Tín hiệu vui cho du lịch đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đầu năm 2024, nhiều địa phương phấn khởi đón lượng lớn du khách đến tham quan cùng nhiều con số tiêu dùng ấn tượng. Đó là những tín hiệu ban đầu đáng mừng kỳ vọng một năm du lịch bứt phá.
Hội An tổ chức sự kiện đón chào năm mới 2024 với nhiều hoạt động quảng bá nghề thủ công, nghệ thuật dân gian. (Nguồn ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Hội An tổ chức sự kiện đón chào năm mới 2024 với nhiều hoạt động quảng bá nghề thủ công, nghệ thuật dân gian. (Nguồn ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Nhiều điểm đến hấp dẫn

Trong số các thành phố trên cả nước, Đà Nẵng được coi là “điểm đến bất ngờ” trong dịp Tết Dương lịch năm nay bởi lượng du khách đột phá mạnh mẽ. Theo thống kê, tổng lượng khách tham quan, du lịch Đà Nẵng trong dịp Noel và Tết Dương lịch 2024 ước đạt khoảng 261 ngàn lượt, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2023 (194 ngàn lượt). Trong đó, khách nội địa ước đạt 123 ngàn lượt, khách quốc tế ước đạt 138 ngàn lượt.

Để chào đón dịp lễ Noel và năm mới Dương lịch, Đà Nẵng đã lắp đặt 3 mô hình check-in quanh khu vực cầu Rồng; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn quảng bá hình ảnh điểm đến và phục vụ người dân, du khách. Cạnh đó, các cơ sở lưu trú, đơn vị làm du lịch cũng liên tục tung các gói du lịch trải nghiệm, nhiều khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn, có nơi chính sách giảm giá lên đến 50%.

Hai thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng rộn ràng với những hoạt động du lịch ấn tượng và sản phẩm du lịch đặc sắc. Với nhiều hoạt động nổi bật đón năm mới và một số lễ hội hấp dẫn tại ngoại thành, ước tính lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 402.000 lượt, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch Hà Nội thu gần 1.500 tỷ đồng trong dịp Tết Dương lịch 2024.

Riêng TP Hồ Chí Minh, các chương trình Lễ hội đếm ngược Countdown, bắn pháo hoa, điểm du lịch cộng đồng Thiềng Liềng và các sản phẩm du lịch đêm trên sông đã giúp thành phố thu hút 1,6 triệu lượt khách trong dịp này.

Đà Lạt, sau thời điểm chìm lắng đã có cú bứt phá ngoạn mục thời điểm đón Tết Dương lịch. Hàng loạt chương trình đa dạng, được truyền thông mạnh mẽ như: Khai trương khu vực ẩm thực đêm tại Vườn hoa thành phố Đà Lạt; tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893 - 2023) và đón nhận thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO tại Quảng trường Lâm Viên; tổ chức các không gian hoa, tiểu cảnh hoa trang trí tạo điểm nhấn tại các công viên, khu vực công cộng ở trung tâm thành phố; đêm giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc; chương trình Countdown 2024 tại quảng trường Lâm Viên; đêm chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 được tổ chức tại Tea Resort Prenn - Đà Lạt... Lượng khách đến Đà Lạt ước đạt hơn 140.000 lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 5.000 lượt, khách nội địa 135.000 lượt.

Sáng tạo từ bản sắc văn hóa

Dịp nghỉ Tết Dương lịch, một số lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc được tổ chức tại các địa phương miền núi phía Bắc. Như huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) tổ chức lễ hội hoa tớ dày, gắn với tôn vinh khèn Mông vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Sa Pa (Lào Cai) tổ chức chuỗi sự kiện Lễ hội mùa đông “Sa Pa - Thiên đường tuyết rơi năm 2023 - Chào Xuân Giáp Thìn 2024”. Thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang) tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao với nhiều hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian; hội thi các món ăn dân tộc Dao; trình diễn trang phục người Dao...

Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024, chỉ tính riêng tỉnh Hà Giang đã đón hơn 89 nghìn lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu từ du lịch đạt hơn 220 tỷ đồng.

Hội An, thành phố nhỏ ven sông Hoài được coi là một trong những “điểm đến đáng trải nghiệm” hàng đầu cho dịp chào đón năm mới 2024. Trong những ngày giao thoa giữa năm cũ và năm mới, phố cổ Hội An đã đồng loạt diễn ra nhiều sự kiện nghệ thuật và ẩm thực quy mô, trong đó có lễ công bố Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Những ngày qua, thành phố Hội An đã thiết kế không gian sắp đặt nghệ thuật, trình diễn nghề thủ công, triển lãm ảnh Hội An - sáng tạo và phát triển cùng các hoạt động giới thiệu nghệ thuật dân gian như chương trình tái hiện Hội An xưa với quang cảnh các ngành nghề thủ công truyền thống, chương trình biểu diễn, giao lưu dân vũ tại sân khấu vườn tượng An Hội, lễ hội ẩm thực chủ đề Món ngon xứ Quảng tại quảng trường sông Hoài... Các chương trình đón năm mới của Hội An rất hấp dẫn, khai thác nhiều thế mạnh của đô thị cổ này.

Cũng dịp này, tỉnh Quảng Nam đón hơn 103.000 lượt khách đến tham quan và lưu trú. Đặc biệt, lượt khách quốc tế tăng mạnh so với cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng đối với khách sạn 4 - 5 sao đạt khoảng 80 - 90% tại các khu vực gần và trong khu phố cổ. Những con số ấy là phần thưởng xứng đáng cho những sáng tạo mạnh mẽ, phát huy thế mạnh bản sắc của Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung.

Có thể nói, Tết Dương lịch 2024 là thời điểm đánh dấu nhiều sáng tạo về du lịch tại các địa phương với nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, thu hút khách. Lượng du khách đến nhiều địa phương tăng mạnh không chỉ do nhu cầu về du lịch tại kì nghỉ lễ, mà còn bởi sản phẩm du lịch địa phương đủ sức hấp dẫn khiến du khách lựa chọn.

Năm 2024, nhiều địa phương đã đặt ra những mục tiêu mạnh mẽ cho du lịch. Để đạt được những mục tiêu đó, ngành du lịch các địa phương và trên cả nước còn nhiều điều phải thực hiện, như tăng cường đào tạo con người, nâng cao chất lượng du lịch, tăng nụ cười và sự niềm nở, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khai thác tiềm năng, thế mạnh bản địa...

Một năm du lịch mới được “mở hàng” bằng những tín hiệu tốt đẹp và cần nhiều hơn nữa nỗ lực, sáng tạo để những tín hiệu ấy biến thành sự bứt phá thực sự.

Đọc thêm