Du lịch Việt Nam bội thu danh hiệu: Bước đầu định vị thương hiệu du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngành Du lịch Việt Nam đã trải qua một năm 2023 “thăng hoa” với nhiều giải thưởng thế giới và khu vực. Đầu năm 2024, hoạt động du lịch cũng mở màn bằng nhiều tín hiệu vui. Tuy nhiên, để duy trì phong độ hiện tại và hoàn thành các mục tiêu của năm nay, ngành Du lịch nước nhà vẫn cần nhiều đột phá hơn nữa.
Du lịch Việt Nam hiện có sức hút lớn với nhiều khách quốc tế. (Ảnh minh họa - Nguồn: Conde Nast Traveler)
Du lịch Việt Nam hiện có sức hút lớn với nhiều khách quốc tế. (Ảnh minh họa - Nguồn: Conde Nast Traveler)

“Bội thu” danh hiệu

Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam “bội thu” danh hiệu khi đón nhận 19 hạng mục Giải thưởng hàng đầu thế giới và 54 hạng mục Giải thưởng hàng đầu châu Á do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) trao tặng. Trong đó, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” lần thứ 4 liên tiếp, “Điểm đến hàng đầu châu Á” lần thứ 5 liên tiếp. Truyền thông quốc tế cũng nhiều lần ca ngợi, vinh danh du lịch Việt Nam. Điển hình như “Việt Nam là quốc gia an toàn nhất để ghé thăm ở châu Á” theo Travel Off Path, “Việt Nam là điểm đến tuyệt vời để chữa lành và làm mới bản thân” theo Travel+Leisure;…

Các điểm đến trong nước cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đơn cử, thương hiệu điểm đến Thủ đô Hà Nội cuốn hút, năng động và thân thiện đã được khẳng định qua 3 giải thưởng của WTA gồm: “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày” và “Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á”. Bên cạnh đó, trang web uy tín Tripadvisor cũng bình chọn Hà Nội đứng thứ 17 trong số 25 địa danh nổi tiếng để đi du lịch và đứng thứ 3/20 điểm đến cho người mê ẩm thực... Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí trung tâm du lịch lớn của cả nước nhờ bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử, thiên nhiên phong phú, con người thân thiện và nền ẩm thực đa dạng.

Năm 2023 được xem là năm “bội thu” về danh hiệu của du lịch Đà Nẵng. Thành phố thu hút sự chú ý của khu vực và thế giới khi đăng cai thành công nhiều sự kiện quốc tế như: Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á (Routes Asia) 2022, Giải BRG Open Golf Championship, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF), Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng… Tạp chí Condé Nast Traveller, thuộc CNN Traveller (Anh), công bố Đà Nẵng đứng thứ hai trong Top 11 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2024. Thành phố tiếp tục được bầu chọn là "Điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách Việt trong hè 2023" trên Booking.com; “Điểm đến đứng thứ hai trong số điểm đến "du mục kỹ thuật số" (digital nomad) phát triển nhanh nhất thế giới" do tạp chí du lịch Outlook Traveller bình chọn. Định vị thương hiệu du lịch Đà Nẵng đối với du khách tập trung vào nhiều nhóm sản phẩm chất lượng cao và đa dạng, nhất là du lịch lễ hội/sự kiện, du lịch biển, nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch MICE, du lịch golf,…

Tín hiệu tích cực là nhiều địa phương khác, ngoài những trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng,… cũng “gặt hái” về những danh hiệu tôn vinh đặc trưng du lịch bản địa, cho thấy chiến lược định vị thương hiệu du lịch của địa phương đó đã phát huy hiệu quả. Đơn cử, giải thưởng WTA vinh danh Mộc Châu là “Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới”, Hà Nam là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”, Hà Giang là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”, Tam Đảo là “Thị trấn du lịch hàng đầu thế giới”,…

Giữ vững thương hiệu du lịch

Những danh hiệu là một kênh tốt để góp phần định vị thương hiệu của một điểm đến, giúp nhiều người biết về điểm đến được vinh danh. Tuy nhiên, đây chưa phải là động lực chính để thu hút và “giữ chân” du khách. Một trong những yếu tố khiến ngành Du lịch bứt phá trong năm 2023 phải kể đến tác động từ chính sách visa thông thoáng. Cùng với đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch đã chú tâm phát triển các sản phẩm du lịch mới mẻ, sáng tạo, độc đáo một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn để thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của họ, điển hình là Phú Quốc. Khi nhận thấy điểm đến đang dần mất đi sức hút bởi hàng loạt bất cập trong du lịch, ngành Du lịch Phú Quốc đã kịp thời chủ động khắc phục, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, đặc biệt phát triển thêm các hoạt động du lịch sôi nổi về đêm.

Có thể nói, ngành Du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển với rất nhiều lợi thế chủ quan và khách quan. Mở đầu năm 2024, hoạt động du lịch cho thấy nhiều tín hiệu tích cực khi ba ngày nghỉ lễ, cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài các sản phẩm du lịch đêm đang phát huy hiệu quả, các sản phẩm du lịch gắn với nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc cũng ngày càng được quan tâm, đầu tư và trở thành điểm nhấn ấn tượng để thu hút du khách. Công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho biết lượng tìm kiếm của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam năm 2023 đạt mức tăng trưởng trên 75%, xếp thứ 6 toàn cầu, vượt qua các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines. Những yếu tố này được xem là tiền đề cho mục tiêu đón từ 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế của toàn ngành trong năm 2024, tức là phục hồi hoàn toàn so với trước dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui, ngành Du lịch nước nhà vẫn còn nhiều thách thức để hiện thực hoá mục tiêu trong năm nay. Đó là những “khoảng trống” như cần hoàn thiện hệ thống chính sách đồng bộ, kịp thời khắc phục triệt để các bất cập, hoặc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; năng lực thực thi, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa còn hạn chế;… Sự đột phá thực sự còn đòi hỏi sự đổi mới trong tư duy, cách làm sáng tạo, bài bản để duy trì sức hút của các sản phẩm và điểm đến du lịch một cách bền vững. Có thể nói, đạt được danh hiệu đã khó nhưng để gìn giữ danh hiệu, hình thành một “chỉ dẫn địa lý” vững chắc về thương hiệu du lịch của điểm đến trên bản đồ du lịch thế giới còn khó hơn rất nhiều.

Kết quả khảo sát trên công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về điểm đến Việt Nam tăng nhanh thứ 6 thế giới, vượt cả các điểm đến nổi tiếng khác trong khu vực như: Thái Lan (10), Indonesia (11), Malaysia (12), Philippines (14). Mười thị trường quốc tế tìm kiếm về du lịch Việt Nam nhiều nhất gồm: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Đức, Malaysia và Thái Lan. Ngoài hai trung tâm lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, top các điểm đến của Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất còn có hai trung tâm du lịch biển nổi tiếng là Đà Nẵng và đảo ngọc Phú Quốc; tiếp theo trong danh sách là Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Huế, Phan Thiết và Vũng Tàu.

Đọc thêm