Dư địa tăng trưởng từ tái cấu trúc nền kinh tế

(PLO) - Bất chấp quyết tâm của Chính phủ giữ mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay song nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là mục tiêu điều hành, thực tế tăng trưởng GDP của Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào quá trình tái cấu nền kinh tế…
Quang cảnh Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017

Vấn đề được đề cập tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017- Phát huy nội lực, tăng trưởng bền vững” do Ban Kinh tế TW tổ chức sáng nay 27/6.

Không còn dư địa chính sách

Theo ông Nguyễn Xuân Thành (ĐH Fulbright Việt Nam), Chính phủ Việt Nam hiện nay đang đứng trước sức ép lớn về kết quả tăng trưởng kinh tế. Ông nhắc lại: Cuối 2015, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2016 là 6,7%, nhưng kết quả cuối cùng là 6,21%. Cuối 2016, Chính phủ vẫn kiên quyết đưa ra mục tiêu 6,7% cho 2017. Nhưng với kết quả 5,1% trong quý 1 này thì 3 quý còn lại phải đạt bình quân 7%.

“Các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong hệ thống nhà nước đến chuyên gia bên ngoài đều hiểu rõ khả năng đạt mức tăng trưởng 7% bình quân trong 3 quý này gần như là không thể”- ông Thành nói. Theo ông, “trong ngắn hạn chúng ta không còn dư địa chính sách “bung” tiếp để đạt mục tiêu 6,7% bởi nếu có mở khóa đầu tư công cũng không thể đạt được. Vì vậy, tăng trưởng năm nay sẽ vào khoảng 6,4-6,5%, và giữ mục tiêu 6,7% để làm mục tiêu điều hành”.

Phân tích tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ yếu tố cơ cấu, ông Thành cho rằng đang có sự khác nhau giữa bức tranh cơ cấu sản xuất và cơ cấu tổng cầu. Trong khi sản xuất công nghiệp suy giảm thì tiêu dùng và đầu tư đều gia tăng mạnh và có mức đóng góp lớn hơn so với cùng kỳ.

Số liệu điều  tra niềm tin người tiêu dùng cũng cho thấy có sự cải thiện tháng này qua tháng khác trong 6 tháng đầu năm. Trong khi tăng trưởng không đạt mục tiêu nhưng tăng trưởng tiêu dùng lại tăng mạnh, đóng góp vào tổng mức bán ra tăng đến 10%, nếu loại bỏ yếu tố giá thì tăng 7,4%. Sức mua được cải thiện.

Nếu nhìn tổng cầu, tiêu dùng dân cư đang là động lực chính duy trì tăng trưởng 5,5,-5,7%. “Nói cách khác, sự suy giảm tăng trưởng không phải do sức mua hay sức đầu tư của nền kinh tế yếu đi. Dân vẫn tăng tiêu dùng, DN vẫn tăng đầu tư và còn mạnh hơn cùng kỳ năm trước”- Ông Thành nhận định.

Theo chuyên gia này, vẫn đề của nền kinh tế Việt Nam là cho dù sức cầu của của nền kinh tế có tăng mạnh mà các rào cản tăng trưởng tồn tại thì cũng không đóng góp được bao nhiêu cho nền kinh tế…

Rào cản từ tái cấu trúc nền kinh tê

Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng việc tháo gỡ các rào cản về cơ chế thời gian qua mới chỉ dừng ở tuyên bố của Chính phủ chứ chưa có gì cải thiện thực chất, song cho dù như vậy, rào cản về thể chế cũng chỉ tác động lên tăng trưởng về mặt dài hạn chứ không giải thích cho việc tăng trưởng thấp trong quý 1/2017. Lý do cuối cùng được đưa ra là nằm ở vấn đề cơ cấu: Ngân hàng, đầu tư công- nợ công và DN nhà nước…. “Đây là nguyên nhân chính khiến kinh tế Việt Nam không tăng trưởng được!”- Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành khẳng định.

Phân tích vào vấn đề đầu tư, trong đó có đầu tư công, ông Thành cho rằng tổng cầu động lực tiêu dùng dân cư tăng nhưng thiếu về đầu tư, đầu tư tư nhân có cải thiện từ DN nhưng từ khu vực công rào cản từ trần nợ công hạn chế kéo tăng trưởng xuống.

Nói về chính sách thì nếu mở đầu tư công thì hệ lụy trần nợ công, bất ổn vĩ mô, do vậy, ít nhất trong ngắn hạn, đầu tư công sẽ không mạnh lên được nên phần thúc đẩy vẫn là đầu tư tư nhân. Về lĩnh vực ngân hàng, quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo thanh khoản.

Trong bối cảnh chính sách tài khóa không mở rộng được thì phải dựa vào tín dụng. 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ thì tín dụng tăng trưởng mạnh, nhưng dài hạn mà dựa vào tăng trưởng tín dụng thì không đạt được tăng trưởng kinh tế, nếu đòi có lợi suất cao thì ngân hàng cần đẩy mạnh vào tín dụng tiêu dùng.

Với cách nhìn khá lạc quan,  Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) Nguyễn Đình Cung, cho rằng tiềm năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam phải 8-9% chứ không phải chỉ ở mức 7% như hiện nay.

Để đạt được mục tiêu 8-9% nói trên, ông Cung cho rằng, Việt Nam còn dư địa khi cải thiện khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt các DN nhà nước; thúc đẩy tăng trưởng mạnh ở khu vực kinh tế tư nhân; tạo thuận lợi thúc đẩy giải ngân FDI và ODA đã cam kết (hiện Việt Nam còn hơn 800 tỷ USD cam kết FDI và khoảng 15 tỷ USD ODA đã ký chưa giải ngân).

Bên cạnh đó, Viện trưởng CIEM cũng cho rằng cần giảm chi phí cho DN. “Nếu giảm được 1% chi phí logistics Việt Nam có thêm có 4 tỷ USD, nếu giảm 2% thì có gần 10 tỷ USD. Con số này nằm trong tầm tay”- ông Cung khẳng định.

Đặc biệt, việc phát triển các vùng kinh tế trọng điểm nhất là hai đầu tàu Hà Nội và TP. HCM, trong đó quan trọng là hạ tầng và khả năng kết nối và hai đầu tàu này cũng như phát triển mạnh du lịch Việt Nam cùng góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế…

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang dựa vào nguồn lực từ bên ngoài

Tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình đã dẫn lời Giáo sư Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách công Nhật Bản), một người bạn nghiên cứu về Việt Nam hơn 20 năm nay đánh giá “cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng nhìn kỹ thì không rõ”.

Theo ông Bình, Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến nhưng phần nhiều là từ khu vực FDI, còn DN trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản với giá trị gia tăng không cao. Tức là, một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng hiện nay của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế. 

“Do vậy, việc chúng ta cần làm và làm ngay là đánh giá lại mức độ bền vững của những lợi thế so sánh mà chúng ta vẫn thường nhắc tới là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi khoảng 10 năm nữa và sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn…”- Trưởng ban Kinh tế TW nhân mạnh.

Ông cũng lưu ý, Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách. Dẫn kinh nghiệm của một số quốc gia, ông Bình lưu ý: “Có khi chỉ một sai lầm hay thiếu quyết tâm trong lựa chọn chính sách có thể khiến cả nền kinh tế phải trả giá bằng nhiều năm, nhiều thập kỷ và thậm chí có thể không bao giờ vượt qua được bẫy thu nhập trung bình…”

Đọc thêm