Du lịch Việt chưa sẵn sàng đón khách quốc tế?

(PLVN) - Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Á, Âu, Mỹ - những thị trường nguồn của ngành du lịch Việt Nam. Do vậy ngành du lịch hiện nay dường như vẫn chưa sẵn sàng đón khách quốc tế quay trở lại.
Du lịch có dấu hiệu ấm lại.
Du lịch có dấu hiệu ấm lại.

Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch từng đánh giá: “Sự phục hồi của du lịch Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm dịch Covid-19 được khống chế trên thế giới. Theo đó, nếu đại dịch kết thúc cuối tháng 6/2020, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi dần vào cuối năm. Còn tình hình diễn biến xấu hơn và chưa kết thúc trước thời điểm cuối năm 2020, có thể nói, du lịch Việt Nam sẽ gần như không đón bất kỳ du khách quốc tế nào”.

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 là 3,7 triệu khách, giảm 37,8% so với cùng kỳ. Trong tháng 4, Việt Nam chỉ đón 26.200 khách quốc tế, giảm 98,2% so với cùng kì năm ngoái.

Các thị trường chính đều giảm mạnh, ví dụ như khách Trung Quốc giảm 47,7% so với cùng kỳ, Hàn Quốc 43,3%, Nhật Bản giảm 33,6%, thị trường khách châu Âu giảm giảm 25,4%, thị trường châu Mỹ  giảm 37,6%, khách châu Phi giảm 25%...

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 lượng khách đến Hà Nội chỉ đạt hơn 28.473 lượt, giảm 91,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế có lưu trú tại Hà Nội đạt 1.473 lượt, giảm 97,2% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa đạt khoảng 27.000 lượt, giảm hơn 90% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch đạt 91 tỷ đồng, giảm hơn 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khách sạn từ 3 - 5 sao, công suất phòng dịp này chỉ đạt khoảng 13,4%.

Dù có thể tiếp tục khai thác thị trường khách nội, nhiều đơn vị lữ hành tỏ ra hoài nghi về khả năng hồi sinh nhanh chóng của ngành du lịch. Trong khảo sát mới đây từ Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), 41,1% doanh nghiệp dự đoán ngành du lịch chỉ có thể phục hồi từ năm sau.

Đáng nói, những hệ luỵ của dịch bệnh có ảnh hưởng lớn đến tâm lý du khách và người dân bản địa. Đối với du khách, sẽ có một số xu hướng mới trong việc lập kế hoạch, lựa chọn và tổ chức chuyến đi; nhưng đối với người bản địa, dịch bệnh đang khiến người dân trở nên lo ngại, đề phòng hơn với du khách quốc tế. 

Trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam, một số cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ du lịch ở các địa phương đã từ chối phục vụ, thậm chí có biểu hiện tẩy chay, kỳ thị khách du lịch là người nước ngoài.

Điều này gây bức xúc trong xã hội, khiến các cơ quan chức năng phải kịp thời can thiệp, chấn chỉnh nhằm giữ gìn hình ảnh đất nước, con người, điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hiếu khách. Dù vậy, đến hiện giờ, sự kỳ thị có thể giảm đi một phần nhưng nỗi bất an, lo lắng khi tiếp xúc với người nước ngoài vẫn là một “bóng ma tâm lý” đối với nhiều người dân. 

Du lịch MICE có “lên ngôi” đúng như kịch bản?

Theo kịch bản của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thì sau đại dịch, thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cần cơ cấu lại, tập trung quảng bá khách đến và đi tại các thị trường hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc và du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, chương trình khen thưởng, tri ân đối với nhân viên, đối tác…).

Trong khi thị trường du lịch quốc tế vẫn còn “lao đao”, các công ty lữ hành sẽ tập trung hơn vào thị trường du lịch MICE nội địa. Tuy nhiên, tính hiệu quả vẫn còn phải đặt lên bàn cân. Trên thực tế, hai điểm đến nổi bật thu hút khách MICE tại Việt Nam hiện nay là TP HCM và Hà Nội, đây là các trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa lớn của cả nước với các loại hình dịch vụ và cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể để đón nguồn khách MICE.

Tiềm năng là thế nhưng các nhà tổ chức du lịch sự kiện tại khu vực này vẫn còn e ngại, khi hàng loạt dịch vụ hỗ trợ loại hình du lịch này vẫn còn đang “manh mún” hoặc chưa định hình “ra ngô, ra khoai”. Thực tế này đòi hỏi các đơn vị tổ chức tour phải đạt chất lượng chuyên nghiệp, trong khi năng lực thực tế của ngành du lịch tại nhiều tỉnh, thành còn chưa đáp ứng thực tế về cả cơ sở hạ tầng lẫn dịch vụ, chiến dịch quảng bá. 

Kết quả khảo sát nằm trong dự án nâng cao nhận thức về du lịch do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tài trợ năm 2019 cho thấy có đến 44% du khách không hài lòng về tài xế taxi, người bán hàng rong, dịch vụ tổ chức tour, đường sắt và mua sắm quà lưu niệm.

Như vậy, tương lai du lịch MICE đang nằm trong tay các nhà làm du lịch, từ cấp quản lí cao nhất đến những người làm dịch vụ nhỏ nhất như tài xế, người bán hàng rong… Mặt khác, cơ sở hạ tầng vẫn là một bài toán hóc búa của ngành du lịch Việt Nam.

Đọc thêm