Di sản văn hóa - báu vật do ông cha để lại
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài 4.000 năm lịch sử dân tộc, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với các di sản được UNESCO vinh danh. Trong đó có các di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa, di sản phi vật thể...
Hiện nay, trên cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có: 34 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh (gồm 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 10 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh); 138 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 3.653 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh, 589 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Có 294 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó có 161 hiện vật, nhóm hiện vật được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng.
Toàn quốc có 203 bảo tàng gồm 127 bảo tàng công lập và 76 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập, hiện vật đặc biệt quý hiếm. Qua 3 đợt xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân theo Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, đã có 13 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và 1.619 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.
Di sản văn hóa là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước, là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chính những di sản văn hóa, thiên nhiên đã góp phần đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch.
Đây chính là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, đặc sắc cho các địa phương trên cả nước khai thác phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân. Nhờ đó, nhiều địa phương đã có tên trên bản đồ du lịch trong nước. Có thể khẳng định di sản là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan.
|
Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh Hoàng cung Huế được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) |
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách quốc tế trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 15.836.661 triệu lượt, tăng 41,0% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến ngành Du lịch sẽ hoàn thành mục tiêu đón 17 - 18 triệu khách quốc tế năm 2024. Trong khi đó, lượng khách du lịch nội địa tháng 11/2024 ước khoảng 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Lũy kế lượng khách du lịch nội địa 11 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 105 triệu lượt.
Cần hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu từng nhận định, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, đặc biệt là du lịch đại trà đã và đang tác động tiêu cực tới di sản văn hóa. Ông Hà Văn Siêu cũng chia sẻ tình trạng du lịch có tính thương mại hóa quá mức, nhàm hóa giá trị văn hóa; nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương… là hồi chuông cảnh báo các bên liên quan đến quản lý bền vững tài nguyên di sản văn hóa trong phát triển du lịch.
Tại Hội nghị - Hội thảo “65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá” do Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) tổ chức giữa tháng 12 vừa qua, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho rằng, bên cạnh những thành tựu nổi bật, trên con đường phát triển, chúng ta cần phải nhận diện được một số khó khăn, thách thức để cùng vượt qua. Cơ chế, chính sách cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần hoàn thiện; nhận thức xã hội về di sản văn hóa cần được nâng cao hơn nữa để thật sự đồng đều, sâu sắc và toàn diện, nhất là trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần được tăng cường để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, sự phát triển kinh tế của đất nước, tạo nguồn lực cho việc tu bổ di tích nhưng cũng gây nên nhiều ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của di tích do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa… đang diễn ra nhanh chóng.
|
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam gồm các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật. (Ảnh: Cục Di sản văn hóa) |
GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, cần quan tâm vấn đề chính sách và con người. Nếu không có những định hướng, chính sách đúng đắn, kịp thời thì đất nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức ngày càng nghiêm trọng về xã hội và văn hóa. Nếu như không có chính sách thực tế và kế hoạch hành động mau chóng, đúng đắn thì nền văn hóa của dân tộc sẽ bị mai một, mất bản sắc, con người Việt Nam sẽ bị tha hóa, kéo theo những hậu quả khó lường về an ninh của toàn xã hội. Cốt lõi của hệ giá trị văn hóa Việt Nam là con người và cốt lõi của giá trị con người Việt Nam là nhân cách văn hóa. Vì thế, cần có chiến lược xây dựng con người, xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện đại. Đó phải được coi là mối quan tâm hàng đầu, mục tiêu quan trọng.
Theo các chuyên gia văn hóa, các địa phương cần cân nhắc việc triển khai hoạt động du lịch tại một số di tích, di sản văn hóa dễ bị tổn thương, biến dạng trong quá trình phát triển. Trong quy hoạch du lịch, phải đặc biệt khuyến khích phát triển các loại hình du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng, tôn trọng tính đa dạng văn hóa, tính chỉnh thể nguyên hợp của di sản văn hóa phi vật thể.
Trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”: “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Hoàn thành việc lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa có giá trị tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch; Nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, ưu tiên di sản văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam… Nâng cấp và khai thác có hiệu quả ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.