Du lịch xanh, bền vững sẽ góp phần phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 13/6/2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 3195/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội”.
Khu phố cổ Hà Nội
Khu phố cổ Hà Nội

Về vai trò của du lịch đối với sự phát triển của thủ đô, Đề án nêu rõ “Khu vực đô thị có vị trí quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung với đa dạng các sản phẩm du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế với những trung tâm mua sắm sầm uất như Tràng Tiền Plaza, Vincom, Lotte, Aeon Mall,.. cùng khu phố cổ với các gian hàng và cửa hiệu phục vụ du khách có nhu cầu mua sắm khi đến Hà Nội du lịch. Khu vực đô thị tập trung nhiều điểm tham quan du lịch, văn hoá nổi tiếng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, Tứ trấn Thăng Long (Đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên và đền Quán Thánh), khu phố cổ (36 phố), hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, hồ Tây, Thiên đường Bảo Sơn,... Là nơi thu hút khách du lịch kết hợp tham dự hội thảo, hội nghị, triển lãm, công vụ do tập trung các khách sạn 5 sao, địa điểm tổ chức sự kiện lớn và là nơi tập trung tinh hoa ẩm thực, góp phần phục vụ tốt hơn mọi nhu cầu khách du lịch.”

Đề án nhận định: Trong giai đoạn 2016-2020, ngành du lịch tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, nhất là tại các điểm du lịch trọng điểm. Tuy nhiên, dịch vụ du lịch vẫn chưa thực sự phát huy tối đa tiềm năng lợi thế khu vực đô thị.

Đề án cũng xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển du lịch chất lượng cao, khai thác tối đa các giá trị văn hoá đặc sắc. Cụ thể, cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; Mở rộng thị trường khách du lịch trong nước, quốc tế, đồng thời khảo sát, đánh giá nhu cầu, thị hiếu du lịch của từng thị trường, có kế hoạch tiếp cận và điều chỉnh sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của từng đối tượng khách; Xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng điểm đến du lịch bao gồm: hạ tầng giao thông kết nối điểm đến du lịch với hệ thống đường bộ Thành phố, hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch; Liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trọng điểm trong cả nước nhằm quảng bá điểm đến và xây dựng tour du lịch có tính kết nối cao. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, kêu gọi các hoạt động đầu tư về du lịch trên địa bàn Thành phố.

Theo đề án, Một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch trong giai đoạn này như sau:

Khảo sát, định hướng, xây dựng các sản phẩm, tour du lịch mới, đặc sắc thu hút khách du lịch; vận động doanh nghiệp xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các sản phẩm phù hợp nhu cầu, thị hiếu của các thị trường khách quốc tế”; “Đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững”; “Đề án chuyển đổi số trong ngành Du lịch” và giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thực hiện “Đề án Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.