Khả thi hay không khi “bắt” khách du lịch phải đọc và nghiền ngẫm quá nhiều bộ quy tắc như vậy trên cùng một lãnh thổ Việt Nam?
Hết quy tắc quốc gia lại đến quy tắc địa phương
Bộ quy tắc ứng xử văn minh khi đi du lịch do Bộ VH-TT&DL vừa ban hành mang tính hướng dẫn, khuyến nghị đối với các du khách, công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn… gồm 2 chương với 12 điều, mỗi điều bao gồm quy tắc ứng xử đối với từng nhóm đối tượng trong hoạt động du lịch. Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch, việc ban hành một bộ quy tắc để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử là điều cần thiết.
Nhưng cũng cần phải nói rằng đây không phải lần đầu tiên Việt Nam có Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch mà trước đây đã có nhiều địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh ban hành những văn bản tương tự. Thậm chí có địa phương còn in bộ quy tắc bằng từng ngôn ngữ riêng để phát đến tận tay du khách sử dụng ngôn ngữ đó như việc làm của Sở Du lịch TP Đà Nẵng in 5.000 Bộ quy tắc ứng xử du lịch bằng tiếng Trung và phát tận tay du khách Trung Quốc khi đến Đà Nẵng nhằm lập lại trật tự du lịch.
Chính vì Bộ quy tắc ứng xử văn minh khi đi du lịch của Bộ VH-TT&DL không phải duy nhất nên có nhiều ý kiến lo ngại rằng du khách sẽ không thể “nạp” vào đầu hết được các quy định.
Cứ hình dung thế này, theo thống kê của ngành Du lịch năm 2016 cả nước có khoảng 62 triệu lượt người Việt đi du lịch trong nước, hơn 4,8 triệu lượt người du lịch nước ngoài và hơn 7 triệu du khách ngoại vào Việt Nam, chừng ấy con người khi bước chân vào Việt Nam là phải biết đến Bộ quy tắc ứng xử văn minh khi đi du lịch do Bộ VH-TT&DL ban hành có thể coi như Bộ quy tắc quốc gia, sau đó đến từng địa phương lại “nhồi” thêm vào đầu các bộ quy tắc của từng địa phương nữa, thì thử hỏi điều gì sẽ diễn ra?.
Du khách sẽ trở nên “văn minh siêu đẳng” hay rốt cuộc là không nhớ gì cả vì bộ quy tắc nào cũng quá dài và bị trùng lặp.
Nói về vấn đề này, trả lời phỏng vấn báo chí, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: “Khách tới TP HCM phải theo các quy tắc của thành phố, đến Đà Nẵng phải học thêm quy tắc ứng xử của Đà Nẵng giờ lại còn thêm bộ quy tắc chung nữa... học quy tắc thôi đã “loạn” mất rồi. Mỗi địa phương có một nét đặc trưng, phong cách ứng xử riêng, văn hóa riêng, đặt trường hợp có mâu thuẫn thì phải thực hiện theo địa phương hay theo Bộ?”.
Nên liên hệ với pháp luật để nâng cao tính răn đe?
Vẫn biết rằng về mặt nguyên tắc, chế tài không nằm trong những bộ quy tắc ứng xử. Bộ quy tắc chỉ mang tính khuyến cáo, mong muốn, chứ không phải quy định pháp lý nên không thể đưa chế tài vào được. Nhưng thực tế cho thấy nếu chỉ dừng lại ở tính định hướng hành vi, tác dụng của Bộ quy tắc sẽ không thực sự rõ nét mà cần phải có những hình thức xử phạt cụ thể, rõ ràng, lâu dần hoạt động du lịch mới có thể đi vào nền nếp và có cải thiện.
Bình luận về quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công ty TransViet cho rằng: “Dù Bộ quy tắc chỉ mang tính hướng dẫn nhưng vẫn cần có chế tài để xử lý các hành vi bằng việc Bộ quy tắc nên có sự mở rộng, liên hệ với hành vi bị cấm với các bộ luật hiện hành như hành vi xả rác bừa bãi thì liên hệ với Luật Môi trường, hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã thì liên hệ với Luật Bảo vệ động vật hoang dã”. Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đạt, du lịch là ngành mang tính tổng hợp nên khi đưa ra Bộ quy tắc ứng xử cũng cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, ngành nghề.
Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng đưa ra ý kiến rằng, phải có chế tài, quy định rõ phạt trong những trường hợp nào, mức phạt bao nhiêu cho từng hành vi cụ thể. Phải có tính răn đe người ta mới sợ, mới thực hiện đúng được.
“Có một thực tế là trước khi đưa ra Bộ quy tắc ứng xử, chúng ta đã có Luật Du lịch và trong đó cũng đã ghi rõ những quyền lợi và nhiệm vụ của khách du lịch. Trong một số văn bản triển khai luật cũng đều đề cập đến vấn đề này nhưng thực tế thì sao? Ý tôi muốn nói là, tất cả những quy định có tính pháp lý cao còn chưa thực hiện được một cách nghiêm túc thì Bộ quy tắc mới ra là văn bản có tính pháp lý yếu nhất làm sao mà hiệu quả được?” - PGS-TS Phạm Trung Lương đặt câu hỏi.
Còn theo quan điểm của ông Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt thì, Bộ quy tắc nên cần ngắn gọn, tiện lợi thì mới mong có tác dụng, nên rút ngắn thành một cuốn sổ tay tầm 3 - 4 trang với khoảng 20 điều quy định dưới hình thức dí dỏm, sinh động để ai cũng dễ dàng mang theo và có hứng thú đọc khi đi du lịch. Sau đó giao cho các công ty, doanh nghiệp lữ hành để truyền tới tay du khách. Đồng thời có thể dẫn thêm luật để người dân biết các hành vi vi phạm đều có chế tài xử lý.
Từ những ý kiến, quan điểm trên, một vấn đề đặt ra: Phải chăng dù ban hành rất nhiều Bộ quy tắc ứng xử văn minh khi đi du lịch nhưng du lịch Việt Nam vẫn chưa tìm thấy một tiếng nói chung để bản thân những người trong nghề dễ thực hiện cũng như truyền tải thông điệp đến được với du khách một cách dễ nhớ, dễ làm theo nhất?