Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Nhiều quy định cần luật hóa, cụ thể hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cần thiết bổ sung quy định nguyên tắc tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động dầu khí; luật hóa các chính sách tận thu mỏ dầu khí cũng như cân nhắc điều chỉnh quy định thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí… là những nội dung nổi bật khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).

Cân nhắc điều chỉnh thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí

Báo cáo trước Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và đã nhận được sự quan tâm thảo luận của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Giải trình về các vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị quy định những vấn đề đặc thù của Luật này để bảo đảm mục tiêu của Luật; khẳng định Luật Dầu khí là Luật chuyên ngành, nếu có Luật khác trái với Luật này thì áp dụng theo Luật này; Quy định rõ nội dung nào áp dụng Luật Dầu khí, nội dung nào áp dụng và nguyên tắc áp dụng đối với Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến theo hướng sẽ quy định rõ tại khoản 1 Điều 4 về các trường hợp cụ thể khi có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thì áp dụng Luật Dầu khí; Bổ sung quy định tại khoản 2 về luật khác ban hành sau ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực thi hành nếu quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện để thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí khác với quy định của Luật Dầu khí thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.

Về hợp đồng dầu khí, một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (nhà đầu tư dầu khí), ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí, kế thừa quy định của Luật Dầu khí hiện hành.

Luật hóa chính sách tận thu mỏ dầu khí

Theo ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù rủi ro cao do tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí. Do vậy, Đại biểu cho rằng các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ dầu khí khai thác tận thu thu nói riêng là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo Luật lần này.

Theo Đại biểu Hùng, thời điểm hiện nay, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã giảm hoặc hết hạn hợp đồng hoặc nhà thầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định cụ thể về hoạt động này nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Đại biểu Hùng cho rằng, đây chính là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Do đó, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác, tận thu mỏ dầu khí, thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, đối với việc khai thác các mỏ này, theo Đại biểu Hùng, cần có quy định thật cụ thể để luật hóa các chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu quy định chi tiết chính sách này.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) cũng thống nhất với đề xuất về việc bổ sung vào dự thảo quy định về chính sách đặc thù đối với khai thác tận thu dầu khí theo hướng doanh nghiệp khai thác được thực hiện tính toán trực tiếp chênh lệch thu - chi trong hoạt động khai thác, không phải nộp trước thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu dầu khí và sau khi hợp đồng này kết thúc, giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tiếp quản quản lý, sử dụng tài sản công là các tài sản, công trình dầu khí đã được lắp đặt, đầu tư và khai thác.

Quy định cụ thể điều tra cơ bản về dầu khí

Hoạt động dầu khí đóng góp rất quan trọng trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế đất nước, do vậy, Đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) nêu rõ, trong các quy định về hợp đồng lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí, chuyển nhượng hợp đồng dầu khí, thẩm định và phê duyệt các chương trình, báo cáo, kế hoạch tìm kiếm khai thác dầu khí cần bổ sung các cơ chế kiểm soát, đánh giá thận trọng hơn đối với tác động về quốc phòng, an ninh cho thật chặt chẽ.

Ngoài ra, Đại biểu Trần Thị Thu Phước cũng đề nghị cần bổ sung quy định nguyên tắc tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải tuân thủ quy định về quốc phòng, an ninh, an toàn sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo có quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân của Việt Nam và nước ngoài tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam; Kèm theo các điều kiện, quyền, nghĩa vụ của các cá nhân tham gia nhưng không có điều luật nào về quyền và nghĩa vụ của cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi tham gia vào điều tra cơ bản về dầu khí.

Do đó, Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị cần lưu ý cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi điều tra cơ bản về dầu khí ở những vùng địa chính trị quan trọng thì phải có điều kiện cụ thể hơn; Đồng thời phải có quyền và nghĩa vụ, đặc biệt là quyền của người nước ngoài để đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, cũng cần quy định cụ thể về việc điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí chỉ được tiến hành khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đọc thêm