Du lịch Ninh Bình: Hiện thực hóa mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn

Du lịch Ninh Bình: Hiện thực hóa mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) -  Không phải ngẫu nhiên mà cảnh sắc Ninh Bình từ 30 năm trước đã lọt vào mắt xanh của đạo diễn người Pháp Régis Wargnier, cho bộ phim Indochine (1992, giải Oscar lần thứ 65 cho phim ngoại ngữ hay nhất) và mới đây lại được Tạp chí Forbes (Mỹ) giới thiệu là 1 trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất trên thế giới năm 2023

.

Cũng mang những giá trị độc nhất vô nhị của loại địa hình karst (cácxtơ) đá vôi nhưng nếu Vịnh Hạ Long thiên về một hùng quan trên mặt biển, Phong Nha – Kẻ Bàng thiên về hệ thống hang động kỳ vĩ trong lòng đất thì có lẽ ở vùng Tràng An (Ninh Bình) các yếu tố: sơn – thủy – động “đá cặp” với nhau một cách hài hòa, đăng đối hơn.

Sơn không quá cao, thủy không quá mênh mông, động không quá sâu. Non vừa đủ để soi bóng xuống mặt nước. Nước không thăm thẳm nên thuyền nan có thể khua mái chèo đưa khách du ngoạn. Động không quá bí hiểm, thâm u để cần phải “chuyên nghiệp” mới có thể khám phá.

Và đặc biệt, ở vùng Tam Cốc – Tràng An, yếu tố con người, bức tranh sinh hoạt nông thôn bình dị, đậm nét, sâu sắc hơn. Đó là cánh đồng lúa chín vàng trong Tam Cốc, là đàn dê trắng nhởn nhơ leo núi, là làn khói hương huyền ảo nơi cổ miếu Thung Nắng, là nếp nhà tranh, mái chùa Bích Động nép mình dưới mái đá. Tất cả hòa quyện, đan cài để cảnh vật không trở nên đơn côi, tịch liêu mà sống động, tôn lên vẻ đẹp của nhau.

Dòng Ngô Đồng uốn lượn giữa cánh đồng lúa chín vàng Tam Cốc.

Dòng Ngô Đồng uốn lượn giữa cánh đồng lúa chín vàng Tam Cốc.

Ngày 23/6/2014, tại thủ đô Doha (Qatar), Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An vào danh mục Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới dựa trên 3 tiêu chí: văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất - địa mạo.

Nơi đây được ví như cuốn biên niên sử về sự biến đổi địa chất, địa mạo và cảnh quan môi trường cùng truyền thống cư trú của loài người qua hàng vạn năm phát triển. Cảnh quan tháp karst Tràng An được đánh giá là một trong những khu vực đẹp và ngoạn mục nhất thuộc loại này trên thế giới, với một loạt các tháp karst dạng nón, vách dốc đứng cao tới 200m.

Địa hình núi đá vôi điển hình đã kiến tạo nên rất nhiều hang động đẹp. Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước, được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện. Cảnh sắc nơi đây chẳng khác nào một bảo tàng địa lý tự nhiên - văn hóa với một chuỗi các hang động, núi non, rừng cây, sông nước và các di tích lịch sử, văn hóa đan cài.

Sự kết hợp của sơn (núi) - thủy (nước) và hang động ở Hang Bóng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Đầm Vân Long.

Sự kết hợp của sơn (núi) - thủy (nước) và hang động ở Hang Bóng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Đầm Vân Long.

Nhắc đến cảnh quan Ninh Bình, chúng ta còn phải nhắc đến đầm Vân Long - khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, một trong những khu Ramsar của thế giới. Nơi sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam, đặc biệt trong đó là “nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng (loài linh trưởng có tên trong sách đỏ thế giới) nhiều nhất” với hơn 40 cá thể.

Ninh Bình còn có rừng Cúc Phương – vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, nơi đã quá nổi tiếng trong các bài học phổ thông với cây chò ngàn năm tuổi. Nơi mà cố giáo sư đầu ngành địa lý Lê Bá Thảo bảo rằng “những người yêu thích thiên nhiên nên đến một lần”. Họ sẽ tìm thấy ở đây một thiên nhiên hình như chưa bị bàn tay con người đụng chạm đến và có thể thấy con người cổ sơ – hiện còn di tích ở động “Người xưa” – đã sống trong môi trường như thế nào.

Ninh Bình không chỉ có sơn thủy hữu tình mà còn ôm ấp trong mình một bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ bóng cờ lau tập trận của Vua Đinh Tiên Hoàng, khúc ca khải hoàn phá Tống bình Chiêm của Vua Lê Đại Hành đến chiếu dời đô bất hủ của Thái tổ Lý Công Uẩn; từ căn cứ địa vững chắc, hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần đến tiếng vó ngựa thần tốc của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ vượt phòng tuyến Tam Điệp tiến về Thăng Long đại phá quân Thanh.

Ninh Bình – Cố đô Hoa Lư, nơi mà cách đây hơn 1.000 năm, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh đã thu phục 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt – Nhà nước quân chủ đầu tiên của nước ta, đặt Kinh đô ở Trường Yên, Hoa Lư ngạo nghễ và khí phách “Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng soi bóng xuống hồ bán nguyệt.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng soi bóng xuống hồ bán nguyệt.

Địa linh sinh nhân kiệt. Non sông cẩm tú hun đúc khí thiêng, sinh hiền tài. Những “nhân kiệt” từ đất Ninh Bình như Đinh Tiên Hoàng, các danh tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, hoàng hậu Dương Vân Nga, cao tăng, quốc sư thời Lý Nguyễn Minh Không (người được dân gian tôn kính là Đức Thánh Nguyễn), danh nhân thời Trần Trương Hán Siêu (người mà Đại Nam nhất thống chí ví như “núi cao, sao sáng của nho lưu”), tiến sĩ thời Lê Ninh Tốn, bảng nhãn thời Nguyễn Vũ Duy Thanh…

Không lớn về diện tích nhưng Ninh Bình lại đang hiện hữu tới 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt). Một số di tích lịch sử văn hóa quan trọng như: Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, đền Thái Vi, đền Đức Thánh Nguyễn, đền Trương Hán Siêu, chùa Bái Đính, chùa Bích Động, chùa Nhất Trụ, nhà thờ đá Phát Diệm…

Nghi thức tế tại Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng trong Lễ hội Trường Yên.
Nghi thức tế tại Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng trong Lễ hội Trường Yên.

Đi cùng với hệ thống di tích dày đặc là hơn 200 lễ hội truyền thống, trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội chùa Bích Động, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Báo bản Nộn Khê, Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ... Nơi đây cũng là đất tổ của nghệ thuật hát xẩm, hát chèo và nhiều làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Làng thêu Văn Lâm, làng chế tác đá Ninh Vân (Hoa Lư), làng làm cói ở Kim Sơn, gốm Bồ Bát (Yên Mô)…

Và một trong những đặc trưng, có thể ví là "mã nhận diện" của du lịch Ninh Bình chính là - du lịch trên đò. Từ Tam Cốc, Tràng An đến Đầm Vân Long, Thung Nham, Thung Nắng... du khách đều phải đi đò. Nhịp mái chèo chầm chậm khua nước giữa non non - nước nước khiến lòng người chùng lại, tan biến những lo toan thường nhật. Và có lẽ cũng khó có nơi đâu có đội ngũ những người nông dân - chèo đò đông đảo như Ninh Bình. Họ không chỉ mang trong mình vẻ chất phác, hồn hậu mà còn rành rẽ những sự tích, chim muông, cây cỏ... khiến du khách không khỏi bất ngờ.

Trả lời cho câu hỏi, điều gì đã khiến Ninh Bình (đại diện duy nhất của Việt Nam) lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới do Traveller Review Awards 2023 bình chọn? Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình chia sẻ rằng, Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo và hấp dẫn, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, độc đáo, ẩm thực phong phú.

Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An được tổ chức UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đã tạo động lực quan trọng và điều kiện thuận lợi cho du lịch Ninh Bình phát triển và hội nhập quốc tế.

“Đây chính là những lợi thế to lớn để tỉnh Ninh Bình phát triển du lịch, trở thành điểm đến du lịch ấn tượng, thu hút du khách trong nước và quốc tế”, người đứng đầu ngành du lịch Ninh Bình nhấn mạnh.

Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo. (Ảnh trên: Hang Múa và Động Am Tiên)

Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo. (Ảnh trên: Hang Múa và Động Am Tiên)

Đặc biệt, để du lịch trở thành thế mạnh, động lực cho tăng trưởng, Ninh Bình đã có nhiều chiến lược, quyết sách, đề án phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch là một trong những nội dung quan trọng trong 3 khâu đột phá của tỉnh.

Để đảm bảo sự phát triển du lịch hài hòa, cân bằng và bảo vệ môi trường tự nhiên, cần có sự kết hợp giữa việc phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giữ vững danh hiệu di sản là một bài toán khó không chỉ đối với Ninh Bình mà cũng là bài toán khó chung của cả nước. Hiện nay du lịch Ninh Bình đang áp dụng nhiều biện pháp để nhằm phát triển hài hòa giữa lợi ích kinh tế xã hội với phát triển du lịch đảm bảo môi trường tự nhiên.

- Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh.

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Kết luận số 07-KL/TU ngày 12/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch. Quyết định số 1339/QĐ-UBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển hoạt động du lịch những tháng cuối năm 2021 và năm 2022; Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 14/3/2022 của UBND tỉnh về việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế,…

Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về du lịch từng bước được kiện toàn và hoạt động hiệu quả; công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An có nhiều tiến bộ; hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng; một số khu, điểm du lịch, khách sạn cao cấp được đầu tư hoàn thiện đưa vào khai thác có hiệu quả; các chỉ tiêu về lượt khách, doanh thu du lịch, số lao động trong ngành du lịch... ngày càng tăng; các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương luôn tích cực, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch văn minh...

Đề án phát triển Du lịch Ninh Bình đặt mục tiêu: Đến năm 2045, phấn đấu Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp 10% GRDP của tỉnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, ngành Du lịch Ninh Bình đã và đang triển khai “đa nhiệm vụ”, “đa giải pháp” với quyết tâm, nỗ lực cao nhất như:

Tập trung vào quy hoạch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững trong đó tập trung thực hiện Quy hoạch công viên động vật hoang dã Quốc gia Ninh Bình; Quy hoạch phân khu các khu vực trong khu di sản Tràng An; Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Lập, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng các khu du lịch Vân Long, Cúc phương, hồ Đồng Thái – động Mã Tiên.

Phát triển du lịch xanh, bền vững là lựa chọn của Ninh Bình.

Quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ nghiêm các khu vực có giá trị cảnh quan, địa chất địa mạo, tiềm năng phát triển du lịch… Nghiên cứu xây dựng quy hoạch bảo tồn không gian văn hóa kinh đô Hoa Lư xưa tại xã Trường Yên và vùng phụ cận; Không gian văn hóa khu vực sông Bôi, sông Hoàng Long; Quy hoạch phát triển không gian văn hóa làng nghề truyền thống Văn Lâm gắn với hành cung Vũ Lâm, huyện Hoa Lư…

Phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư mới hệ thống giao thông kết nối các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, hạ tầng giao thông đường thủy phát triển du lịch trên sông; Bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án hạ tầng cơ sở du lịch trọng điểm, đặc biệt tại các khu du lịch được quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia.

Các di tích trong khu vực Thung Nắng, một địa điểm còn ít được biết đến đang được đầu tư.

Các di tích trong khu vực Thung Nắng, một địa điểm còn ít được biết đến đang được đầu tư.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chú trọng kinh tế đêm, phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm du lịch có thế mạnh là du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng… Đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, nhiều tiềm năng như du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái ven biển; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ; du lịch chữa bệnh; du lịch thể thao nước, vui chơi giải trí cao cấp; du lịch MICE…

Tăng cường quản lý nhà nước và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch; Nghiên cứu thị trường xúc tiến, quảng bá – liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch; Tập trung, ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số du lịch để kết nối nhằm hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch và phục vụ công tác quản lý; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh để kết nối hạ tầng dịch vụ du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượt khách đến thăm quan tại các điểm du lịch trên địa bàn Ninh Bình ước đạt trên 4.140,6 nghìn lượt khách, gấp hơn 2,8 lần; Doanh thu du lịch ước đạt trên 3.376,3 tỷ đồng gấp hơn 3,3 lần so với cùng kỳ.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượt khách đến thăm quan tại các điểm du lịch trên địa bàn Ninh Bình ước đạt trên 4.140,6 nghìn lượt khách, gấp hơn 2,8 lần; Doanh thu du lịch ước đạt trên 3.376,3 tỷ đồng gấp hơn 3,3 lần so với cùng kỳ.

Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu phù hợp, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành; Đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, nghệ nhân, chuyên gia tham gia đào tạo nhân lực du lịch; Hỗ trợ, tạo điều kiện tăng cường năng lực cho trường Đại học Hoa Lư, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch tổ chức các khóa đào tạo nghề du lịch, ngoại ngữ cho lao động ngành du lịch.

Theo ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, tất cả nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra. Đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội; phát triển hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng, có sức cạnh tranh và mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư; xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến “An toàn – Thân thiện - Chất lượng – Hấp dẫn”.

* Trong bài sử dụng ảnh chùa Bái Đính của Phòng Quản lý Du lịch - Sở Du lịch Ninh Bình.