Du lịch bền vững ở Việt Nam đang gặp rào cản gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Báo cáo Du lịch Bền vững 2024 của Booking.com khảo sát hàng ngàn du khách trên thế giới cho thấy, 75% du khách Việt cảm thấy được khích lệ để sống xanh mỗi ngày sau khi chứng kiến các hoạt động du lịch bền vững trong chuyến đi của mình. Nhưng có một nghịch lý là vẫn tồn tại nhiều rào cản khiến họ không thể thực hiện điều này.
Xu hướng du lịch hiện nay là chú trọng sự bền vững. (Ảnh: Bộ VH,TT&DL)
Xu hướng du lịch hiện nay là chú trọng sự bền vững. (Ảnh: Bộ VH,TT&DL)

Du lịch bền vững cần sự nhất quán...

Tại Việt Nam, nhu cầu du lịch của du khách Việt đã mở rộng từ các hoạt động thân thiện với môi trường như đi bộ và đạp xe, đến những trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên hay tìm hiểu văn hóa. Dù vậy, Booking.com cũng chỉ ra nhiều rào cản tồn tại đối với du lịch bền vững tại Việt Nam.

Rào cản đầu tiên là cảm giác mệt mỏi của du khách khi đưa ra lựa chọn du lịch bền vững. Cụ thể, nhiều du khách Việt cảm thấy du lịch bền vững là quan trọng, nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu của họ khi lên kế hoạch hoặc đặt trước chuyến đi. Ngoài ra, phần đông vẫn tin rằng những tổn thất môi trường đã xảy ra là không thể khắc phục, và rằng những lựa chọn du lịch cá nhân của họ không thể tạo nên sự khác biệt.

Tiếp theo là rào cản về thiếu vắng biện pháp thiết thực và nhất quán khi áp dụng du lịch bền vững ở các điểm du lịch. Sự thiếu nhất quán trong các tiêu chuẩn chứng nhận, cách truyền đạt thông tin khiến nhiều du khách cảm thấy những nỗ lực cá nhân của họ trở nên “vô ích”. Bên cạnh đó, nỗ lực thúc đẩy du lịch bền vững của các công ty du lịch và cơ sở lưu trú vẫn còn manh mún tại các địa phương do nhiều lý do như chi phí, hạn chế về nhận thức, nguồn lực,…

Ông Varun Grover, Giám đốc Quốc gia của Booking.com tại Việt Nam nhấn mạnh rằng, nhận thức và cam kết về du lịch bền vững của du khách Việt đang ngày một tăng. Trước đây, “bền vững” và “phong cách” là hai khái niệm hiếm khi đi đôi với nhau. Du lịch bền vững thường gắn với hình ảnh các khu cắm trại cơ bản và đơn giản. Đến năm 2024, đã có sự kết hợp giữa thiết kế phong cách và tinh thần trách nhiệm, cho du khách cơ hội lựa chọn một lối sống vừa có ý thức, trách nhiệm mà vẫn hiện đại, phong cách. Du khách có xu hướng tìm kiếm những cơ sở lưu trú với kiến trúc đẹp mang nhiều tính năng thân thiện với môi trường.

Và cần cả sự đa dạng

Mô hình du lịch tái tạo trong thời gian gần đây cũng nổi lên là một xu hướng đáng chú ý của du lịch có trách nhiệm và bền vững. Điểm đặc biệt của cách tiếp cận này là không chỉ bảo tồn, phục hồi mà còn giúp nâng cao giá trị điểm đến, qua đó nhấn mạnh rằng những hành động có ý thức sẽ mang lại lợi ích cho cả môi trường và cộng đồng địa phương.

Thời báo Úc The Sydney Morning Herald đã từng có bài viết nhấn mạnh về tầm quan trọng của du lịch tái tạo để bảo vệ môi trường, trong đó đánh giá Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho du lịch tái tạo. Cụ thể, những chuyến du lịch trekking (đi bộ đường dài) tại Việt Nam nhằm giảm phát thải carbon được ưu tiên đề xuất. Một trong những điểm trekking tuyệt vời nhất khi đến với Việt Nam chính là chuyến đi đến Cao Bằng và khám phá Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Du lịch bền vững nhằm mục đích không gây hại cho các điểm đến là trọng tâm của những du khách có ý thức bảo vệ môi trường trong những năm qua. Trong xu hướng đó thì du lịch tái tạo tập trung vào những trải nghiệm giúp nâng cao đời sống cộng đồng địa phương, bảo tồn động vật hoang dã và hệ sinh thái, đồng thời loại bỏ được nhiều carbon ra khỏi khí quyển hơn mức đưa vào.

Du lịch tái tạo cũng là hình thức du lịch mà du khách vừa được chiêm ngưỡng cảnh đẹp vừa có thể làm tình nguyện viên với các tổ chức về bảo vệ môi trường. Ví dụ, Tổ chức Surf Rider Foundation (Hoa Kỳ) có các chi nhánh trên khắp Hoa Kỳ và du khách có thể tham gia vào du lịch tái tạo bằng cách tình nguyện tham gia dọn dẹp bờ biển. Tại Việt Nam, du lịch tái tạo đang dần trở thành một phong trào xã hội và môi trường. Tiêu biểu là tổ chức Du lịch tái tạo, gồm các khách sạn cùng chung mục tiêu, hướng tới những tác động tích cực đến môi trường. Hoạt động của tổ chức này nhằm khẳng định “tái tạo đang vượt ra ngoài tính bền vững để tạo ra những tác động tích cực”.

Du khách Việt đang ngày càng quan tâm đến hoạt động du lịch góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và môi trường địa phương. Dù vậy, du lịch bền vững hay du lịch có trách nhiệm mới chỉ là ưu tiên của một bộ phận người làm nghề và du khách trong bức tranh chung của toàn ngành Du lịch Việt Nam. Trong đó, nhiều xu hướng rộ lên chỉ dừng ở việc kêu gọi thực hiện trong một thời gian ngắn rồi lại “chìm nghỉm”. Để “níu chân” được du khách và tạo động lực cho người làm nghề, du lịch bền vững không những cần sự nhất quán mà còn phải đa dạng, liên tục đổi mới.

Đọc thêm