Bảo vệ di tích khảo cổ học: Cần tuyệt đối tuân thủ pháp luật về di sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các nhà khảo cổ học Việt Nam đang đặc biệt quan tâm tới vấn đề làm thế nào để bảo vệ được di tích khảo cổ học, loại di tích mà Hiến chương quốc tế về khảo cổ học Lausanne năm 1990 cho là dễ bị hủy hoại và biến mất nhất.
Các nhà khảo cổ học Việt Nam đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ di tích khảo cổ học. (Ảnh: H.T)
Các nhà khảo cổ học Việt Nam đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ di tích khảo cổ học. (Ảnh: H.T)

Báo động tình trạng xâm hại di tích khảo cổ

Tại Hội nghị - Hội thảo “65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” vừa diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long do Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH,TT&DL tổ chức, ông Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đã nêu giá trị của di sản khảo cổ học. Theo đó, Điều 9 Hiến chương về bảo vệ và quản lý di sản khảo cổ học khẳng định: “Di sản khảo cổ học là di sản chung của toàn nhân loại”. Điều 2 Hiến chương về bảo vệ và quản lý di sản khảo cổ học nhấn mạnh “Di sản khảo cổ học là một nguồn văn hoá mong manh và không tái sinh được”.

Tuy nhiên, hiện nay một số di sản khảo cổ bị xâm hại nghiêm trọng. Ông Tống Trung Tín đưa ra dẫn chứng, năm 1993 các nhà khảo cổ kim khí đã thống kê được toàn quốc có khoảng 100 di tích khảo cổ học thuộc thời kỳ kim khí. Chưa đầy 10 năm sau đó, con số di tích khảo cổ học thời đại kim khí đã nhảy vọt lên tới 917, phân bố ở 50 tỉnh, thành trong số 63 tỉnh, thành cả nước. Sở dĩ con số di tích khảo cổ tăng nhanh là do có sự quan tâm nhất định của nhiều cấp quản lý và đặc biệt là do sự phát triển của đô thị hóa và công nghiệp hóa góp phần không nhỏ vào việc phát hiện các di tích.

Tuy nhiên, chỉ hơn 10 năm sau đó, tình hình phát hiện lại phát triển theo chiều hướng ngược lại. Từ thống kê 917 di tích khảo cổ học thời đại kim khí vào năm 2001 cho đến nay, theo ước đoán của các cán bộ khảo cổ học lịch sử kim khí qua trường hợp tự phúc tra lại ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc thì có đến 90% số lượng di tích được thống kê đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Có thể kể ra một số di tích tiêu biểu của thời đại kim khí đã bị phá hủy như: Di tích Phùng Nguyên (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, Phú Thọ), nổi tiếng thế giới được sử dụng để đặt tên cho văn hóa Phùng Nguyên, giai đoạn đầu tiên của thời đại kim khí; Di tích Hồng Đà (xã Hồng Đà, huyện Tam Nông, Phú Thọ), nổi tiếng vì là một trong những công xưởng lớn chế tác vòng trang sức đá lớn và tinh xảo… Không chỉ ở vùng đất Tổ, nhiều khu vực khác với nhiều loại di tích khác cũng rơi vào số phận tương tự. Ví dụ ở Hải Phòng, di tích Tràng Kênh, Thủy Sơn, các khu mộ táng ở Thủy Nguyên… đã bị “xoá sổ” hoàn toàn. Ở phía Nam, các nhà khảo cổ đã thấy một loạt các di tích vùng rừng ngập mặn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai như Cái Vạn, Cái Lăng, Rạch Lá… mà họ đã từng viết và từng nghiên cứu nay cũng đã bị “xóa sổ”.

Cần sớm có quy chế nghiên cứu, bảo tồn di tích khảo cổ

Ở nước ta, ngày càng có nhiều di sản khảo cổ học có quy mô lớn được phát hiện, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học. Nhưng vì không có điều kiện bảo tồn tại chỗ, lâu dài nên hiện nay phổ biến nhất là tạm lấp hố bảo tồn di tích khảo cổ để đợi điều kiện về sau. Cũng có trường hợp bảo tồn di tích sau khai quật bằng nhà mái che nhằm hướng tới phát huy giá trị lâu dài của khu di tích. Đó là nhà mái che các di tích Cung điện Lý - Trần - Lê ở Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, tại 18 Hoàng Diệu, khai quật từ năm 2002 đến nay. Và nhiều nơi khác, nhiều loại hình di tích khảo cổ học quan trọng cũng đã được làm nhà mái che như di tích sân gạch cung điện thời Đinh - Lê ở Hoa Lư (Ninh Bình), một số di tích kiến trúc đền tháp của Văn hóa Óc Eo ở An Giang, Đồng Tháp hay dấu tích cung điện quan trọng của thời Trần ở Lỗ Giang (Thái Bình)… Tuy nhiên, nhà mái che chỉ mang tính tạm thời, không có khả năng duy trì môi trường ổn định và chưa có giải pháp khoa học về bảo tồn, do đó đang làm hủy hoại di tích lộ thiên.

Điều đáng nói hơn là trường hợp xây dựng công trình mới bên cạnh di tích vừa khai quật. Trường hợp này điển hình là di tích đền Thái (Quảng Ninh), chùa Dạm (Bắc Ninh), Tòa Cửu phẩm ở Côn Sơn (Hải Dương). Trường hợp xây dựng công trình mới chồng lên di tích, di tích nằm dưới tầng hầm của kiến trúc mới. Đó là trường hợp xây dựng mới ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Trường hợp xây dựng mới hoàn toàn trùm lên trên di tích khảo cổ. Đó là trường hợp Lam Kinh, Triệu Tường (Thanh Hóa), Ngọa Vân, Quỳnh Lâm (Quảng Ninh).

Ông Tống Trung Tín nhận định: “Có thể nói, trong các trường hợp nêu trên thì trường hợp xây dựng mới hoàn toàn trùm lên trên di tích khảo cổ là nguy hiểm nhất. Mặc dù đã tốn khá nhiều tiền của và công sức cho khai quật, nghiên cứu khảo cổ học nhưng rồi cuối cùng việc xây dựng mới đã che lấp hoặc phá hủy toàn bộ những nền móng cổ có giá trị lâu đời”.

Từ những dẫn chứng trên, các chuyên gia khảo cổ học kiến nghị các cấp quản lý có thẩm quyền, đặc biệt là Bộ VH,TT&DL cần sớm chỉ đạo rà soát tổng thể thực trạng việc trùng tu, xây dựng mới các di tích sau khai quật, phân tích các ưu và nhược điểm, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra các giải pháp, các quy chế nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, trùng tu, xây dựng cải tạo mới đối với các di tích khảo cổ sau khi khai quật.

Bên cạnh đó, Bộ VH,TT&DL cần có qui định chặt chẽ việc kiểm soát, giám sát của các cơ quan quản lý và các nhà khoa học tương ứng với các cấp độ di tích khác nhau, nhất là với các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia để có thể bảo vệ một cách tốt nhất giá trị của các di tích gốc theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, Nghị định của Chính phủ, các Hiến chương và Công ước bảo vệ di sản của UNESCO.

Các nhà khảo cổ học mong muốn có đường dây nóng để các nhà khoa học và người dân phát hiện và thông báo các trường hợp khẩn cấp để các cấp có thẩm quyền có các giải pháp xử lý kịp thời các vụ việc xây dựng vi phạm Luật Di sản văn hóa trong khi xây dựng mới tại các khu di tích cũ.

Đọc thêm