Du lịch Việt tạo đà tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Du lịch Việt Nam đang phục hồi rất nhanh, ở tốc độ cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Nắm bắt được xu hướng thị trường, Việt Nam có cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
Vẻ đẹp lãng đãng sương giăng của Việt Nam đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. (ảnh: Trần Quang Anh)
Vẻ đẹp lãng đãng sương giăng của Việt Nam đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. (ảnh: Trần Quang Anh)

Tháng đầu tiên đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế

Theo thông tin từ Bộ VH-TT&DL, trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt, lượng khách du lịch nội địa vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ước đạt khoảng 76,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 7/2023, Việt Nam đã đón và phục vụ 1,04 triệu lượt khách. Đây là tháng đầu tiên trong năm 2023 chúng ta đón được trên 1 triệu lượt khách quốc tế.

Bên cạnh đó, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam vẫn tăng, năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam được đánh giá là 1 trong những quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng cao nhất thế giới.

Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này.

Theo đó, Việt Nam có mức tăng trưởng ở nhóm 10 - 25%, xếp thứ 6 trên thế giới, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của khu vực Đông Nam Á (-10% đến 10%). Với kết quả này, không ngạc nhiên khi Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào nhóm tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Các nước còn lại xếp ở vị trí thấp hơn khá nhiều: Indonesia (18), Thái Lan (19), Malaysia (21), Philippines (23), Singapore (30).

Những dữ liệu này cho thấy nhu cầu về du lịch Việt Nam đang phục hồi rất nhanh, ở tốc độ cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Nắm bắt được xu hướng thị trường, Việt Nam có cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.

Đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn ngành, sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi ban hành các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, còn có sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương, sự đồng hành, sát cánh của doanh nghiệp và công tác chỉ đạo định hướng kịp thời, hiệu quả về cơ cấu lại thị trường, làm mới sản phẩm dịch vụ, liên kết phát triển và quảng bá xúc tiến du lịch, chính sách xuất nhập cảnh mới... từ đó đã đóng góp tích cực trong việc duy trì tốc độ phục hồi và bước đầu vượt qua khó khăn sau dịch bệnh của ngành Du lịch.

Phấn đấu vượt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế năm nay

Nhằm thúc đẩy tăng tốc, quyết liệt hành động để tạo ra đột phá trong việc phục hồi và phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bền vững cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Trong đó, Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: Phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong du lịch.

Trước đó, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Ngày 15/8 cũng là ngày hai Luật này chính thức có hiệu lực.

Khách quốc tế tham quan trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh bằng xích lô. (ảnh: Hồng Đạt)

Khách quốc tế tham quan trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh bằng xích lô. (ảnh: Hồng Đạt)

Ngày 15/8/2023, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt đã chủ trì Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. “Hội nghị này được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung về các văn bản mới của ngành Du lịch hướng tới các nhóm đối tượng là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc có liên quan. Qua đó, nâng cao vai trò, đề cao tính trách nhiệm của toàn ngành trong việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn; tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành Du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Theo đó, kế hoạch hành động của Bộ VH-TT&DL nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Chính phủ giao, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành Du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Hướng tới phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định: “Với các chính sách thị thực mới (nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày), ngành Du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày”.

Tại Hội nghị, các đại biểu tại điểm cầu Trung ương và các điểm cầu địa phương cơ bản thống nhất với nội dung kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Trong đó, việc phát triển sản phẩm du lịch đêm là nội dung được nhiều địa phương quan tâm. Các ý kiến đều khẳng định, phát triển du lịch đêm không chỉ góp phần tăng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú của du khách mà còn đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là sản phẩm du lịch đặc thù, còn nhiều khó khăn, vướng mắc để triển khai có hiệu quả, bảo đảm du lịch đêm đa dạng, phản ánh bản sắc văn hóa ở mỗi điểm đến, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Đồng thời đề nghị, Bộ VH-TT&DL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch mới; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; xúc tiến, quảng bá; hỗ trợ nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch cho các địa phương; thúc đẩy khai thác các đường bay quốc tế đến Việt Nam; đào tạo nguồn nhân lực…

Với những chính sách mới mang tính đột phá tạo thuận lợi về thị thực, xuất nhập cảnh, cùng với xu hướng thị trường tích cực, ngành Du lịch tràn đầy niềm tin vào khả năng thu hút lượng lớn khách du lịch đến Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ đến vào những tháng cuối năm nay. Ngành Du lịch sẽ đạt và vượt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế năm nay.

Đọc thêm