Hiệu quả đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước đang là câu hỏi nhức nhối mà bạn đọc tiếp tục đặt ra sau khi Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải bài viết “Nghi ngại 1.000 tỷ SCIC đầu tư vào Vinaconex”.
SCIC “đọng vốn” khoảng 2.700 tỷ đồng tại Vinaconex
Như Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, cuối năm 2011, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thống nhất việc đầu tư thêm vốn vào Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Theo đó, đầu năm 2012, SCIC chính thức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng. “Đây là hoạt động đầu tư tăng vốn vào Vinaconex” - nguồn tin cho Pháp luật Việt Nam biết.
Trong khi đó, báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng của Vinaconex vào ngày 13/3/2012 cho thấy, DN này đã phát hành thành công hơn 141 triệu cổ phiếu trong tổng số 200 triệu cổ phiếu được phát hành trong kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 lên 5.000 tỷ của Vinaconex. Với hơn 141 triệu cổ phiếu được chào bán thành công, Vinaconex đã có thêm hơn 1.400 tỷ đồng.
Theo danh sách cổ đông lớn (đính kèm Báo cáo Kết quả chào bán 200 triệu cổ phiếu) sau khi phát hành cổ phiếu của Vinaconex, thì SCIC đã nâng mức tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại DN này lên đến 57,79%.
Một chuyên gia về kinh tế phân tích, với số tiền 1.000 tỷ đồng mà SCIC đầu tư tăng vốn nói trên, giả dụ nếu phải vay ngân hàng, thì với mức lãi suất hiện nay (khoảng 15%/năm, có ngân hàng cho vay với lãi suất ngoài 20%/năm), thì mỗi tháng Vinaconex phải trả lãi khoảng 12,5 tỷ đồng, tính cả năm lãi phải trả là 150 tỷ đồng.
Như vậy, nếu Vinaconex không phải trả số tiền lãi nói trên thì ở chiều ngược lại, nếu SCIC không đầu tư vào Vinaconex mà mang tiền đi gửi ngân hàng thì mỗi năm cũng đã thu lợi cho Nhà nước trên 100 tỷ đồng. Trong khi, mua cổ phần của Vinaconex trong thời điểm thị trường chứng khoán và bất động sản lao dốc, thì tính đến nay, phi vụ này cầm chắc không có lãi, nếu không muốn nói là lỗ.
Như chúng tôi đã thông tin, ngay sau khi báo đăng bạn đọc đã đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của việc đầu tư tăng vốn của SCIC vào Vinaconex. Trong thông báo việc phát hành thêm 200 triệu cổ phiếu, Vinaconex cho biết nhằm huy động vốn để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư thực hiện một số dự án bất động sản, đồng thời “tái cơ cấu nợ vay, cơ cấu nguồn vốn trung và dài hạn, tăng quy mô hoạt động cho Tổng Công ty”.
Trong khi đó, tình hình tài chính của Vinaconex cũng không mấy phần sáng sủa, với con số nợ nần ngân hàng được xác định lên đến cả nghìn tỷ đồng. Theo đó, báo cáo tài chính quý II và 6 tháng đầu năm 2012 của Vinaconex cho thấy, đơn vị này đang vay và nợ các ngân hàng hơn 1.112 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn khoảng 400 tỷ, còn nợ dài hạn đến hạn trả khoảng 712 tỷ đồng.
Theo tính toán, với giá cổ phiếu VCG hiện tại (20/8) là 10.700 đồng, thì SCIC đang “đọng vốn” khoảng 2.700 tỷ đồng tại Vinaconex.
Mơ hồ vai trò nhà đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước
Việc kiểm soát nguồn vốn nhà nước trong đầu tư vào các đơn vị đang dấy lên nhiều tranh luận. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, có thể xác định đầu tư công là một sản phẩm của cơ chế xin - cho, đều có lợi ích chung và lợi ích nhóm, có hiện tượng “đi có, về có, đi không, về không” và cũng có hiện tượng “gửi dự án”. Ông Doanh nói rằng, hệ quả là đầu tư công rất kém hiệu quả, thất thoát lên đến 20-30%.
Liên quan đến khoản đầu tư 1000 tỷ của SCIC vào Vinaconex, Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã có công văn gửi SCIC nhằm làm rõ những thắc mắc của bạn đọc đến quy trình đầu tư khoản tăng vốn nói trên. Tuy nhiên, đến nay, Báo Pháp luật Việt Nam vẫn chưa được phía SCIC hồi âm. |
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhìn nhận rằng, điều hiển nhiên là đầu tư của khu vực nhà nước không thể có hiệu quả kinh tế thuần túy cao như đầu tư của khu vực tư nhân, bởi vì trong nhiều trường hợp, mục đích của đầu tư công không phải nhằm vào lợi nhuận và hiệu quả kinh tế… Nhưng không phải vì vậy mà có thể biện minh cho việc đầu tư kém hiệu quả kéo dài của khu vực nhà nước do những nguyên nhân chủ quan như chiến lược kinh doanh và đầu tư sai lầm, quản lý kém, thiếu trách nhiệm, lãng phí, tham nhũng…
Hiện nay, đang có nhiều tranh luận về tính minh bạch của các khoản đầu tư đối với SCIC. Trong hội thảo “Đổi mới cơ chế chính sách tài chính hỗ trợ tái cơ cấu DN nhà nước” do Bộ Tài chính phối hợp với ADB tổ chức mới đây, một nội dung được Bộ Tài chính gợi ý các đại biểu tham gia ý kiến về thẩm quyền đầu tư vốn, trong đó có việc làm rõ vai trò của SCIC là gì?
Nếu như ở Singapore, Temasek (định chế tài chính của Chính phủ, tương tự như SCIC) được tách bạch khỏi nghĩa vụ đầu tư công ích và hoạt động với tôn chỉ kiếm tìm lợi nhuận, thì ở Việt Nam, tôn chỉ hoạt động của SCIC dường như lại chưa được quy định rõ ràng.
Từ một góc nhìn khác, câu chuyện đang diễn ra một lần nữa cho thấy tính cấp bách của việc làm rõ quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; cũng như tính cấp bách của việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.
Nhóm PV