Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực tuyến huyện, tuyến tỉnh

(PLVN) -  Giải trình một số vấn đề trong Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc chuyển từ bốn tuyến hành chính thành ba cấp chuyên môn nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực của các cấp huyện, tuyến huyện, tuyến tỉnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương, không phụ thuộc mô hình tổ chức hành chính của các cơ sở khám chữa bệnh.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 6/1.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ được tính toán đảm bảo an sinh xã hội

Tại cuộc họp, các đại biểu Quốc hội (ĐB) đã cho ý kiến về các nội dung như: Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn của giấy phép hành nghề; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (KCB); dinh dưỡng trong KCB; nguồn ngân sách nhà nước cho công tác KCB; tự chủ đối với cơ sở KCB của Nhà nước; xã hội hóa trong hoạt động KCB; giá dịch vụ KCB…

Về phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong KCB, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cho rằng, đây là vấn đề làm thay đổi toàn bộ hệ thống cơ sở KCB, đến cơ chế thanh quyết toán chi phí KCB, chuyển tuyến đối với ngành Y tế, trong khi lại quy định chưa rõ về vai trò, chức năng của từng cấp, chưa rõ về cách phân định trong hệ thống cơ sở KCB.

Theo ĐB Sang, việc quy định cụ thể là nhằm xác định các chuyên môn kỹ thuật tương ứng cũng như phương thức, cách thức kết nối của các cấp trong chuỗi cung ứng dịch vụ KCB. Việc phân cấp hệ thống cơ sở KCB cũng cần đặt trong quy hoạch tổng thể của ngành Y tế nhằm tránh tình trạng căn cứ theo năng lực cung cấp mà quá nhiều cơ sở y tế được xếp vào một cấp; đồng thời, phân cấp theo ba cấp thì việc thực hiện nhiệm vụ KCB tổng quát, KCB chuyên sâu vẫn chưa thể tháo gỡ những khó khăn, bất cập hiện hành; chưa giải quyết được tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên…

Với những lý do trên, ĐB Sang đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu và quy định thật cụ thể để khi triển khai thực hiện sẽ được dễ dàng hơn.

Về giá dịch vụ KCB, ĐB Dương Tấn Quân (đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nên hướng đến việc các đơn vị y tế phải tự chủ toàn bộ để các đơn vị KCB đảm bảo được hoạt động, có tích lũy để tái đầu tư và có lợi nhuận phát triển. Theo đó, giá bao gồm tích lũy để tái đầu tư và cho phép cơ sở KCB tự định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu trên cơ sở phương pháp định giá do Bộ Y tế quy định.

Ngoài ra, ĐB đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các hình thức tổ chức của cơ sở KCB, bao gồm trung tâm y tế, nhất là trung tâm y tế không có giường bệnh nội trú để cấp giấy phép hoạt động cho phù hợp với chức năng, tên gọi. Thực tế hiện nay, phòng khám, trung tâm y tế huyện có giường bệnh và phòng khám đa khoa có chức năng và phạm vi hoạt động tương đối khác nhau. Do đó, thời gian qua các đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm y tế trong các dịch vụ KCB.

Đáng chú ý, ĐBQH Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng, với số lượng lớn nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đề nghị cân nhắc việc thông qua Luật tại Kỳ họp lần này, vì “lượng chưa đủ chuyển thành chất”.

Theo đại biểu, tại lần trình này, nhiều chính sách đã được sửa đổi, bổ sung mới nhưng chưa có hồ sơ đánh giá tác động. Dự thảo cũng chưa rõ tính thống nhất khả thi của văn bản hướng dẫn chi tiết Luật, số điều khoản của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết đã tăng lên. Đến nay, dự thảo Luật sơ bộ có 40 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, chiếm hơn 33% điều luật, chưa kể nhiều điều luật giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế. Dự án Luật cũng liên quan đến nhiều luật khác nhưng chưa rõ tính tương thích, tính đồng bộ với các luật này…

Giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, trong đó có việc phân cấp chuyên môn kỹ thuật. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc chuyển từ bốn tuyến hành chính thành ba cấp chuyên môn là cụ thể hóa Nghị quyết 19, 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng lực của các cấp huyện, tuyến huyện, tuyến tỉnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương, không phụ thuộc mô hình tổ chức hành chính của các cơ sở KCB. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, cơ quan trình dự án Luật sẽ cụ thể hóa vấn đề cấp chuyên môn kỹ thuật, mối liên hệ giữa các cấp với nhau, ở mỗi cấp sẽ thực hiện nhiệm vụ nào.

Về giá dịch vụ KCB đã được quy định theo đúng quy định của Luật Giá 2012 và các nội dung của dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang được trình QH. Cụ thể, giá KCB sẽ quy định các yếu tố hình thành giá theo hướng tính đúng, tính đủ nhưng sẽ giao cho Chính phủ quy định lộ trình tính đúng, tính đủ. Theo Bộ trưởng, hiện mới tính 2/4 yếu tố là nhân công và chi phí trực tiếp, chưa tính chi phí khấu hao và quản lý trong giá thành nên tới đây sẽ tính toán bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, khả năng chi trả của bảo hiểm xã hội, của ngân sách và khả năng của người dân.

Bảo đảm tính khả thi của các mục tiêu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia

Sáng cùng ngày, QH tiến hành thảo luận tại Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo nhiều ĐB, QHTTQG được xây dựng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đồng thời đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc phấn đấu hoàn thành QHTTQG theo yêu cầu tiến độ tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 của QH…

Góp ý về định hướng sử dụng đất, ĐB Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) kiến nghị cần tập trung quản lý chặt chẽ ba loại đất ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh như đất ở, đất lúa, đất rừng và quản lý linh hoạt các loại đất khác. Nhưng trong báo cáo chưa nhắc đến đất là tư liệu sản xuất. Trong tất cả các nền kinh tế, đất đai phải là tư liệu sản xuất, vừa là nơi tạo ra việc làm, xây dựng các công xưởng, nhà máy và là nơi nuôi dưỡng nguồn thu. Do đó, cần nêu rõ định hướng, quan điểm sử dụng đất trong QHTTQG.

ĐB Nguyễn Đắc Vinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, kết cấu và bố cục chưa có sự đồng nhất, không có sự nhất quán và nguyên tắc chung. Đơn cử như vấn đề giáo dục và đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, có vùng đề cập đến và có vùng không đề cập; mỗi vùng lại có cách viết khác nhau…, thể hiện sự thiếu nhất quán, đồng nhất. Quy hoạch quốc gia là nền tảng cho các quy hoạch khác nên nền tảng càng tốt, càng vững chắc, chặt chẽ thì chất lượng các quy hoạch khác sẽ tốt hơn.

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần bổ sung thêm các đánh giá về ưu điểm, lợi thế của các điều kiện tự nhiên, khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, làm rõ hiện trạng mối quan hệ giữa QHTTQG, quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt, quy hoạch khác chưa được quyết định phê duyệt. Trong đó, quan trọng nhất là kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch này gắn liền với việc sửa đổi Luật Đất đai…

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các ĐB còn cho ý kiến về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm như kết quả thực hiện; bài học kinh nghiệm về xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách...

Đọc thêm