Du lịch Sóc Trăng hứa hẹn một tương lai tươi sáng

(PLVN) -  Đến nay, ngành du lịch Sóc Trăng được quy hoạch, đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội. Bước đầu, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điều đó, sẽ đưa du lịch tỉnh nhà ngày càng đi vào nền nếp, mang tính chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, hứa hẹn một tương lai tươi sáng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Sóc Trăng được biết là điểm đến thật sự lôi cuốn khách du lịch, mỗi khi đến đây du khách sẽ được tham quan những ngôi chùa cổ kính; trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên với nhiều thắng cảnh đẹp cùng nhiều lễ hội mang bản sắc văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trao đổi với PLVN, ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, tuy chỉ mới được tập trung khai thác, phát huy trong 10 năm trở lại đây nhưng kết quả đem lại bước đầu rất phấn khởi. Để đạt được thành tựu như hôm nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trên các lĩnh vực văn hóa - thể thao và du lịch.

Lễ hội đua ghe Ngo ngoài thể hiện ý nghĩa văn hóa, tâm linh của đồng bào Khmer còn là điểm nhấn để thu hút khách du lịch mỗi khi đến Sóc Trăng - Ảnh PLVN.

Được biết, Sóc Trăng ngoài vị trí địa lý thuận lợi với chiều dài sông Hậu và hệ thống các cù lao, cảng biển Trần Đề…, vùng đất này còn có nhiều tiềm năng, thế mạnh về các loại hình du lịch: Như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Bước đầu, đã hình thành các cụm du lịch tại huyện Mỹ Tú, Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách và Cụm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung; du lịch biển ở bãi biển Hồ Bể (TX. Vĩnh Châu), bến tàu cao tốc từ Trần Đề đi Côn Đảo.

Ngoài ra, dự án đường cao tốc được đầu tư xây dựng trong thời gian tới và khi hoàn thành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ mở ra trục đường chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh trong vùng nói chung. Khi giao thông hạ tầng thuận lợi, sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư về du lịch góp phần cho sự phát triển của ngành trong tương lai.

Đến với Sóc Trăng vùng đất đầy huyền bí của những ngôi chùa cổ kính sẽ góp phần cho du khách có những trải nghiệm tâm linh và tín ngưỡng - Ảnh PLVN.

Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh hơn nữa trong việc phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống (đan lát, vẽ tranh trên kiếng, dệt chiếu), khích lệ sự tham gia của người dân vào hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch tham quan trải nghiệm, phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP của mỗi địa phương.

Việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, nhất là các di tích đã được xếp hạng gắn với việc tổ chức các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Để ngày càng hoàn thiện hơn cho định hướng đưa ngành du lịch tỉnh nhà sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến 2030.

Vùng đất nhiều nét văn hóa, ẩm thực

Đến với Sóc Trăng ngoài phong cảnh đẹp của miền sông nước, thì du khách sẽ còn cảm nhận được nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Điều đó, thể hiện qua các mặt đời sống hàng ngày của người dân từ ngôn ngữ, mối quan hệ xã hội, tên đất, tên vùng đến tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực và lễ hội của 3 dân tộc Kinh, Khmer, và Hoa.

Đến đây, du khách sẽ được tận mắt trải nghiệm vẻ đẹp cổ kính của 200 ngôi chùa, cũng là cơ sở để phát triển du lịch văn hóa tâm linh, thờ tự tôn giáo mang những nét đặc trưng riêng của văn hóa, tín ngưỡng của từng dân tộc và những nét giao thoa giữa 3 dân tộc anh em trên vùng đất linh thiêng này.

Đến với Sóc Trăng thì du khách không thể bỏ qua món bún nước lèo là sự kết tinh hương vị của vùng đất ba dân tộc này- Ảnh PLVN.

Trong đó, có nhiều ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh, nhiều di tích là điểm tham quan du lịch như chùa Mahatup (chùa Dơi), Bửu Sơn tự (chùa Đất Sét), chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), chùa Kh'leang, chùa La Hán, chùa Som Rong, Đền thờ Bác Hồ, Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng...

Chưa hết, Sóc Trăng còn là mảnh đất của những nét văn hóa mang đậm chất tín ngưỡng: Lễ hội cúng Phước Biển, Lễ hội Nghinh Ông; lễ hội gần gũi, bình dị như Lễ hội Cúng Dừa; Ngày hội sông nước miệt vườn. Đặc biệt, Sóc Trăng được du khách biết đến với Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer, nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer Nam Bộ, nghệ thuật Sân khấu Rô băm… Đây là những loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể đã được công nhận. Những nét văn hóa ấy đã tạo nên ấn tượng khó quên với bất kỳ ai dù chỉ một lần khi đến với Sóc Trăng quyến rũ và thơ mộng.

Ngoài ra, khi đến với Sóc Trăng du khách ngoài tận hưởng những nét đẹp tâm linh huyền bí ra, điều mà làm cho du khách không thể quên mỗi khi đến vùng đất này chính là nét ẩm thực thú vị và độc đáo. Với nhiều món ăn ngon như bánh cóng, bún nước lèo, bánh Pía với nhiều công ty nổi tiếng của Tân Huê Viên, Công Lập Thành…, lạp xưởng, mè láo, củ hành tím, tỏi và xá pấu Vĩnh Châu... Tất cả, điều mang hương vị đặc trưng riêng, đây cũng chính là điểm đặc biệt để lại ấn tượng mạnh mẽ, thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên cả nước mỗi khi đến Sóc Trăng.

Đọc thêm