Phát triển văn hóa bản địa để 'níu chân' du khách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Văn hóa bản địa là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, nhất là đối với thị trường khách quốc tế. Sự độc đáo, khác biệt của sản phẩm du lịch cũng do yếu tố văn hóa bản địa quyết định. Do đó, để phát triển nền “công nghiệp không khói” ở Việt Nam cần thiết phải đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng từ yếu tố này.
Không gian Trên bến dưới thuyền tại Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2023. Ảnh: TTXVN
Không gian Trên bến dưới thuyền tại Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2023. Ảnh: TTXVN

Mỗi vùng đất sẽ có câu chuyện, con người khác nhau để thu hút du lịch

Tổ chức vào đầu tháng 8/2023, Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất do Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở VH-TT cùng các sở, ngành, quận, huyện đã thu hút đông đảo người dân, du khách trong nước và quốc tế nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Góp phần tạo thêm sức hút cho lễ hội, cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, du lịch, lưu trú, ẩm thực, thương mại... đã tung ra hàng loạt sản phẩm kích cầu, nhất là sản phẩm khai thác từ tài nguyên bản địa trên địa bàn thành phố.

Lễ hội lấy người dân, du khách làm “nhân vật chính” nên xuyên suốt chuỗi hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật và thể thao dưới nước đều hướng đến mục tiêu mang lại sự tương tác, trải nghiệm thú vị cho người tham gia. Điển hình, tại kênh Nhiêu Lộc, Thị nghè nối liền quận 1 và quận Bình Thạnh, tổ chức hoạt động trình diễn dù lượn, bay bằng ván phản lực nước - Flyboard, biểu diễn ca nô nước, thuyền buồm... và người dân có thể đăng ký tham gia hoạt động tương tác. Hay không gian “trên bến, dưới thuyền” tại kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè; khu vực dọc bờ kè tuyến đường Bến Bình Đông, quận 8… với hàng chục gian hàng đặc sắc của các địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cũng như một số địa phương lân cận để phục vụ nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi của người dân và du khách.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thành phố sở hữu gần 1.000 km đường sông và là đô thị đặc biệt với khoảng 10 triệu dân nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nhất là nông sản rất lớn. Nếu xem chợ nổi là không gian giao thương chủ yếu của nông thôn, thì không gian “trên bến, dưới thuyền” là đặc trưng của các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh. Vì thế, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa - lịch sử, thành phố đã đưa không gian “trên bến, dưới thuyền” vào trong khuôn khổ tổ chức Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất. Tại các địa điểm diễn ra, không gian “trên bến, dưới thuyền” không chỉ giới thiệu sản phẩm, nông sản, trái cây các vùng miền, mà còn tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật với các thể loại từ truyền thống như trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử, dân ca đến hiện đại như nhạc acoustic...

Khai thác văn hóa bản địa để phát triển du lịch là một hướng đi đã và đang được các địa phương quan tâm, chứ không riêng gì TP HCM. Đơn cử như ở Cần Thơ, việc chú trọng phát huy văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch luôn được nhiều doanh nghiệp, điểm đến quan tâm. Từ đó góp phần phát triển du lịch, hội nhập và bền vững.

Tháng 5/2023, du lịch cộng đồng Cồn Sơn, quận Bình Thủy, ra mắt sản phẩm mới chào hè là xiếc ếch. Ðàn ếch được huấn luyện để trở thành những “vận động viên” bay qua vòng, kêu theo tiếng nhạc. Trao đổi với truyền thông, ông Lê Văn Càng, chủ mô hình xiếc ếch, cho biết: “Miền Tây có những loài vật rất gần gũi đời sống sinh hoạt thường ngày. Chúng tôi hiểu tập tính của các loài vật trong môi trường tự nhiên và vận dụng đều đó vào việc xây dựng sản phẩm du lịch. Từ đó hình thành những sản phẩm rất đặc trưng của Cồn Sơn như cá lóc bay, cá ăn trên cạn hay xiếc ếch. Qua mỗi sản phẩm, chúng tôi mong muốn du khách tiếp cận và biết thêm về đời sống của người dân vùng sông nước”.

Là một đơn vị thường xuyên đưa khách quốc tế về Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bà Cao Thiên Lý, Giám đốc Công ty Fabulous Mekong Eco-Tours, cho biết: “Nhiều người nói sản phẩm du lịch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long na ná nhau, đơn điệu. Tôi không cho là vậy, bởi mỗi vùng đất sẽ có những câu chuyện, con người khác nhau và điều đó làm nên những sản phẩm khác nhau. Quan trọng chính là phải biết cách xây dựng sản phẩm với những trải nghiệm sâu mới khơi gợi sự tò mò, tìm hiểu của du khách. Ví như những sản phẩm ở Cồn Sơn đều có những câu chuyện đặc biệt, trong đó yếu tố văn hóa bản địa luôn được chú trọng”…

Phát triển văn hóa để trở thành tài nguyên du lịch là vô cùng quan trọng

Khách du lịch có nhiều trải nghiệm thú vị ở Cồn Sơn nơi nét đặc sắc của văn hóa bản địa được khai thác tối đa. Ảnh Internet.

Khách du lịch có nhiều trải nghiệm thú vị ở Cồn Sơn nơi nét đặc sắc của văn hóa bản địa được khai thác tối đa. Ảnh Internet.

Có thể nói, chính sự khác biệt văn hóa khác biệt ở mỗi quốc gia và mỗi vùng đất là yếu tố đầy sức hút trong hoạt động du lịch. Do đó, phát huy các giá trị văn hóa bản địa sẽ góp phần tạo nên những sản phẩm khác biệt, tạo dấu ấn và điểm nhấn trong phát triển du lịch của mỗi địa phương.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn xác định trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng nhấn mạnh: “Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam”. Theo Chiến lược, du lịch văn hóa được xác định là 1 trong 13 ngành được thúc đẩy phát triển. Chiến lược cũng xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp du lịch văn hóa, trong đó kỳ vọng đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.

Qua quá trình phát triển du lịch ở Việt Nam thời gian qua có thể thấy, đến Việt Nam, du khách không ngừng tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ và độc đáo. Thông qua các hoạt động khám phá văn hóa bản địa và trải nghiệm những nét đẹp văn hóa của người dân nơi đến. Điều này cho thấy chính văn hóa Việt Nam sẽ làm nên những điều khác biệt trong hành trình du lịch trải nghiệm của mỗi du khách.

Trong một cuộc hội thảo, ông Phạm Văn Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã từng nhấn mạnh, văn hóa đi đến đâu thì quốc gia, dân tộc đi đến đó. Do vậy, phát triển văn hóa để trở thành tài nguyên du lịch là vô cùng quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của đất nước. “Chúng ta đã lưu giữ được các di sản văn hóa đặc sắc, riêng có của dân tộc. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên việc khai thác các di sản văn hóa trở thành hàng hóa, công nghiệp văn hóa để phát triển du lịch là đặc biệt quan trọng”, ông Thủy khẳng định.

Thực tế hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đã hình thành các sản phẩm du lịch mang dấu ấn văn hóa riêng của từng dân tộc, có thể kể đến người Mông, người Dao, người Xa Phó, người Tày trên đỉnh núi Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Tà Xùa (Sơn La)... Một số mô hình phát triển du lịch đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả, điển hình là các khu du lịch cộng đồng như: người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); người Hà Nhì ở xã Y Tí (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); người Mường ở Bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Tại các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên đã có trên 170 điểm du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, có sự liên kết giữa các địa phương, các vùng như tuyến du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; “Con đường di sản miền Trung”; “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên”;…

Du lịch và di sản văn hoá là mối quan hệ cộng sinh. Di sản văn hoá là tài nguyên du lịch tạo sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch. Di sản chính là động cơ để nảy sinh nhu cầu tìm hiểu văn hóa, là những trải nghiệm mới đối với khách du lịch. Theo đó, du lịch sẽ phát huy giá trị di sản văn hoá và tạo sức sống cho di sản văn hoá. Nhiều sản phẩm du lịch di sản đã trở thành thương hiệu đặc trưng cho du lịch Việt Nam. Đặc biệt, di sản văn hoá còn là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt cho hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch của Việt Nam, kết nối và đa dạng hoá các tuyến du lịch xuyên vùng và quốc tế.

Khai thác tốt thế mạnh văn hóa

Việt Nam hiện có 32 di sản thế giới được UNESCO vinh danh, trong đó 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp, 29 di sản văn hóa; cùng hàng nghìn di tích cùng sự đa dạng về bản sắc văn hóa của 54 dân tộc. Đây chính là cơ sở để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, có tính cạnh tranh cao với các nước trong khu vực. Thời gian qua một số địa phương đẩy mạnh khai thác sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, là “điểm phải đến” của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế như quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Khu di tích Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam), Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long…

Để phát triển du lịch văn hóa một cách hiệu quả, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, các địa phương cần ban hành kế hoạch triển khai cụ thể trên cơ sở thế mạnh di sản văn hóa của mình; cần ưu tiên phát triển sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn. Để làm được điều này đòi hỏi các địa phương cũng cần có sự kết nối trong phát triển sản phẩm du lịch văn hoá, tạo chuỗi sản phẩm bền vững, vừa bảo đảm yếu tố đặc thù, vừa bảo đảm tính liên kết trong các chương trình du lịch cho du khách.