“Du lịch vaccine”: Cơ hội du lịch “cất cánh” nhưng có thể xảy ra ngược lại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đầu tháng 6/2021, nhiều quốc gia trên thế giới đã tuyên bố nới lỏng các quy định nhập cảnh đối với du khách đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hoặc đi du lịch theo tour vaccine. Du lịch vaccine còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, tuy nhiên đây được coi là một giải pháp quan trọng để “giải cứu” du lịch quốc tế khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm nay.

Nga sẵn sàng tiêm vaccine cho du khách nhập cảnh

Phát biểu tại sự kiện ở Saint Petersburg ngày 4/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vaccine Sputnik V của nước này đã được đăng ký ở 66 quốc gia với tổng dân số hơn ba tỷ người. Theo đó, Nga đã sẵn sàng tiêm chủng cho người nước ngoài vào nước này và giao nhiệm vụ cho Chính phủ tổ chức các chương trình tiêm chủng trả phí với những người này.

Nga sẵn sàng tiêm vaccine cho du khách nhập cảnh.

Nga sẵn sàng tiêm vaccine cho du khách nhập cảnh.

Lãnh đạo Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) – Kirill Dmitriyev, tổ chức cấp kinh phí cho vaccine Sputnik V cho biết Nga có thể mở cửa cho “tour du lịch tiêm vaccine” từ tháng 7. Kèm theo đó, phát ngôn viên Điện Kremlin – Dmitry Peskov cũng cho biết, vì nhu cầu du lịch vaccine là rất lớn, Nga có thể bắt đầu triển khai loại hình “du lịch vaccine” sớm nhất có thể, trong một hoặc hai tháng tới.

Mặt khác, Cơ quan Du lịch Liên bang Nga cho biết sẽ sử dụng cơ chế thị thực điện tử cho phép đến thăm Nga nhanh chóng và thoải mái, đồng thời mở rộng danh sách các thành phố mà người nước ngoài có thể được tiêm chủng. Người đứng đầu Cơ quan Du lịch Liên bang Nga - Zarina Doguzova cho biết, hoạt động này có thể được thực hiện ngay lúc này ở Mátxcơva. Bà cũng cho biết, Cơ quan Du lịch Liên bang Nga và các nhà điều hành tour du lịch Nga đã sẵn sàng triển khai các tour du lịch vaccine đến Nga cho người nước ngoài trong thời gian ngắn.

Điều này có thể trở thành động lực để khởi động lại du lịch trong nước và thúc đẩy ngành sau đại dịch, khôi phục lượng du lịch. Theo đó, các chuyến du lịch vaccine có thể là gói bao gồm các dịch vụ y tế, vé máy bay, chỗ ở, bữa ăn và các chuyến du ngoạn tùy chọn với tất cả các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 cần thiết được tuân thủ.

Được biết, tháng 8/2020, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine Covid-19 dù chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ ba. Đến nay, vaccine Sputnik V của Nga vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt, dù các loại vaccine ra đời sau của Mỹ, Anh và Trung Quốc đều đã được phê duyệt. Các chuyên gia Nga dự đoán Sputnik V sẽ nhận được sự chấp thuận của WHO trong khoảng hai tháng tới. Việc được WHO phê duyệt sẽ khiến du khách quốc tế có niềm tin và động lực hơn để tham gia tour vaccine đến nước này.

Indonesia muốn mở “tour vaccine” ngay

Indonesia muốn mở tour vaccine ra nước ngoài.

Indonesia muốn mở tour vaccine ra nước ngoài.

Trong buổi họp báo trực tuyến tại Jakarta vào ngày 2/6, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia – Sandiaga Uno bày tỏ mong muốn đưa gói du lịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào hoạt động nhằm thu hút du khách quốc tế tới các điểm đến hàng đầu nước này như Bali, Bintan. Ông Sandiaga cũng cho biết, trong thời gian gần đây, cơ quan này đã nhận được đề xuất từ nhiều công ty liên quan đến việc khởi động gói du lịch vaccine để “cứu vãn” ngành du lịch nước nhà.

Cụ thể, gói tour du lịch này cho phép du khách được tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí tại các thành phố du lịch, qua đó giúp thúc đẩy chi tiêu cho hàng hóa, thực phẩm và nghỉ dưỡng. Được biết, tại Indonesia đã khởi động một số gói tour đi tiêm vaccine ở Mỹ và nhiều người dân đang đổ xô đến đó để có thể được tiêm chủng. Chương trình tour vaccine ngay trong nước có thể thúc đẩy ngành du lịch nội địa, cũng có thể giúp giảm thiểu tình trạng thất thoát nguồn khách du lịch khi người dân Indonesia mua các gói tour du lịch vaccine đi nước ngoài.

Mặt khác, Chính phủ Indonesia đang hoàn thiện quy định triển khai “bong bóng du lịch” ở ba khu vực Bintan, Batam ở quần đảo Riau và tỉnh Bali nhằm ưu tiên nối lại hoạt động du lịch. Chính quyền địa phương sẽ thiết lập các “vùng xanh” tại hai tỉnh này trước khi áp dụng “bong bóng du lịch” đối với các du khách nước ngoài. Tại Bali, các “vùng xanh” sẽ được thiết lập ở các thị trấn Sanur, Ubud và Nusa Dua. Trong khi đó, ở quần đảo Riau, Chính phủ sẽ thiết lập “vùng xanh” ở 3 khu nghỉ dưỡng trên đảo Bintan và một số sân golf trên đảo Batam.

Đến nay, Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia đã hoàn tất kế hoạch hợp tác thiết lập “bong bóng du lịch” với 5 quốc gia bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Trung Quốc, Singapore và Hà Lan. Trong quá trình thực hiện “bong bóng du lịch”, Chính phủ sẽ thực hiện mở cửa theo từng giai đoạn đối với khách du lịch nước ngoài tại Bali và quần đảo Riau. Du khách nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện nhất định như phải tiến hành xét nghiệm PCR có kết quả âm tính trước và sau khi nhập cảnh vào Indonesia.

Dù có tiềm năng mở lại du lịch quốc tế tương đối khả quan ở nước này khi chương trình tiêm chủng quốc gia đang tiến hành thuận lợi. Tính đến ngày 4/6, tổng cộng đã có 17,3 triệu người được tiêm mũi đầu tiên và 11,1 triệu người khác đã được tiêm đầy đủ hai mũi. Nhiều người dân vẫn bày tỏ sự lo ngại về rủi ro “bùng dịch” trở lại khi “mở cửa” với quốc tế vào lúc này.

Pháp “nới lỏng” cho du khách đã tiêm phòng

Pháp “nới lỏng” cho du khách EU đã tiêm phòng.

Pháp “nới lỏng” cho du khách EU đã tiêm phòng.

Chính phủ Pháp cho phép những du khách đã tiêm phòng và âm tính với Covid-19 nhập cảnh từ ngày 9/6 – một động thái được cho là nhằm khuyến khích du lịch quốc tế vào mùa cao điểm hè.

Cụ thể, những du khách đến từ các quốc gia trong danh sách “xanh”, bao gồm tất cả các thành viên EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, sẽ được nhập cảnh nếu xuất trình chứng minh đã được tiêm chủng. Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh và hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới được phân loại màu “da cam”; theo đó những du khách từ các nước này vừa phải chứng minh đã được tiêm phòng và phải được xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Những người chưa được tiêm chủng chỉ có thể nhập cảnh với những lý do hợp lệ và sẽ phải tự cách ly khi đến nơi trong một tuần. Đối với các quốc gia thuộc “vùng đỏ” như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, Chính phủ vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với du khách từ các quốc gia này.

Ông Jean-Baptiste Lemoyne – Bộ trưởng Du lịch phát biểu trước báo giới cả nước: “Chúng ta phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn khi di chuyển và các nguyên tắc an ninh y tế. Không có gì tồi tệ hơn là làn sóng Covid-19 thứ mười hai bùng trở lại trong những tuần tới hoặc vài tháng tới vì chúng ta đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa”.

Thời gian qua, Pháp đã phối hợp với các nước EU thực hiện tiêm chủng cho người dân để tăng khả năng miễn dịch cộng đồng. Mặc dù đây là một tín hiệu tích cực cho việc mở cửa biên giới cho du khách quốc tế, nhưng trong thời gian tới, các khách sạn, nhà hàng, dịch vụ giải trí vẫn có thể bị thiếu hụt ở các điểm đến của Pháp sau một khoảng thời gian dài đóng cửa.

Anh thay đổi đột ngột, khiến du lịch Bồ Đào Nha “vỡ trận”

Du lịch Bồ Đào Nha vừa phục hồi được một chút đã bị “giáng” một đòn mạnh khi các nhà chức trách Vương quốc Anh tuyên bố loại nước này ra khỏi danh sách “xanh” vào ngày 4/6. Nhiều du khách mới đặt chân đến Bồ Đào Nha đã phải đổ xô mua vé trước thời hạn để quay về Anh trước khi Chính phủ thiết lập các yêu cầu kiểm dịch trở lại. Bởi nhu cầu đột ngột, giá vé máy bay tăng đột biến.

Đơn cử, theo website Skyscanner, một chuyến bay kéo dài 3 giờ của British Airways từ Faro (vùng Algarve), đến sân bay thành phố Luân Đôn vào buổi đêm 7/6 có giá 711 bảng Anh (khoảng 23,1 triệu đồng). Các hãng hàng không, vận tải lại phải gấp rút sắp xếp lại toàn bộ các lịch trình hoãn hủy, hạn chế tổn thất trước một mùa cao điểm nữa có thể mất đi vì cuộc khủng hoảng Covid-19.

Thay đổi đột ngột từ phía nước Anh đang gây tranh cãi lớn từ phía dư luận trong nước và quốc tế. Nhiều công ty lữ hành, kinh doanh du lịch đã kêu gọi phía Chính phủ minh bạch các dữ liệu, thông tin họ sử dụng để đưa ra quyết định vừa rồi. Việc đơn phương “gạch tên” Bồ Đào Nha ra khỏi danh sách “xanh” khiến tất cả kế hoạch du lịch tới nước này “rơi vào hỗn loạn”. Một số nhà điều hành tour cho rằng, các quốc gia khác có thể sẽ “dè chừng” hơn đối với du khách từ Anh quốc sau cuộc “vỡ trận” lần này.

Đối với các khách sạn và nhà hàng ở Bồ Đào Nha, động thái của Vương quốc Anh là một “thảm họa”. Liên đoàn Du lịch Bồ Đào Nha cho biết: “Chúng tôi không thể hiểu được quyết định của Anh khi loại Bồ Đào Nha khỏi danh sách “xanh” về du lịch”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Bồ Đào Nha – Augusto Santos Silva cho biết trên Twitter rằng: Đất nước này vẫn đảm bảo thực hiện các quy định rõ ràng về sự an toàn của những người dân và du khách.

Bài học của Thổ Nhĩ Kỳ chính là “tiếng chuông cảnh tỉnh” với rất nhiều quốc gia trên thế giới trước các quyết định mở cửa du lịch quốc tế. Trái với kỳ vọng du lịch quốc tế “cất cánh” trở lại nhờ vaccine, nhiều điểm đến vẫn có thể lần nữa “vỡ trận” bởi cuộc khủng hoảng mang tên “Covid”.