Du lịch văn hóa các dân tộc thiểu số: Hướng đến phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) vừa qua đã góp thêm một điểm nhấn vào chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa gắn với đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta. Tiếp nối dòng sự kiện, du khách yêu thích văn hóa đang đặt nhiều kỳ vọng vào Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người sẽ được tổ chức vào đầu tháng 11 tại TP Lai Châu.
Thác Bản Giốc, nơi diễn ra Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc. (Ảnh: Đỗ Trang)
Thác Bản Giốc, nơi diễn ra Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc. (Ảnh: Đỗ Trang)

Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể

Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc tại huyện Trùng Khánh lần đầu tiên được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, vùng đất, con người Cao Bằng, cũng như nâng tầm ngành Du lịch tỉnh đến với bạn bè trong trước và quốc tế. Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra nhiều hoạt động nổi bật, như Lễ rước nước thiêng cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; Không gian trưng bày, giới thiệu sản vật, đặc sản, ẩm thực; Không gian triển lãm ảnh “Vẻ đẹp miền Non Nước”; Chương trình nghệ thuật, biểu diễn thực cảnh khai mạc lễ hội; Chương trình “Hát Then, đàn tính với sự tham gia của 1.000 người”.

Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian tại Lễ hội, trải nghiệm vườn dẻ, thăm quan động Ngườm Ngao, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, chiêm ngưỡng cảnh quan Phong Nặm… Lễ hội năm nay được tổ chức trong bối cảnh 2 nước Việt Nam - Trung Quốc mới vận hành thí điểm tour du lịch xuyên biên giới giữa hai khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) từ ngày 15/9. Trước đó, năm 2018, Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận trở thành Công viên địa chất Toàn cầu.

Cao Bằng không chỉ nổi tiếng “gạo trắng, nước trong” mà còn là một vùng văn hóa đa dạng, phong phú với sự giao hòa bản sắc của nhiều dân tộc anh em như Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ… Mỗi dân tộc sinh sống ở Cao Bằng đều có những di sản văn hóa truyền thống độc đáo của riêng mình, thể hiện rõ trên trang phục, lễ hội, tín ngưỡng, đời sống sinh hoạt. Các hoạt động truyền thống, giao lưu văn hóa vùng dân tộc thiểu số góp phần tạo nên những nét thu hút riêng, độc đáo tại điểm đến này.

Theo thống kê của Sở VH,TT&DL tỉnh, đến nay, Cao Bằng có hơn 2.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Tri thức dân gian, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ xã Vũ Minh (huyện Nguyên Bình); Nghệ thuật trình diễn dân gian, Lượn Cọi của người Tày các xã Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm (huyện Bảo Lâm); Nghi lễ Then Tày; Lễ hội Nàng Hai; Lễ hội Tranh đầu pháo; Nghề rèn truyền thống xã Phúc Sen của người Nùng An (huyện Quảng Hòa). Với nhiều tiềm năng vốn có, ngành Du lịch tỉnh Cao Bằng đang nỗ lực trở thành điểm đến kiểu mẫu về du lịch văn hóa, du lịch xanh và bền vững, trong đó những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc luôn được người dân gìn giữ, phát huy.

Đáng nói, để phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, cần chú trọng sự bài bản, chỉn chu trong khâu tổ chức, sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng và đặc biệt cần đào tạo, huấn luyện người dân làm du lịch một cách thực chất, bền vững, tránh sự manh mún, “chụp giật”.

Đơn cử, tại Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc vừa qua, phóng viên ghi nhận có tình trạng một bộ phận người dân còn “chèo kéo” du khách sử dụng dịch vụ xe ôm với mức giá “tuỳ hứng” - tức là tăng giảm thất thường; thậm chí có trường hợp chặn xe du khách để thu phí ngay trước cổng chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc. Những hình ảnh ứng xử “xấu xí”, dù ít hay nhiều, cũng phần nào ảnh hưởng tới ấn tượng và chất lượng trải nghiệm của du khách.

Bên cạnh những mặt chưa tích cực, cũng cần ghi nhận công tác tổ chức lễ hội năm nay đã có sự chuẩn bị chu đáo hơn so với năm trước, đặc biệt sự tăng cường lực lượng tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, điều phối giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường...

Tiếp nối dòng sự kiện

Mới đây, tại họp báo thường kỳ quý III năm 2023, Bộ VH,TT&DL thông tin, hiện Bộ và UBND tỉnh Lai Châu là tỉnh đăng cai, đang phối hợp với 12 tỉnh chuẩn bị các nội dung của Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, sẽ diễn ra vào ngày 3 - 5/11 tới đây, tại TP Lai Châu.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VH,TT&DL cho biết, sự kiện này được tổ chức nhằm truyền tải nhiều ý nghĩa quan trọng. Theo đó, tất cả các dân tộc, dù là dân tộc đông người hay dân tộc ít người đều có sự bình đẳng như nhau. Bên cạnh đó, văn hóa của dân tộc thiểu số có dân số dưới 10.000 người đang có nguy cơ bị mai một, nên cần có hướng bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.

“Ngoài việc cần bảo tồn các phong tục tập quán, cần tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, để cho chính các chủ thể văn hóa được tham gia, giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Đây cũng đồng thời là dịp để giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Đặc biệt, Ngày hội còn hướng đến ý nghĩa giáo dục cho lớp trẻ về ý thức coi trọng văn hóa dân tộc, từ đó có ý thức bảo vệ văn hóa truyền thống, để trao truyền cho các thế hệ ngọn lửa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của dân tộc mình”, bà Nhung nói. Ngày hội sẽ bao gồm nhiều hoạt động như: Liên hoan trình diễn trang phục, liên hoan văn hóa nghệ thuật quần chúng, trình diễn nghề thủ công truyền thống, trưng bày các sản phẩm văn hóa của 14 dân tộc.

Văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa dân tộc. Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với dân tộc thiểu số vừa làm nên điểm nhấn đặc biệt thu hút của điểm đến vừa góp phần bảo tồn bền vững những bản sắc văn hoá này.

Đọc thêm