Khám phá thế giới nội tâm của chính mình
Du lịch thiền là hoạt động nghỉ dưỡng giúp du khách gạt bỏ những căng thẳng, lo âu. Khoa học cũng đã chứng minh, các tour du lịch kiểu thiền có thể giúp mọi người rèn luyện nội tâm và làm chủ cảm xúc. Ra đời cách đây hơn 10 năm, du lịch thiền phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia có truyền thống Phật giáo như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Tại các quốc gia công nghiệp phát triển, ngày càng có nhiều người coi việc tham gia vào các loại hình nghệ thuật mang tính thiền, hay các chương trình du lịch thiền là những hoạt động thiết yếu.
Số liệu thống kê của Tổ chức du lịch quốc gia Nhật Bản cho thấy, hằng năm, nhờ vào việc tổ chức cho khách du lịch tham gia vào các chương trình du lịch thiền, ngành du lịch Nhật Bản đã thu tới 30 tỉ USD. Tiếp sau Nhật Bản, giới du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đã bắt tay vào tổ chức du lịch thiền và đạt được nhiều thành công. Xu hướng “lưu trú ở đền, chùa” được phát triển rộng rãi ở Hàn Quốc. Hơn 2 triệu lượt du khách đã lưu trú tại hàng trăm đền chùa ở Hàn Quốc với hơn 10% là du khách nước ngoài. Trung Quốc nổi tiếng với chương trình du lịch tham quan, tập võ, dưỡng sinh và tìm hiểu về cuộc sống của các thiền sư Thiếu Lâm. Thái Lan thì thu hút khách du lịch thiền thông qua chương trình Thailand Zen tour.
Việt Nam được thiên nhiên ban tặng nhiều khung cảnh đẹp cùng với đặc điểm khí hậu thích hợp là những điều kiện thuận lợi để những du khách có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tâm thần có thể tham gia loại hình du lịch thú vị này. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 120 thiền viện, trong đó có những cái tên đã khá quen thuộc trong các chương trình du lịch như chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Bà Đá, chùa Trấn Quốc (Hà Nội), Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Bích Động (Ninh Bình), Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh), Từ Đàm, Thiên Mụ, Từ Hiếu (Thừa Thiên Huế). Chưa kể rất nhiều khu du lịch tâm linh, hàng nghìn nơi thờ tự trải dài khắp 63 tỉnh, thành ẩn hiện trong không gian núi rừng thanh tịnh rất thích hợp để phát triển du lịch thiền. Các thiền viện nơi tâm linh hầu hết đều có cây cổ thụ, hoa thơm cỏ lạ, không khí thanh tịnh rất hấp dẫn du khách.
Du lịch Thiền - tìm những khoảnh khắc an lạc (ảnh: minh họa) |
Ông Đào Minh Ngọc (Khoa Văn hóa Du lịch, Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh) cho hay, tư tưởng cơ bản của các dòng thiền Việt Nam rất phù hợp với triết lý sống thiền, tư duy thiền của thời hiện đại. Các dòng thiền Việt đều tập trung đề cao cái “tâm”, cho rằng “phật tại tâm”, đạt “chân tâm” ấy là tới Niết Bàn. Đặc biệt, chúng ta có rất nhiều loại hình nghệ thuật chịu ảnh hưởng của triết lý thiền như nghệ thuật thưởng trà, nghệ thuật ẩm thực, nghệ thuật sắp đặt vườn nhà, môn võ thái cực trường sinh đạo. Những loại hình nghệ thuật này đều là cơ sở để phát triển thành du lịch thiền phục vụ du khách.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong ba thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện được xây dựng trên nền của một thiền tự cổ (Thiên Ân Thiền Tự) có từ thế kỷ III. Đây là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Người tham dự đi chân đất chậm rãi tới điểm tập luyện ngoài trời, hít thở bầu không khí trong lành và ăn những món chay. Phương pháp này có tên gọi “thiền hành”, giúp người tập cảm nhận được bước chân của mình, cảm thấy an lạc hơn khi cơ thể kết nối với thiên nhiên.
Cân bằng đời sống tinh thần
Thiền tọa và thiền hành là hai trong số nhiều lựa chọn du lịch thiền mà du khách có thể đăng ký tham gia khi đến Khu di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh). Sau những buổi tịnh tâm, du khách có thể đi ngoạn cảnh, tìm hiểu văn hóa và thưởng thức trà, chiêm ngưỡng các kiến trúc tôn giáo hay tham gia hoạt động công quả ở chùa, đàm đạo cùng các nhà sư... Du khách cũng có thể lựa chọn thiền trầm, vừa thiền vừa thưởng thức hương thơm của trầm hương như một liệu pháp vừa tốt cho sức khỏe vừa tốt cho tinh thần hoặc chọn thiền trà bên suối. Ngoài việc cân bằng lại đời sống tinh thần, tham gia chương trình này du khách còn có dịp mở rộng tầm nhìn về khía cạnh văn hóa của địa phương.
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến với Yên Tử: Bảo Hùng Điện, Tương phật Quan Thế Âm, Hồ Tĩnh Tâm… Du khách được dịp thưởng ngoạn không gian thanh tịnh tựa hư không của chốn thiền môn. Hàng trăm năm qua, bầu nguyên khí dưới cánh rừng Yên Tử vẫn tiếp truyền nguồn năng lượng tinh khôi vào từng hơi thở, từng bước chân của du khách. Mái chùa, phiến đá tĩnh tại kể chuyện về một vị Vua hóa Phật.
Du lịch thiền đang thu hút du khách. (ảnh: minh họa) |
Du khách được nghe Đại Đức thuyết giảng phật pháp và giúp chúng ta hiểu về “ý nghĩa của thiền trong cuộc sống”; hướng dẫn các pháp môn thiền, thực hành Thiền tọa tại thiền đường. Du khách thực tập cách giải thoát, giảm đè nén và căng thẳng, tập quay về chân tâm nhằm tìm cho mình những an vui trong cuộc sống. Du khách khám phá Yên Tử thuộc giá trị hành trình tâm linh với các hoạt động: Hành hương theo dấu chân Phật hoàng, ngắm bình minh trên đỉnh non thiêng, một ngày tập tu, món ăn Phật hoàng... Đặc biệt, du khách còn được tham gia nghỉ thiền với các hoạt động phong phú: Nghỉ thiền trầm, thiền chuông, thiền trà, thiền thở, thiền hành, thiền yoga… Tất cả nhằm mang lại cho du khách sự cân bằng và tươi mới được đánh thức bằng thế giới quan tự khám phá bản thân, chiêm nghiệm và biến đổi trong đời sống tâm linh.
Trước đây, tour mang tính thư giãn, phục hồi năng lượng cho du khách chủ yếu phục vụ khách nước ngoài nhưng hiện nay đã hút khách Việt. Tỷ lệ khách đi tour này tăng khá ổn định từ 10 - 12%/năm. Đặc biệt là cư dân của các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp thương mại có nhu cầu muốn tham gia. Bởi thế, số lượng khách du lịch đến từ khắp các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Nha Trang tăng đáng kể. Hiện nay, không chỉ những người trung niên hoặc cao tuổi, du lịch tự túc đến các chùa, đình, vãn cảnh, ngồi thiền, nghe giảng đạo, thưởng thức cơm chay… mà nhiều du khách trẻ cũng yêu thích du lịch thiền.
Du khách Hoàng Huệ, 40 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Cuộc sống tất bật, đầy áp lực, ngày càng nhiều người tìm đến những chuyến đi kết hợp du lịch với thiền để cân bằng sức khỏe, tinh thần. Khi đứng thiền mỗi người có cảm nhận khác nhau như vui vẻ, đau khổ hoặc bình yên. Những người rơi nước mắt là bởi họ có nhiều chất chứa trong lòng, đến khi thiền mới được trút bỏ. Tại du lịch thiền, chúng tôi còn được chăm sóc bằng những phương pháp trị liệu và phục hồi sức khoẻ như: thư giãn bằng hơi nước và nước khoáng thiên nhiên, tắm bùn khoáng nóng… Bên cạnh đó sẽ được hướng dẫn về các chế độ ăn uống khoa học, cân bằng và lành mạnh cho cơ thể”.
Anh Trọng Tôn (Mỹ Đình, Hà Nội) phấn chấn: “Khi tham gia du lịch thiền, tôi được tách ra khỏi mọi áp lực của cuộc sống, công việc thường ngày để hòa mình vào thiên nhiên và học những điều tưởng như vô cùng đơn giản không cần phải học. Đó là học cách thư giãn và thở đúng cách. Du khách cùng nhau ngồi thiền trên các bãi cỏ xanh, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách và lắng nghe hơi thở của mình hòa quyện cùng nhịp sống thiên nhiên”.
Với dấu ấn văn hóa thiền đậm nét trong tầm sâu văn hóa dân tộc và nguồn du khách ngày càng tăng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chắc chắn du lịch thiền sẽ là loại hình du lịch đầy hứa hẹn. Đây là một trong những cách góp phần làm phong phú thêm các loại hình sản phẩm du lịch của Việt Nam, đồng thời cũng là cách để giới thiệu những nét đặc trưng của văn hóa, con người Việt Nam với thế giới.