Du lịch Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

(PLVN) - Ngành Du lịch Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình với những khát vọng lớn lao. Với mục tiêu trở thành một cường quốc du lịch, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội hiện tại và triển khai những chiến lược cụ thể để đạt được sự phát triển vượt bậc vào năm 2025 và xa hơn.
Việt Nam có nhiều điểm đến nổi tiếng thế giới nhưng cần xác định tầm nhìn xa để khai thác tiềm năng các điểm này bền vững. (Ảnh: Nụ cười Mekong)

Tái định hình vị thế quốc gia trong cộng đồng quốc tế

Sau hơn 7 năm triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW và Luật Du lịch 2017, ngành Du lịch đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng mạnh mẽ, tạo đà phát triển không chỉ cho ngành mà còn lan tỏa tích cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2019, thời kỳ hoàng kim trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, đóng góp 9,2% GDP. Du lịch không chỉ là ngành dịch vụ tổng hợp mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện đời sống người dân. Các khu du lịch cộng đồng tại vùng sâu, vùng xa đã tạo sinh kế bền vững, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, ngành Du lịch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, từ đó xây dựng hình ảnh Việt Nam là một điểm đến giàu bản sắc.

Kỷ nguyên mới của dân tộc không chỉ là sự phát triển về kinh tế mà còn là sự tái định hình vị thế quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Dưới sự chỉ đạo của Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngành Du lịch đã được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây không chỉ là chủ trương lớn mà còn là động lực giúp Việt Nam xây dựng vị thế vững chắc trên bản đồ du lịch toàn cầu. Theo Kế hoạch 2025, Việt Nam dự kiến đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế và 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, tổng nguồn thu đạt khoảng 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, ngành cần có những kế hoạch táo bạo và hành động quyết liệt. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ tiêu khách nội địa nên đặt cao hơn để phấn đấu, chỉ tiêu đóng góp GDP phải rõ ràng và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Nhìn lại thực tiễn của giai đoạn 2004 - 2019 ngành Du lịch đã có 10 năm tăng trưởng khách quốc tế 2 con số, thấp là 10,5% năm (2013) và cao nhất là 34% năm 2010.

Du lịch không chỉ là “cỗ máy kiếm tiền” với nguồn thu ngoại tệ ròng vượt xa kiều hối hay vốn FDI mà còn là động lực tạo việc làm và thúc đẩy thịnh vượng chung. Theo Ngân hàng Thế giới, mỗi USD kiếm được từ du lịch, Việt Nam giữ lại 0,73 USD - một tỷ lệ ấn tượng cho ngành xuất khẩu tại chỗ. Năm 2024, du lịch dự kiến mang lại thu nhập ròng trên 25,2 tỷ USD, vượt xa con số 21,6 tỷ USD từ vốn FDI thực giải ngân. Đặc biệt, du lịch còn có khả năng lan tỏa đến 40 ngành kinh tế, tạo việc làm trên khắp mọi miền đất nước, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, ngành Du lịch là cầu nối hiệu quả để quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước ra thế giới. Các sản phẩm du lịch như di sản thiên nhiên, lễ hội văn hóa và trải nghiệm ẩm thực đều là những “đại sứ” góp phần khẳng định thương hiệu quốc gia.

Cần xây dựng những biểu tượng kiến trúc mới như cầu Vàng. (Ảnh: Traveloka)

Tuy đạt được nhiều thành tựu, du lịch Việt Nam vẫn đang “đứng giữa hàng quân” khi xếp hạng 59 trong Chỉ số Phát triển Du lịch & Lữ hành (Travel & Tourism Development Index) năm 2024, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan (47) và Indonesia (22). Nguyên nhân chính là sự thiếu hụt trong hạ tầng, nguồn nhân lực và môi trường kinh doanh. Nhận thức về vai trò của du lịch ở các cấp, các ngành còn chưa đồng đều, dẫn đến tình trạng phối hợp liên ngành và liên vùng thiếu chặt chẽ. Nhiều địa phương có tiềm năng du lịch nhưng lại thiếu định hướng rõ ràng hoặc đầu tư dàn trải, gây lãng phí nguồn lực. Hạ tầng du lịch, từ sân bay đến cơ sở lưu trú, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải cải thiện để đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Xác định chiến lược hành động toàn diện

Năm 2025 và 2030 được xác định là các cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo các mục tiêu đề ra, đến năm 2025, du lịch cần phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, đón 18 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa, đóng góp từ 6 - 8% GDP. Đến năm 2030, ngành cần đạt tốc độ tăng trưởng khách quốc tế từ 13 - 15% mỗi năm, phấn đấu đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa, với đóng góp GDP từ 10 - 13%. Để hiện thực hóa tham vọng này, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong ba nhóm chiến lược: cải thiện thể chế, đầu tư hạ tầng và công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm cùng quảng bá thương hiệu quốc gia.

Phát triển du lịch đòi hỏi sự thay đổi về chính sách và nhận thức ở cả cấp quốc gia và địa phương. Một trong những yếu tố then chốt là rà soát, sửa đổi Luật Du lịch để thích ứng với thực tiễn và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp. Các chính sách miễn thị thực cho thị trường chi tiêu cao như châu Âu, Mỹ, và Trung Đông cần được ưu tiên. Đồng thời, cơ chế thị thực đặc biệt có thể áp dụng cho nhà đầu tư, khách du lịch dài hạn và những du khách giàu có. Ngoài ra, xu hướng phát triển du lịch bền vững cần được thúc đẩy thông qua việc khai thác kinh tế đêm, tận dụng giá trị di sản và xây dựng các trung tâm du lịch, giúp tạo động lực phát triển kinh tế vùng.

Hạ tầng là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hoàn thành các dự án lớn như sân bay quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay Nội Bài và xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ mở ra cơ hội kết nối vùng miền và quốc tế. Đồng thời, các sân bay hiện đại cần được thiết kế như những trung tâm thương mại tích hợp với đầy đủ tiện ích để đáp ứng xu hướng “du lịch sân bay” đang phổ biến trên thế giới. Công nghệ số cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quản lý và vận hành du lịch. Phát triển các nền tảng di động cung cấp thông tin toàn diện về điểm đến, ứng dụng AI vào trải nghiệm du lịch và hệ thống thanh toán không tiền mặt là những bước đi thiết yếu để nâng cao trải nghiệm của du khách.

Du lịch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam là một điểm đến giàu bản sắc. (Ảnh: Du lịch Sài Gòn)

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, ngành Du lịch Việt Nam cần khai thác các giá trị văn hóa bản địa và thiên nhiên độc đáo. Những biểu tượng như Cầu Vàng ở Đà Nẵng hay các khu nghỉ dưỡng biệt thự trên biển tại Phú Quốc cần được nhân rộng. Đồng thời, phát triển các loại hình du lịch tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ như du lịch MICE (hội nghị, sự kiện), du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch xanh sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhiều phân khúc thị trường hơn. Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định để ngành Du lịch đạt được các mục tiêu lớn. Việt Nam cần tăng cường đào tạo tiếng Anh và các ngôn ngữ khác cho nhân viên trong ngành, đặc biệt là hướng dẫn viên và quản lý khách sạn. Đồng thời, việc thu hút các chuyên gia quốc tế và tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý và vận hành. Ngoài ra, đào tạo thế hệ trẻ với các kỹ năng mềm và chuyên môn phù hợp sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của ngành Du lịch trong tương lai.

Xây dựng hình ảnh quốc gia là nhiệm vụ chiến lược để thu hút sự chú ý từ du khách toàn cầu. Các sự kiện lớn như APEC, Olympic, hoặc World Cup nếu được tổ chức tại Việt Nam sẽ không chỉ mang lại cơ hội quảng bá mà còn thúc đẩy phát triển hạ tầng và dịch vụ. Các chương trình như “Ngày Phở Việt Nam” hay “Lễ hội Văn hóa Việt” tại các nước cũng có thể tạo cầu nối văn hóa, đưa hình ảnh đất nước đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Đồng thời, tận dụng các nền tảng mạng xã hội và các kênh truyền thông quốc tế như CNN, BBC để quảng bá là một bước đi cần thiết trong thời đại số hóa.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đón 535 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030. Với vị trí địa lý thuận lợi, văn hóa đa dạng và chính trị ổn định, Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác lợi thế này để trở thành điểm đến hàng đầu. Kỷ nguyên vươn mình không chỉ là thời điểm đánh dấu sự thay đổi, mà còn là lời mời gọi hành động cho tất cả các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch. Với chiến lược đúng đắn và sự quyết tâm từ mọi cấp, ngành Du lịch Việt Nam có thể vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội và vươn lên vị thế xứng đáng trên bản đồ thế giới. Đây không chỉ là cơ hội để phát triển kinh tế mà còn là bước tiến quan trọng trong việc khẳng định thương hiệu quốc gia và góp phần thực hiện khát vọng lớn lao của dân tộc.

Đọc thêm