Du lịch 'ăn theo' thể thao: Nan giải 'bài toán' kinh tế và ứng xử

(PLVN) - Đội tuyển quốc gia Việt Nam (ĐTQGVN) đã “vươn ra biển lớn”, tạo nên một “cơn sốt” trong giới hâm mộ môn túc cầu. Từ vị trí mờ nhạt trong các giải đấu, nay ĐTQGVN liên tục giành chiến thắng bất ngờ với các đối thủ hơn mình cả về thể lực và kỹ thuật. Và sau những chiến thắng của ĐTQGVN, du lịch thể thao - một khía cạnh còn mờ nhạt – đã bắt đầu được chú ý…
Hình ảnh CĐV ăn mừng tạo ấn tượng cho du khách quốc tế
Hình ảnh CĐV ăn mừng tạo ấn tượng cho du khách quốc tế

Ngành du lịch hàng tỷ đô

Du lịch thể thao (DLTT) đang là lĩnh vực phát triển nhanh của ngành du lịch toàn cầu, thu về cho nhiều nước đến hàng tỷ đô một năm. Canada có một lịch sử lâu dài và đáng tự hào về việc tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế bao gồm 3 Thế vận hội Olympic, 2 Thế vận hội Pan American và một loạt các giải vô địch thế giới thể thao duy nhất.

Ngoài thời gian tham dự trận đấu, du khách cũng có thể kết hợp khám phá văn hóa tại TP đăng cai như đi chợ truyền thống Canada, leo núi ngắm dung nham núi lửa… Mỗi năm, Canada ước tính thu về 5,2 tỉ USD.

Ở Việt Nam, DLTT dường như đang “chảy máu” do chưa khai thác hết tiềm năng. Thực trạng dễ thấy là các công ty lữ hành hiện chủ yếu cung cấp tour đi nước ngoài xem bóng đá, hoặc các tour tham quan kết hợp trượt tuyết, leo núi,…

Trong nước, những tour như vậy vẫn còn manh mún, kén khách, các giải đấu mới chỉ thuộc phạm vi Đông Nam Á. Bởi vậy, nhiều khách quốc tế đến Hà Nội đánh giá là “không có gì để chơi, để thử” ngoài đồ ăn, thăm thú phố cổ, Hoàng thành. 

Song, DLTT ở Việt Nam cũng đang có những dấu hiệu khởi sắc khi du khách đến Việt Nam còn có một “món ăn tinh thần” mới, đó chính là bóng đá. Hiệu ứng từ vị HLV Park-Hang-Seo, số lượng người hâm mộ bóng đá từ Hàn Quốc sang Việt Nam cổ vũ trong thời gian qua tăng rất đáng kể.

Sức lan tỏa của ĐTQG VN tạo ra một không khí cổ vũ ấn tượng khắp đường phố Hà Nội, đặc biệt với khách quốc tế. “Việt Nam đang là trung tâm chú ý của bóng đá châu Á”, tờ Seoul Sport nhận định.

Mỗi lần “rồng vàng Việt Nam” (ĐTQGVN) thi đấu, dễ thấy những “làn sóng” lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, đặc biệt những người nước ngoài đến du lịch hoặc sống tại Việt Nam đều rất ấn tượng về không khí vui nhộn, đoàn kết, đam mê bóng đá của người Việt Nam, mà không khỏi “thốt lên: “Trời, tôi chưa bao giờ trải nghiệm cảm giác sôi động như thế này”, “Tôi yêu bóng đá Việt Nam”, “Việt Nam vô địch!”…

Mặt khác, trong thời gian tới, người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế đang nóng lòng chờ đợi những sự kiện thể thao sắp tới ở Hà Nội, hứa hẹn sự tăng trưởng du lịch vượt bậc. Đó là, Hà Nội triển khai xây dựng trường đua xe công thức 1, tổ hợp giải trí đa năng trường đua ngựa, đăng cai SEA Games 31…

Mới đây, ngày 18/1, Sở Du lịch Hà Nội đã ký kết quảng bá hình ảnh với CNN, định hướng đưa Hà Nội trở thành điểm đến thể thao mới trong 5 năm tới. Trước định hướng phát triển Hà Nội trở thành điểm đến thể thao năm 2019, bên cạnh những tiềm năng nhất định, ở khía cạnh DLTT Việt Nam còn phải đối mặt với không ít thách thức về vốn, cơ sở hạ tầng, dịch vụ,…

Việc đồng bộ cơ sở hạ tầng phải nhiều năm nữa mới hoàn thành. Một số loại hình DLTT đặc thù yêu cầu những sân vận động hiện đại, trường đua đẳng cấp và những dịch vụ hỗ trợ đặc biệt. Hiện chưa có một sân vận động nào đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Việc cải tạo, nâng cấp cũng rất tốn kém, phức tạp mà chưa thể đem lại nguồn thu du lịch. Chỉ mới sân bãi thôi đã thấy bài toán không đơn giản, huống chi còn nhiều đòi hỏi hạ tầng khác phải đáp ứng như dịch vụ khách sạn, giao thông... 

Thách thức về công nghệ và ứng xử “xấu xí”

Tại các giải bóng đá khác trên thế giới, người hâm mộ thường lên lịch các hoạt động của mình từ rất sớm trước chuyến đi. Anh Lê Tùng, 23 tuổi, du học sinh Việt Nam tại Mỹ chia sẻ: “Năm ngoái tôi chọn sang Anh thăm bạn bè đúng thời điểm có giải Ngoại hạng Anh, để xem đội yêu thích đá. Tôi phải săn trước 1 tháng vé trận Manchester United (Quỷ đỏ) rồi mới đặt vé máy bay phù hợp. Đó là kỉ niệm đáng nhớ nhất chuyến đi”.

Tiến bộ công nghệ tạo ra những hỗ trợ lớn cho DLTT. Việc có một ứng dụng trực tuyến không chỉ giúp mọi người nhận thức rõ về thời gian và địa điểm của sự kiện thể thao mà còn giúp họ chuẩn bị chi phí, công việc tốt hơn. Ngoài bóng đá, Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng ra các tour thể thao khác như bơi lội, leo núi, chạy bộ; trekking, thám hiểm, khám phá… Với nhu cầu tìm kiếm và đặt dịch vụ hoàn toàn trên Internet, Việt Nam có đủ tiềm lực hay không?

Khốn khổ để mua được cặp vé xem ĐTQG thi đấu
Khốn khổ để mua được cặp vé xem ĐTQG thi đấu

Trên thực thế, mới chỉ 2 tháng trước, người hâm mộ bóng đá cùng phải chung tâm trạng ấm ức khi đặt mua vé online trên trang chủ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Vừa mở cổng đăng kí ít phút, trang chủ của VFF đã tắc nghẽn, thông báo hết vé.

Ngược lại, nếu mua trực tiếp người hâm mộ sẽ còn phải đối mặt với tình trạng chen lấn, xô đẩy, xếp hàng cả ngày không mua được. Mặt khác, tình trạng ăn mừng, “đi bão” vô tổ chức, lợi dụng đua xe trái phép gần đây cũng đặt ra câu hỏi về đảm bảo an toàn cho khách quốc tế nếu phát triển DLTT. Hình ảnh này vô hình trung làm khách quốc tế có những ái ngại về việc tham gia một trận bóng đá trực tiếp tại Việt Nam.

Tóm lại, phát triển DLTT là một định hướng mới mẻ, có tiềm năng, với hy vọng giảm tải sức ép cho các điểm tham quan di sản đang quá tải; đồng thời kích thích du khách chi tiền nhiều hơn cho các hoạt động thể thao, dịch vụ ăn uống, vui chơi, nghỉ dưỡng trong các giải đấu…

Có thể thấy nỗ lực của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng trong việc chuẩn bị, cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ, ứng dụng hỗ trợ… Tuy nhiên, những vấn đề lớn trước mắt chính là bài toán tiềm lực kinh tế nan giải, vấn nạn an ninh trật tự, văn hóa ứng xử “xấu xí” bởi những người hâm mộ quá khích.