngành. 
Lần đó, khi vừa đưa con từ phòng WC đi ra, chị giật nảy người khi nghe giọng của một phụ nữ gọi giật lại: “Chị ơi, cho xin tiền”. “Tiền gì ạ?”- chị ngạc nhiên hỏi lại - được giải thích gọn lỏn: “Tiền đi vệ sinh. Hai nghìn đồng!”. Trả tiền xong, đưa con về chỗ ngồi trước cửa phòng khám (cách nhà vệ sinh chừng vài mét), một người mẹ cũng đưa con đi khám, hỏi chị: “Chị “đi” hay dẫn cháu đi mà phải nộp tiền?”. 
Khi biết chị Phương đưa con gái đi, chị này nhanh nhảu: “Thế thì chị đòi lại tiền đi, ở đây người ta chỉ thu tiền vệ sinh của người nhà bệnh nhân thôi, còn các cháu thì miễn phí”. Nói xong, chị này giải thích thêm: “Đến đây nhiều lần nên em biết, mà chị cũng thấy đấy, các cháu còn bé nên khi đi vệ sinh phải có bố hoặc mẹ đi kèm chứ làm sao mà tự đi một mình được, nhưng các bà ấy (ý nói nhân viên thu tiền vệ sinh của bệnh viện) hễ thấy người lớn từ nhà vệ sinh đi ra là đòi thu tiền ngay mà chẳng cần hỏi là có đi vệ sinh hay không. Vậy là, lợi dụng vào việc người nhà bệnh nhân không rõ quy định nên người thu tiền ở đây đã lập lờ để thu cả tiền của đối tượng được miễn… “phí vệ sinh”.
Đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương hay Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt đều diễn ra cảnh tương tự - tức là muốn vào khu WC của bệnh viện để “giải quyết nỗi buồn” thì ai cũng như ai- không phân biệt bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân đều bị nhân viên (luôn ngồi trực sẵn ở ngay cửa nhà vệ sinh) đòi nộp tiền phí. 
Không chỉ là chuyện phí vệ sinh, nhiều bệnh viện còn tận thu cả phí đi cầu thang máy của người nhà bệnh nhân và bệnh nhân. Trong thời gian dài vừa qua, đường dây nóng của PLVN nhận được không ít phản ánh của bạn đọc phàn nàn về chuyện bệnh viện lạm thu các loại tiền, trong đó có tiền thang máy và tiền ngồi điều hoà ở phòng khám. Điển hình là Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, Bệnh viện Việt Nam- Thuỵ Điển Uông Bí… (thu tiền thang máy) và Bệnh viện Trung ương 108 (thu tiền ngồi phòng khám có điều hoà).
“Mỗi lần bước chân vào thang máy bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận thì bất kể là bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân đều bị yêu cầu phải nộp 2.000 đồng cho một người luôn ngồi trực trong thang máy. Nếu ai có hỏi nộp tiền gì thì thay bằng câu trả lời, người này sẵng giọng: thang máy lên- xuống liên tục thế này, khi hỏng hóc thì lấy tiền ở đâu mà bảo dưỡng!”- một bạn đọc tại huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận phản ánh.
Lấp liếm “đổ” cho khách vãng lai
Trên thực tế, tình trạng trên đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng Bộ Y tế dường như không biết (hay biết mà không xử lý), bởi vậy, cách đây chừng 4-5 năm, chỉ có vài ba bệnh viện thu tiền phí vệ sinh và thang máy, nhưng càng về sau thì các bệnh viện “bắt chước” lẫn nhau để buộc bệnh nhân và người nhà của họ phải nộp những khoản phí mà dường như chỉ có ở các bệnh viện của Việt Nam.
Điều đáng nói, trả lời về vấn đề này vừa mới đây, một số bệnh viện tuyến Trung ương lại cho rằng, họ chỉ thu tiền phí vệ sinh tại Phòng vệ sinh tầng 1 của bệnh viện và cũng chỉ thu duy nhất một phòng. Lý do của việc thu tiền là vì bệnh viện quá tải; do khách vãng lai và người bán hàng rong cũng vào nhà vệ sinh này để… giải toả “cơn buồn”, và việc thu phí này là để trả cho nhân viên trực tiếp dọn dẹp nhà vệ sinh đó. 
Tuy nhiên, chỉ cần đứng ngoài cửa phòng WC của Bệnh viện Phụ sản Trung ương hoặc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng chừng dăm bảy phút, cũng đã có gần chục người có nhu cầu bước vào sau cánh cửa này và hầu hết họ đều là người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân chứ tuyệt nhiên không có người bán hàng rong hay khách vãng lai ngoài đường ghé vào như lời giải thích của các bệnh viện trên.
Khi các bệnh viện vẫn không dám nhìn thẳng vào sự thật để sửa chữa, khắc phục và khi cơ quan chủ quản là Bộ Y tế chưa có biện pháp nghiêm khắc để chấn chỉnh thì lúc ấy vẫn còn sự bực bội, khó chịu của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mỗi khi bước chân vào thang máy hay  nhà vệ sinh của bệnh viện./.

Đọc thêm