Thúc đẩy bảo vệ môi trường qua du lịch sinh thái

(PLVN) - Du lịch sinh thái vốn được xem là mô hình giàu tiềm năng, đặc biệt tại các điểm đến có giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học cao như các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Tuy nhiên, để phát triển loại hình này một cách thực chất đòi hỏi sự bài bản, đồng bộ và trên hết chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường.
Du lịch sinh thái giàu tiềm năng phát triển tại Việt Nam. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Du lịch sinh thái giàu tiềm năng phát triển tại Việt Nam. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Nhiều hoạt động hướng về du lịch sinh thái

Hưởng ứng Ngày Du lịch Thế giới 27/9 năm nay, nhiều sự kiện về du lịch sinh thái diễn ra trên khắp cả nước đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Không chỉ vậy, thời gian qua, nhiều hoạt động về du lịch sinh thái đã được người dân ở mọi lứa tuổi hưởng ứng nhiệt tình. Những hoạt động này vừa góp phần giới thiệu, quảng bá du lịch địa phương tới du khách trong và ngoài nước, vừa lồng ghép các vấn đề về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức xã hội.

Có thể kể đến Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền - Cần Thơ lần thứ X đã kết hợp nhiều sự kiện quảng bá du lịch như Tổ chức đoàn famtrip khảo sát giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch mới của huyện Phong Điền, Hội thi bánh dân gian và trưng bày món ăn ngon Phong Điền. Nhiều sự kiện về môi trường như Diễu hành xe điện, Tọa đàm “Sản xuất nông nghiệp an toàn thực phẩm - Phát triển du lịch sinh thái 2023”…

Không chỉ tạo không khí lễ hội vui tươi, những hoạt động này góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển du lịch xanh, quảng bá, nâng cao nhận thức của xã hội về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững với môi trường, xã hội. Sau 4 ngày tổ chức, theo thống kê, Ngày hội thu hút khoảng 40.000 lượt khách đến tham quan các hoạt động và các điểm du lịch trên địa bàn huyện Phong Ðiền.

Du lịch sinh thái ngày càng trở thành xu hướng đáng chú ý bởi đem đến nhiều lợi ích cho cả cộng đồng và môi trường, nhất là tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn, nơi sở hữu giá trị tự nhiên và sinh thái lớn. Về lợi ích, phát triển du lịch sinh thái góp phần tạo sinh kế và cải thiện đời sống người dân bản địa, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Mặt khác, du lịch sinh thái có tiềm năng tạo nên nguồn thu cho các khu rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với diện tích rừng trên 14,7 triệu ha, tỉ lệ che phủ rừng 42,2%, rừng Việt Nam là nơi cư trú của hàng chục nghìn loài động vật, thực vật hoang dã. Các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và phúc lợi cho con người thông qua các dịch vụ rừng cung cấp như: gỗ, lâm sản ngoài gỗ, điều tiết nguồn nước, hấp thụ khí nhà kính, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp... Rừng cũng là không gian sinh sống của khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng; trong đó chủ yếu là cộng đồng các dân tộc thiểu số với những nét đặc trưng văn hóa, bản sắc dân tộc gắn với rừng.

Các số liệu, đánh giá cho thấy tiềm năng to lớn của du lịch sinh thái tại Việt Nam. Hiện các khu rừng, vườn quốc gia... đã và đang là nơi tổ chức các hoạt động du lịch, điểm đến tham quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi ngắm cảnh, quan sát động, thực vật hoang dã.

Cần thúc đẩy “trụ cột” giáo dục môi trường

Theo đánh giá của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) - đơn vị tài trợ cho Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VBFC) thực hiện từ tháng 4/2021 đến 31/12/2026 - trong thời gian tới, phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam rất quan trọng. Du lịch sinh thái không chỉ phải bảo đảm đem lại lợi ích cho cộng đồng ở địa phương mà còn phải bảo đảm những nơi có vườn quốc gia, những nơi phát triển du lịch sinh thái và những khu bảo tồn luôn được phát triển bền vững.

Loại hình này cũng cần chú trọng rất nhiều yếu tố, đơn cử giảm thiểu tới mức thấp nhất tác động với môi trường, xây dựng nhận thức về môi trường, xây dựng trải nghiệm đích thực… Theo đó, du lịch sinh thái thường gắn với các “trụ cột” như bảo tồn, phát triển kinh tế địa phương và giáo dục môi trường.

Để phát triển loại hình du lịch sinh thái một cách thực chất và bền vững, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần xem xét để có những chính sách, chiến lược và cách tiếp cận phù hợp hơn để thúc đẩy việc đa dạng hóa các hình thức cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái rừng. Thông qua đó đa dạng phúc lợi rừng cho cuộc sống con người, giáo dục cho mọi người thêm hiểu biết, trân trọng hơn về rừng, từ đó tạo nên hành động, nghĩa cử chung tay bảo vệ rừng nói riêng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam nói chung.

Đọc thêm