Du lịch bằng tàu thuyền: Làm gì để tăng độ an toàn?

(PLVN) -  Chưa kịp hân hoan khi ngành công nghiệp không khói mới chớm phục hồi, vụ chìm tàu ca nô tại Hội An, Quảng Nam đã khiến nhiều người chùng lại, lo lắng về mức độ an toàn du lịch tàu thuyền.
Tìm kiếm nạn nhân vụ chìm tàu du lịch ở Quảng Nam. Ảnh: Ủy ban ATGT Quốc gia.
Tìm kiếm nạn nhân vụ chìm tàu du lịch ở Quảng Nam. Ảnh: Ủy ban ATGT Quốc gia.

Xem xét lại hệ thống tàu thuyền phục vụ du lịch

Vụ chìm tàu cano khiến nhiều người tử vong tại TP Hội An ngày 26/2 đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an toàn của hệ thống cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch. Theo đó, chiếc thuyền gặp nạn là loại cano đóng kín, không thông thoáng như cano mui trần.

Ngoài những đánh giá từ cơ quan chức năng, nhiều lái tàu du lịch, người dân, kể cả lãnh đạo địa phương cho rằng cần có đánh giá về loại tàu cao tốc đóng kín, gây khó công tác cứu nạn, dễ gia tăng thương vong khi tàu lật úp.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An cũng cho biết thành phố đang đề xuất với tỉnh, Bộ và Trung ương xem xét lại vấn đề thiết kế của tàu thuyền theo chuẩn mới SB (có hiệu lực từ 2016). Vì thực tế, hàng chục năm qua, thành phố tổ chức đi du lịch bằng cano SI, mui trống toàn bộ, không có khoang kín, nên nếu có việc lật tàu, chìm tàu cũng chưa bao giờ xảy ra chết người. Tất cả người đi tàu đều được yêu cầu mặc áo phao, nếu chìm tàu thì họ nổi lên, lực lượng chức năng sẽ vớt được. Tuy nhiên, với tàu này thì kín từ trước ra sau, chỉ có 2 cửa, khi lật rất nguy hiểm. Như vụ lật cano vừa qua, những người phía trong khi được đưa ra đã ngạt thở. Đây cũng là kinh nghiệm để điều chỉnh các tàu thuyền chở khách du lịch sắp đến.

Không chỉ tại Quảng Nam, vụ việc đau lòng vừa qua cũng là lời cảnh báo cho các cơ sở du lịch tàu thuyền ở địa phương khác. Những tháng gần đây, khi toàn xã hội chuyển sang giai đoạn thích ứng với dịch COVID-19, khách du lịch dần trở lại với Huế, những chiếc thuyền rồng du lịch trên sông Hương cũng bắt đầu hoạt động trở lại sau một thời gian dài “ngủ đông”.

Cảm nhận đầu tiên của nhiều du khách khi bước chân lên những chiếc thuyền rồng vỏ nhôm kính là nội thất bên trong rất sơ sài, một vài chồng ghế nhựa để du khách ngồi, dịch vụ ăn uống cũng rất nghèo nàn. Những người phục vụ cũng chính là các thành viên trong gia đình sinh sống ở trên thuyền nên không chú trọng đến yếu tố chuyên nghiệp trong giao tiếp. Một số thuyền có bày bán đồ lưu niệm nhưng đều là những mặt hàng bình dân như vòng hạt, quạt giấy, các loại tượng bằng nhựa... với giá bán vài chục ngàn đồng. Đáng nói, những chiếc thuyền này tương đối cũ, nguy cơ mất an toàn cho khách du lịch khi sử dụng rất cao.

Không nên bỏ qua yếu tố thời tiết

Ngoài nỗi lo từ hệ thống cơ sở vật chất, nhiều cơ sở du lịch hiện nay đưa đón khách thường xuyên, không lưu tâm đến vấn đề thời tiết, chưa có hướng dẫn viên để cảnh báo.

Để không gặp những sự cố đáng tiếc, khách du lịch nên lựa chọn thời điểm thích hợp để du lịch tàu thuyền. Nếu chọn đi nghỉ dưỡng bằng tàu, thuyền, ca nô, các gia đình cần cân nhắc mua tour vào tháng 4, 5, 6 hoặc tháng 9, 10 khi thời tiết thuận lợi.

Khi sử dụng dịch vụ tàu thuyền, khách du lịch cần đảm bảo cơ sở vật chất an toàn, phương tiện phải đạt tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, có đủ áo phao và xuồng cứu hộ để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Trong khi một số tour du lịch tàu biển chấp nhận cho du khách mang theo trẻ em nhỏ tuổi thì mỗi người vẫn nên lường trước những tiềm ẩn nguy hiểm có thể xảy ra. Vì vậy, hãy hạn chế cho trẻ em tham gia vào các hoạt động du lịch tàu thuyền.

Khi gặp sự cố cần giữ bình tĩnh, mặc áo phao và giữ sức, làm theo hướng dẫn của hướng dẫn viên hay người chỉ huy tàu thuyền. Vận dụng các kĩ năng, kinh nghiệm để tìm tới sự trợ giúp hoặc cố gắng thoát khỏi điểm nguy hiểm. Cần đọc trước những tình huống và chuẩn bị để phòng ngừa cho những trường hợp xấu.

Trước thực trạng đó, để tránh các vụ việc đau lòng tương tự, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực phải xem việc kiểm tra, rà soát ở ngành, lĩnh vực mình là công việc thường xuyên, liên tục. Từ đó phải chỉ ra được ai là người chịu trách nhiệm cụ thể, đâu là “lỗ hổng” trong công tác quản lý, giám sát cần phải thay đổi và khắc phục…

Đọc thêm