Du lịch tàu biển tại Việt Nam: Thị trường nhiều tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành Du lịch đã đón nhiều du thuyền quốc tế, chở hàng nghìn du khách tới Việt Nam tham quan, trải nghiệm. Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, loại hình du lịch tàu biển đã có những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, đây vẫn còn là “mảnh đất” ít người khai phá, chưa thể trở thành sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của du lịch nước ta.
Cần khơi dậy tiềm năng của du lịch tàu biển. (Ảnh minh họa)
Cần khơi dậy tiềm năng của du lịch tàu biển. (Ảnh minh họa)

Việt Nam nằm trong hải trình của nhiều tàu quốc tế

Mới đây, hãng du thuyền hàng đầu thế giới Royal Caribbean International (trụ sở tại Na Uy) thông báo đưa Việt Nam vào hải trình năm 2023 của du thuyền sang trọng mang tên “Spectrum of the Seas”.

Cụ thể, con tàu này sẽ ghé thăm các điểm đến Nha Trang, TP HCM, Huế và Đà Nẵng theo các hải trình khác nhau. Theo Công ty Lữ hành Saigontourist, du thuyền “Spectrum of the Seas” dự kiến cập cảng tại Nha Trang và Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 26 - 27/2/2023, chở theo khoảng 3.000 du khách và thuyền viên đa quốc tịch tham quan, trải nghiệm Việt Nam. Mặt khác, Huế/Đà Nẵng là điểm đến mới được bổ sung vào hải trình Tokyo – Singapore, khởi hành vào tháng 9 – tháng 10/2023.

Ngoài ra, hãng Silversea Cruises cũng đưa Việt Nam vào lịch trình của các tàu “Silver Shadow”, “Silver Whisper” và “Silver Spirit” trong tháng 2 và tháng 3/2023. Trước đó, vào hôm mùng 1 Tết, tàu “Silver Spirit”, xuất phát từ Hong Kong (Trung Quốc), đã đưa 500 du khách mang quốc tịch Mỹ và châu Âu đến cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Quảng Ninh.

Du lịch tàu biển là loại hình mới xuất hiện ở Việt Nam những năm gần đây. Theo các chuyên gia đánh giá, khách du lịch tàu biển thường là dòng khách có chi trả cao. Trong khi đó, Việt Nam lại có rất nhiều lợi thế để thu hút dòng khách này khi có vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực. Ngoài ra nước ta còn sở hữu đường bờ biển dài 3.260km, với hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, gần và xa bờ, sở hữu nhiều vịnh, bãi biển đẹp.

Ví dụ điển hình là cũng vào dịp Tết Nguyên đán 2023, du thuyền “Mein Schiff 5” quốc tịch Malta, thuộc hãng du thuyền TUI Cruise (trụ sở tại Đức), đã cập cảng Bà Rịa - Vũng Tàu trong hành trình Đông Nam Á, chở lượng khách lớn nhất đến Việt Nam đầu xuân.

Trong khoảng gần 2.400 khách có 95% khách từ Đức, đi theo hải trình Singapore - Malaysia - Việt Nam. Hành khách có nhiều tour để lựa chọn như tham quan địa đạo Củ Chi hoặc trung tâm TP HCM trong ngày, tour Mekong - Cái Bè, tour Mekong - Mỹ Tho, tour đồng quê Long Thành... Được biết, các du thuyền của TUI Cruises như tàu “Mein Schiff 5” sẽ liên tục ghé thăm Việt Nam với các điểm đến như TP HCM, Vũng Tàu, Huế, Hạ Long trong thời gian tới.

Đáng nói, trong những năm trước dịch, nước ta đã nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến thu hút tàu thuyền trong khu vực châu Á. Thống kê năm 2017, Việt Nam đón hơn 400 chuyến, đứng thứ 6 trong danh sách các nước châu Á có lượng du thuyền cập bến nhiều nhất năm. Năm 2018, các cảng biển tại Việt Nam đón gần 500 chuyến hải trình bằng du thuyền, vươn lên vị trí số 4 trong danh sách nêu trên, cho thấy tiềm năng to lớn của loại hình du lịch này. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh, loại hình du lịch này gần như “đóng băng” hoàn toàn.

Thị trường còn bỏ ngỏ

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã xác định du lịch biển đảo là ưu tiên số một. Việt Nam có nhiều điểm du lịch đa dạng từ miền Bắc đến miền Nam, từ miền núi tới đồng bằng, bãi biển, đảo với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, và các di tích văn hóa lịch sử lâu đời. Những khu du lịch biển nổi tiếng nước ta như: Hạ Long - Cát Bà, Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né, Phú Quốc… đều được xem là có khả năng cạnh tranh với các khu du lịch biển trong khu vực và châu Á để thu hút du khách tàu biển.

Tuy nhiên, hạn chế của việc phát triển loại hình này cũng còn nhiều. Có thể kể tới những khó khăn, bất cập hàng đầu như thiếu cảng du lịch, nguồn nhân lực thiếu và yếu, quảng bá chưa tốt, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được việc đón tàu biển... Ngoài ra, số doanh nghiệp khai thác và có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển vẫn còn ít, trong khi dòng khách hàng có chi trả cao thường khó tính hơn, yêu cầu đội ngũ làm du lịch phải có kinh nghiệm và tâm huyết.

Vấn đề thủ tục nhập cảnh tàu và du khách vẫn còn gây ra nhiều tranh luận. Nhiều công ty đã phản ánh về các bất cập khi đón du khách tàu biển quốc tế như: việc nhập cảnh tàu, nhập cảnh của khách mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn. Trong khi đó, ở nhiều cảng, khách phải đi bộ rất xa để đến được khu vực các công ty lữ hành và xe được phép đón, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách.

Phát triển du lịch tàu biển không chỉ khuyến khích tạo điều kiện thuận tiện cho các tàu quốc tế cập cảng, mà còn phải khuyến khích các tàu du lịch trong nước cập cảng để tăng thêm cơ hội, nâng cao tính cạnh tranh, sự chuyên nghiệp của các doanh nghiệp trong nước.

Có thể thấy, loại hình du lịch tàu biển mặc dù cho thấy nhiều tiềm năng và tín hiệu khởi sắc kể từ đầu năm, nhưng việc khai thác loại hình này đang đối mặt nhiều thách thức. Thiết nghĩ, ngành Du lịch Việt Nam có thể làm mới sản phẩm điểm đến bằng các sản phẩm du lịch tàu biển hấp dẫn để làm lợi thế cạnh tranh thu hút dòng khách chi trả cao từ các thị trường Âu – Mỹ và châu Á.

Đọc thêm