Khi những “con sâu làm rầu nồi canh”
Tại các điểm đến khắp cả nước, hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú thường xuyên hoạt động hết công suất trong suốt mùa hè. Nhiều nơi phải đặt trước cả tháng mới có phòng. Thậm chí, nhiều công ty du lịch uy tín phải từ chối nhận thêm khách để bảo đảm chất lượng dịch vụ…
Tuy nhiên, khi thị trường dần nhộn nhịp cũng là lúc xuất hiện những sự việc đáng buồn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Thời gian qua, sự xuất hiện và lan truyền của clip ghi lại hình ảnh nhóm người Việt xô xát với du khách nước ngoài trên phố Hàng Buồm, Hà Nội đã gây xôn xao dư luận. Hình ảnh “giao tiếp” với du khách quốc tế bằng ghế nhựa, vỏ chai bia ít nhiều gây nên ấn tượng xấu xí về du lịch Hà Nội.
Từ đây, không ít người nhớ đến hàng loạt sự việc đáng tiếc xảy ra thời gian qua khiến du lịch Việt Nam mất điểm. Điển hình là vụ việc diễn ra đầu tháng 5/2022 liên quan hai nữ du khách người Nga bị lái xe ta-xi chiếm đoạt điện thoại khi thuê dịch vụ di chuyển ở phố cổ Hà Nội. Tiếp đó là vụ tài xế ta-xi trộm tiền và thẻ visa của du khách Hàn Quốc rồi “quẹt” mua hàng vô tội vạ ở Hà Nội hồi đầu tháng 6. Hay vụ nữ tài xế ta-xi “chặt chém” du khách người Ba Lan 400.000 đồng cho quãng đường di chuyển chỉ 6km từ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) tới Khu đô thị Times City…
Không riêng Hà Nội, tại một số địa phương là trọng điểm du lịch, tình trạng chèo kéo, ép giá, lừa đảo du khách để thu lời cũng từng bị phản ánh. Video xuất hiện mới đây trên mạng xã hội có nội dung tranh giành để đưa khách du lịch tới các cơ sở kinh doanh “đặc sản Đà Lạt” giữa một người được cho là “cò đặc sản”, người còn lại là hướng dẫn viên du lịch khiến cộng đồng mạng ngao ngán bởi lối ứng xử thiếu chuẩn mực, hành vi khiếm nhã.
Nội dung đoạn video được đưa lên mạng cho thấy, ông Thái Hữu Thanh muốn đưa đoàn khách trên tới mua sắm tại cơ sở kinh doanh đặc sản Sky (số 368, đường Nguyên Tử Lực, TP Đà Lạt), còn phía ông Phan Nguyễn Duy Anh lại muốn đưa khách của mình tới Trung tâm mua sắm đặc sản Đà Lạt Hương Đà (số 7, đường Trần Quốc Toản, TP Đà Lạt).
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc tương tự đã từng xảy ra trên địa bàn TP Đà Lạt. Sự co kéo, tranh giành khách đến ăn uống, mua sắm giữa các cơ sở kinh doanh đã khiến hình ảnh thành phố “hiền hòa, thanh lịch và mến khách” được chính quyền và người dân địa phương nỗ lực xây dựng bị ảnh hưởng. “Cao điểm” của các vụ tranh giành khách là xảy ra đâm chém lẫn nhau giữa các nhóm và đã từng có người thiệt mạng.
Dù chỉ là cá biệt nhưng “tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, những hành xử hung hăng, chộp giật, sai phạm nêu trên là những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây tác động xấu đến thương hiệu du lịch quốc gia, làm sứt mẻ hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách mà ngành du lịch cả nước đã dày công xây dựng nhiều năm qua.
Trong bối cảnh thế giới phẳng, những vụ việc đó chỉ cần những cú click chuột là tất cả còn nguyên ở đó.
Mặc dù khi các vụ việc được trình báo, lực lượng chức năng luôn khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh và giải quyết vấn đề trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của du khách. Những pha cứu nguy kịp thời này phần lớn đều nhận được sự hài lòng và đánh giá cao của du khách, góp phần gỡ điểm cho du lịch Việt Nam.
Thế nhưng, dù xử lý tốt đến mấy cũng không thể xóa nhòa sự thực du khách đã phải đối mặt những trải nghiệm xấu trong hành trình du lịch. Cũng chẳng thể khẳng định họ có sẵn sàng quên đi những ấn tượng không mấy đẹp ấy để quay lại thăm Việt Nam lần nữa, hoặc gợi ý người thân, bạn bè đến thăm Việt Nam hay không? Rõ ràng, những vụ việc dù không quá phổ biến, nhưng hệ quả mang lại là không thể đo đếm, ít nhiều gây ảnh hưởng đến quyết định du lịch Việt Nam của du khách quốc tế.
Những bộ quy tắc ứng xử
Để hạn chế những mặt trái khi phát triển du lịch, từ tháng 3/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên quy mô cả nước; trong đó quy định cụ thể những điều cần làm đối với từng đối tượng tham gia hoạt động du lịch.
Khảo sát tại nhiều điểm du lịch, cư dân bản địa vẫn giữ được vẻ chất phác, thân thiện, hiếu khách. |
Còn tại Hà Nội cũng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào tháng 3/2017 sau hơn 5 năm lấy ý kiến chuyên gia, cộng đồng. Sau khi 2 Bộ Quy tắc ứng xử này được ban hành cùng thời điểm năm 2017, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Cả 2 Bộ Quy tắc này khi xác định liên quan đến hành vi ứng xử với du khách đều có những điểm chung mang tính quy tắc trong giao tiếp, ứng xử như: thân thiện, không gây gổ, dùng bạo lực…”.
Tuy nhiên, từ góc độ nghiên cứu, PGS.TS Phạm Hồng Long cho biết: “Khảo sát tại nhiều điểm du lịch, thời kỳ ban đầu khi ít khách (cả khách quốc tế lẫn khách nội địa), cư dân bản địa vẫn giữ được vẻ chất phác, thân thiện, hiếu khách. Tuy nhiên, khi khách đến đông sẽ dẫn tới mâu thuẫn từ nhiều khía cạnh như môi trường, tiếng ồn, giao thoa văn hoá dẫn đến những sự pha tạp, lai căng… Với người dân phố cổ Hà Nội, khi lượng khách trở nên đông thì hoạt động của khách du lịch trở nên quen thuộc và họ thấy bình thường như chính cư dân bản địa. Điều này cũng sẽ dẫn đến ứng xử như cư dân bản địa”.
Bên cạnh đó, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Hà Nội cũng cho rằng, thời gian qua, Hà Nội và cả nước đã nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá để thu hút khách quốc tế nên sự việc liên quan đến hình ảnh không đẹp trong ứng xử lan truyền trên mạng xã hội về xô xát giữa du khách và cư dân tại phố cổ, nạn chèo kéo khách cần được xử lý kiên quyết.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng với các phương pháp tiếp cận khác nhau để mang lại hiệu quả. Trong đó, việc tuyên truyền với cư dân tại các điểm du lịch triển khai thông qua tổ dân phố, đoàn thể. Còn với du khách, việc thực hiện tuyên truyền đẩy mạnh qua đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên và thông tin được phổ biến khi nhập cảnh. Đồng thời, chính quyền các nơi có điểm du lịch có thể tổ chức các cuộc thi, vinh danh những hành động đẹp để lan toả.
PGS. TS Phạm Hồng Long chia sẻ, tuy ban hành vào cùng thời điểm tháng 3/2017 nhưng Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội được đề xuất từ trước đó khoảng 5 - 6 năm để lấy ý kiến chuyên gia, người dân hướng đến từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Bộ Quy tắc này đề ra việc nên làm như : “Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực”… và việc không nên làm như: Nói to, gây ồn ào, mất trật tự; Kích động, đe dọa, sử dụng bạo lực… Trong Bộ Quy tắc cũng dành riêng Điều 11 quy định tại khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan cũng nêu: Không chen lấn, xô đẩy, gây rối.
Còn trong Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch mang tính chuyên ngành này cũng đã quy định: Với du khách ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự nơi công cộng, vui chơi lành mạnh; Giữ gìn, bảo vệ công trình văn hóa, kiến trúc, cảnh quan khi đi du lịch; Không chen lấn, xô đẩy, gây ồn ào mất trật tự và có hành vi bạo lực khi đi du lịch. Những điều cần làm đối với cộng đồng dân cư cũng quy định: Lịch sự, nói lời hay, cử chỉ đẹp, thân thiện với khách du lịch; Nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ du khách khi có yêu cầu; Giữ thái độ nhã nhặn, lịch sự khi giải quyết sự cố đối với khách du lịch…
Và điều quan trọng, để du lịch Việt là điểm đến thân thiện thì mỗi người dân cũng như các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn… phải luôn có những hành xử đúng mực, lịch sự, để lại những ấn tượng đẹp về một Việt Nam xinh đẹp và mến khách…
Muốn thu hút khách du lịch quốc tế thì không thể để “con sâu làm rầu nồi canh”
Trong số hơn 61 triệu lượt khách, chỉ có 602.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, còn cách rất xa mục tiêu đón 5 triệu khách đặt ra trong năm 2022. Trong bối cảnh các nước trong khu vực đồng loạt mở cửa du lịch và cạnh tranh gay gắt để thu hút khách quốc tế sau đại dịch, việc xây dựng hình ảnh điểm đến để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch quốc gia càng trở nên cấp thiết. Muốn thu hút đông đảo khách quốc tế, du lịch Việt Nam không thể để xuất hiện những cách làm liều, “ăn xổi ở thì” và chộp giật.