Ông Đinh Mạnh Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, trong tổng số 4,8 triệu lượt khách quốc tế đến Huế năm 2018 có tới 3,5 triệu lượt khách đến tham quan di sản văn hóa, tuy nhiên thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của khách tại Huế vẫn chưa cao, dù Huế sở hữu hệ thống di sản cao nhất nước.
Bà Nguyễn Thủy Yên – Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, trước đây khách đến Quảng Ninh chủ yếu tham quan Vịnh Hạ Long, nhưng hiện nay sản phẩm du lịch Quảng Ninh rất đa dạng như Bình Liêu, Hải Hà, các đảo Quan Lạn, Minh Châu đến các huyện như Đông Triều, Quảng Yên với các sản phẩm nông nghiệp, sinh thái, làng nghề… nhiều điểm du lịch văn hóa lịch sử nổi tiếng như Yên Tử, bến Bạch Đằng…
Từ năm 2014 đến nay, lượng khách đến Quảng Ninh đạt khoảng 14 triệu lượt, trong đó có khoảng 5,7 triệu khách quốc tế, thời gian lưu trú bình quân của khách đạt 2,7 ngày, chi tiêu trung bình 2,4 triệu đồng.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều sản phẩm du lịch quốc gia chưa có tính thị trường cao, nguồn thu còn thấp. Tuy nhiên, cũng không vì vậy mà đẩy giá, tăng giá khiến du khách cảm thấy khó chịu. Câu chuyện sản phẩm du lịch từ lâu đã được nhắc đến nhưng đến nay vẫn chưa có những định hướng cụ thể. Dù vậy, trên thực tế, đã có một số hiện tượng tích cực đang xuất hiện. Quảng Bình, Hội An, Sa Pa là những ví dụ tích cực.
Theo đó, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch khẳng định, việc nâng cao trải nghiệm của du khách không thể xa rời các vấn đề khác như: Phát triển sản phẩm du lịch xanh và phát huy giá trị của những điểm du lịch...
Quả thực, muốn có nguồn thu thì phải có sản phẩm, sản phẩm của địa phương thường gắn liền với các danh thắng, di sản. Còn nói về văn hoá, ẩm thực, chùa chiền thì đối với du khách nước ngoài vẫn chưa có sự riêng biệt nổi bật giữa các vùng miền.
Song song với việc đa dạng hoá sản phẩm, các doanh nghiệp du lịch và lữ hành cho rằng, yếu tố đồng bộ hạ tầng giao thông đã cản trở và hạn chế họ khai thác, xây dựng những sản phẩm đặc thù ở các địa phương.
Chia sẻ ý kiến này, Giám đốc Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng: “Doanh nghiệp có thể rất nỗ lực nhưng không thể giải quyết các vấn đề liên quan, ví dụ như an ninh an toàn của du khách ở một số điểm du lịch đang ở mức báo động nhưng chưa giải quyết dứt điểm, từ đó dẫn đến doanh nghiệp muốn phát triển sản phẩm cũng khó”.
Trong khi đó, du khách có thể cảm thấy hài lòng với sản phẩm du lịch nhưng không hài lòng với các yếu tố khác như môi trường, giao thông, hạ tầng, vật chất…
Đơn cử, hạ tầng hàng không quá tải ảnh hưởng đến ngành Du lịch, bởi 80% khách du lịch đến Việt Nam qua đường hàng không. Hoặc đối với nhiều điểm đến ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, khó tiếp cận, dù có sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn; các công ty du lịch cũng “khó lòng” đưa khách lên trải nghiệm được./.