Một hành vi có thể bị xử phạt theo hai khung khác nhau
Tại điểm c khoản 2 Điều 5 Dự thảo, “đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng” là một trong các hình thức xử phạt bổ sung, nhưng các chuyên gia pháp luật cho rằng, quy định này cần xem xét lại để đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan. Bởi vì, theo quy định tại pháp luật về doanh nghiệp và các văn bản pháp luật chuyên ngành (quy định về điều kiện kinh doanh, giấy phép) thì vi phạm hành chính về thuế không thuộc các trường hợp doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Về xử phạt hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế quy định tại Điều 10 Dự thảo, khoản 1 Điều 10 quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi “ghi thiếu, ghi sai các chỉ tiêu trong hồ sơ thuế nhưng không liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế”. Trong khi đó, khoản 4 Điều 10 quy định phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với hành vi “kê khai không trung thực nội dung hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế”.
Theo cộng đồng doanh nghiệp trong ý kiến gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), “hồ sơ đăng ký thuế” là “hồ sơ thuế” (khoản 9 Điều 3 Luật Quản lý thuế), vì thế, hành vi “ghi thiếu, ghi sai các chỉ tiêu trong hồ sơ thuế” có thể trùng với hành vi “kê khai không trung thực nội dung hồ sơ đăng ký thuế”. Như vậy, hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 10 có sự chồng lấn và có thể được xử phạt hai khung phạt tiền khác nhau cho một hành vi.
Lo ngại về quy định chồng lấn cũng được bày tỏ khi cộng đồng doanh nghiệp góp ý về xử phạt hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (Điều 13). Điểm c khoản 1 Điều 13 Dự thảo xử phạt hành vi “từ chối, trì hoãn việc cung cấp hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ, sổ kế toán liên quan đến nghĩa vụ thuế quá thời hạn 06 giờ làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế mà không có lý do chính đáng” trong khung phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Còn điểm a khoản 2 Điều 13 Dự thảo xử phạt hành vi “không cung cấp số liệu, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu trong thời gian kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế” trong khung phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, hành vi “từ chối việc cung cấp hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ, sổ kế toán” cũng được xem là “không cung cấp số liệu, tài liệu, sổ kế toán”. Điểm a khoản 2 Điều 13 Dự thảo quy định cho cả hành vi thực hiện trong và ngoài thời hạn cơ quan nhà nước yêu cầu. Như vậy, hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 và điểm a khoản 2 trên là chồng lấn và sẽ xảy ra hiện tượng, một hành vi có thể sẽ bị xử phạt theo hai khung phạt tiền khác nhau.
Xử phạt vi phạm liên quan đến hóa đơn giấy sẽ không phù hợp
Hiện nay đang có ba Nghị định điều chỉnh về hóa đơn: Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ. Từ ngày 1/11/2020, sẽ chỉ còn lại Nghị định 119, hai Nghị định 51 và Nghị định 04 sẽ hết hiệu lực, có nghĩa kể từ thời điểm này sẽ chỉ có hóa đơn điện tử.
Như vậy, các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hóa đơn giấy hay các quy định tại Nghị định 51, Nghị định 04 sẽ không còn phù hợp kể từ ngày 01/11/2020, ví dụ: Xử phạt hành vi vi phạm quy định về đặt in hóa đơn (Điều 19); xử phạt hành vi vi phạm quy định về in hóa đơn đặt in (Điều 20).
“Để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại toàn bộ chương III Dự thảo và quy định thời hạn có hiệu lực của các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm liên quan đến hóa đơn giấy quy định tại Nghị định 51, Nghị định 04 tương ứng với thời hạn hiệu lực của hai Nghị định này, tức ngày 01/11/2020” – VCCI nêu trong văn bản gửi tới Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).
Còn về xử phạt hành vi vi phạm quy định về đặt in hóa đơn, Điều 19 Dự thảo quy định xử phạt đối với các hành vi: Đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản hoặc tổ chức nhận in hóa đơn tự in hóa đơn đặt in để sử dụng nhưng không có quyết định in hóa đơn của thủ trưởng đơn vị theo quy định (khoản 1); Không thanh lý hợp đồng in nếu quá thời hạn thanh lý hợp đồng quy định trong hợp đồng đặt in hóa đơn hoặc thời điểm kết thúc hợp đồng khi đã lập từ thông báo phát hành hóa đơn (điểm a khoản 3).
“Dự thảo quy định xử phạt đối với các hành vi trên dường như chưa phù hợp với tính chất của hành vi vi phạm hành chính, bởi đây là giao dịch dân sự giữa bên đặt và nhận in do pháp luật về dân sự điều chỉnh. Xét trong mối quan hệ quản lý nhà nước, các hành vi này không tác động đáng kể, vì bên đặt in và bên nhận in dù có ký hợp đồng bằng văn bản, lời nói, hay hình thức khác hay không cũng không thay đổi bản chất của giao dịch giữa hai bên, Nhà nước sẽ nắm được thông tin về số hóa đơn được in và phát hành dựa trên báo cáo của các chủ thể này” – VCCI nhận định. Vì thế, đơn vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp đề nghị bỏ các quy định trên.