Khám phá sự sống hàng trăm triệu năm nơi miền đất thiêng
Tại Tọa đàm “Phát triển du lịch thám hiểm hang động Công viên địa chất Lạng Sơn” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, Công viên địa chất Lạng Sơn trải rộng hơn 4.842km2, dân số khoảng 627.500 người. Công viên địa chất có phạm vi bao gồm toàn bộ các huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan, thành phố Lạng Sơn và một phần của huyện Bình Gia, Cao Lộc.
Công viên địa chất Lạng Sơn có giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan, là nơi có hệ thống hóa thạch cổ sinh phong phú, cho thấy lịch sử sự sống trong hàng trăm triệu năm, với thời điểm xa nhất là 500 triệu năm trước. Có những hóa thạch cho thấy trước đây Lạng Sơn từng là vùng biển. Từ vùng biển cổ xưa và vùng đất núi lửa, Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ kể câu chuyện độc đáo.
Công viên địa chất Lạng Sơn có nhiều hang động và đồ sộ, độ dài lớn, trong hang có nhiều thạch nhũ với nhiều dạng, hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn. Nhiều hang động kỳ thú là kết quả của các dòng sông chảy ngầm trong quá khứ như Thẩm Khoách, Lắc, hang Dơi cùng rất nhiều hang động chứa di tích khảo cổ, văn hóa, lịch sử rất có giá trị như hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, hang Kéo Lèng, hang Gió, hang động Nhị - Tam Thanh…
Về mặt văn hóa, giá trị khác biệt của Công viên địa chất Lạng Sơn với các công viên địa chất khác của Việt Nam đó là khu vực có nhiều dân tộc cùng sinh sống với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu. Một số ngôi đền, chùa tiêu biểu như: Đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng); đền Chầu Năm, đền Chầu Mười (huyện Chi Lăng); chùa Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn)…
Gắn với du lịch thân thiện môi trường
Tại Việt Nam, các công viên địa chất có nhiều giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan cùng các giá trị di sản, di tích lịch sử ghi dấu chiến công của cha ông rất có tiềm năng phát triển và hưởng lợi từ du lịch địa chất. Những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất cùng với các giá trị di sản khác đã trở thành một xu hướng mới của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng về bảo tồn thiên nhiên và phát triển thúc đẩy phát triển du lịch địa chất.
Ngày 8/9/2024, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phiên họp Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tiến hành đánh giá và 100% thành viên đã thống nhất công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Theo kế hoạch, tháng 4/2025, UNESCO sẽ chính thức bổ sung Danh sách Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn trên website chính thức của tổ chức. Dự kiến, tháng 9/2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn tại Chile. Tháng 11/2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn.
Bên cạnh việc đến hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đột phá, thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, thì vấn đề bảo tồn công viên địa chất và bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng.
Theo PGS. TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, trong một vùng đá vôi, nước dưới đất ở một số khu vực rất dễ bị ô nhiễm, trong khi một số khu vực khác lại ít nhạy cảm hơn. Vì vậy, để bảo vệ nước dưới đất ở các vùng đá vôi cần quy hoạch sử dụng đất một cách tổng thể, toàn diện; cần điều tra, kiểm kê hang động để làm cơ sở cho công tác quản lý.
TS Mai Thị Phượng - Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam gợi mở: “Việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào phát triển du lịch thám hiểm tại Công viên địa chất Lạng Sơn mang lại nhiều lợi ích, như: giảm tác động tiêu cực của du lịch trên môi trường; nâng cao giá trị trải nghiệm cho du khách thông qua các hoạt động bền vững; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập; bảo tồn và phát huy giá trị địa chất, sinh thái và văn hóa của khu vực. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch, cộng đồng và các tổ chức bảo vệ môi trường”.