Nhiều điểm du lịch mở cửa trở lại
Hiện nay, toàn ngành du lịch đang hướng đến các phương án phục hồi sớm nhất nhằm đưa các hoạt động du lịch ổn định trở lại và không bị “lúng túng” sau khi dịch bệnh kết thúc. Nhận thức được tình hình, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đúng biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách khi mở cửa trở lại các điểm du lịch.
Tại Phú Yên, địa điểm Gành Đá Đĩa – bối cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” từng thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, sau khi đóng cửa ngày 6/2 đã mở đón khách trở lại vào ngày hôm sau. Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đã mở cửa trở lại sau 24 giờ ngừng đón khách.
Nhiều điểm tham quan ở Hà Nội cũng đã hoạt động trở lại sau khi đóng cửa từ chiều 5/2. Từ ngày 7/2, các điểm tham quan nổi tiếng trên địa bàn Thủ đô như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc hay khu di tích Cổ Loa... đã mở cửa hoạt động bình thường.
Trước đó, từ sáng 6/2, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đón khách trở lại. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long cũng thông báo tiếp tục mở cửa đón khách tham quan từ 8 giờ ngày 6/2. Dù vậy, khách du lịch khi tham quan tại các địa điểm trên vẫn được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh.
|
Phát khẩu trang cho du khách đến tham quan tại các di tích ở Hà Nội |
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều điểm tham quan, du lịch vẫn duy trì hoạt động. Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho rằng, trong chỉ thị của Thủ tướng là không tổ chức các lễ hội mới và hạn chế người dân tụ tập đến chỗ đông người, chứ chưa có thông tin cấm đến.
Thực tế các siêu thị, trung tâm thương mại vẫn đón khách bình thường. Vì vậy, các điểm tham quan của TP HCM vẫn mở cửa đến khi có cập nhật mới. Tuy nhiên, các điểm đến này được đảm bảo đón khách trong điều kiện an toàn, chủ động bảo vệ du khách như phát khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn...
Chủ động hơn bị động
Hiểu được việc đóng cửa du lịch sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển chung, nhiều tỉnh và địa phương trong cả nước đã chủ động triển khai các kế hoạch nhằm đưa du lịch trở lại trong thời gian tới. Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch các địa phương thực hiện việc kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh thu hút khách vào Việt Nam (tiền điện nước, thuê đất theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, giảm thuế VAT, miễn VISA…).
Bên cạnh đó, Sở Du lịch các tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khảo sát, tuyên truyền quảng bá tại các thị trường tiềm năng, thị trường mới, thị trường không bị ảnh hưởng do dịch bệnh để phục vụ phát triển du lịch sau khi dịch được kiểm soát hoàn toàn.
Đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho rằng sau khi kiểm soát được dịch, việc tái cơ cấu thị trường khách du lịch nội địa là rất quan trọng. Việc đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa trong thời điểm này là rất quan trọng bởi TP Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn là địa điểm thu hút hàng nghìn lượt khách nội địa khi sở hữu bãi biển thuộc top đẹp nhất thế giới. Về phía doanh nghiệp, các chính sách miễn thuế, hỗ trợ thuế, hỗ trợ trong hoạt động cấp phát visa cũng được tỉnh triển khai thực hiện.
Đối với khách du lịch, nhất là khách nội địa, một trong những cách được Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đề xuất đó là tăng cường các chương trình ưu đãi trọn gói cho khách du lịch trong nước. Chương trình giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1- 2 tháng sau khi hết dịch, kiểm soát chặt việc “chặt chém”, tự ý nâng giá để kích cầu du lịch.
Theo đó, khách du lịch trong nước có thể được hưởng nhiều ưu đãi hơn khi lựa chọn đến các điểm đến nội địa. Phía Tập đoàn Vingroup cũng thông tin sẽ thực hiện việc hoàn trả phần lớn chi phí hoặc lùi thời hạn đặt dịch vụ của các đối tác và khách du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Các cơ sở lưu trú cũng sẵn sàng phục vụ các du khách phải ở lại sau khi đã hết chương trình nhưng không về được vì các chuyến bay bị hủy.
Lào Cai là một trong những tỉnh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch sớm nhất trong thời điểm này. Ông Hoàng Văn Tuyên - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai cho biết tỉnh sẽ tập trung chuyển sang các thị trường quốc tế khác bên cạnh Trung Quốc, đồng thời kích cầu để giữ khách nội địa.
“Hiện nay có khoảng 30% đến 50% khách sạn tại Lào Cai bị hủy dịch vụ, du lịch tỉnh đang thiệt hại rất lớn. Sau dịch, du lịch Lào Cai còn tiếp tục khó khăn vì rất khó trông chờ vào nguồn khách từ Trung Quốc. Vì vậy, ngay từ bây giờ, du lịch Lào Cai đã chuyển hướng tập trung khai thác thị trường nội địa và các thị trường khác”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Trước đó, Lào Cai cũng có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển như cam kết thực hiện 8 giải pháp để ưu tiên, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch về các thủ tục hành chính như cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, mở tour du lịch, vận tải hành khách và các dịch vụ phục vụ du khách theo quy định của pháp luật; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và hoàn thiện chính sách hỗ trợ du lịch; điều chỉnh giá điện và nước cho các cơ sở lưu trú bảo đảm phù hợp; tăng cường quảng bá về du lịch của tỉnh ra cả nước và thế giới.
Hy vọng với những chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp du lịch địa phương cũng như cho khách du lịch, chúng ta sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển mạnh mẽ hơn ngay khi dịch kết thúc.
Ông Trần Đức Hải – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: “Số khách du lịch Trung Quốc chỉ chiếm 6,6%, nhưng khách quốc tế đến Hà Nội trong hơn 1 tháng qua giảm 24%, cho thấy tác động của dịch bệnh do Covid-19 gây ra tới du lịch sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến cả các thị trường nguồn khách khác”.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương: “Nếu dịch bệnh được kiểm soát và ngăn chặn thành công trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, chúng tôi tin rằng ngành Du lịch Việt Nam sẽ có sự hồi phục vào nửa cuối năm 2020”.