Du xuân cùng áo dài xưa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vào dịp Tết Giáp Thìn 2024, mốt chụp “hoài cổ” gợi nhớ đến thập niên 90, thời bao cấp,... Giống như bài hát “Đón xuân này nhớ xuân xưa” đang được giới trẻ ưa chuộng...
Tình cảm thiêng liêng, trân trọng của người dân dành cho áo dài, cho thấy người trẻ rất yêu mến giá trị truyền thống. (Nguồn ảnh: VietNamnet).
Tình cảm thiêng liêng, trân trọng của người dân dành cho áo dài, cho thấy người trẻ rất yêu mến giá trị truyền thống. (Nguồn ảnh: VietNamnet).

Hơi thở đương đại từ tà áo dài

Nhà thơ Huy Cận xưa kia từng có đôi câu thơ miêu tả dáng vẻ yêu kiều, thướt tha của tà áo dài “Nắng thơ dệt sáng trên tà áo/Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài”. Nhắc đến áo dài là nói đến những nét đẹp truyền thống, xa xưa còn đọng lại. Hình ảnh áo dài cũng gắn liền với nón lá, quạt giấy, đài hoa sen rất gần gũi và thân quen, đặc biệt thích hợp vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Phải nói, áo dài đã gắn với chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Áo dài là biểu tượng cho nét đẹp đoan trang, dịu dàng, đằm thắm của người con gái Việt. Chẳng vậy, mà biết bao thi sĩ đã say mê ca tụng áo dài trong những tuyệt phẩm của mình.

Vào thời xưa, áo dài thường xuyên được mọi người sử dụng hơn bây giờ. Như trong chương trình truyền hình mang tên “Chị em chúng mình”, với chủ đề Áo dài, nghệ sĩ Lê Khanh chia sẻ thời xưa, mọi người sống chậm hơn, áo dài phù hợp trong đời sống thường nhật, mọi người biết cách để di chuyển, đi lại, làm việc trong khi vẫn mặc áo dài. Quả thực vậy, ở nhiều khu phố cổ tại Hà Nội ngày nay, các bà, các cụ vẫn nhắc đến hàng chục năm trước đây, khi đó, người phụ nữ Hà Nội là vậy, đi phố hay đi chợ, hễ ra đường là phải mặc áo dài, vấn khăn hoặc búi tóc. Ngày thường, họ mặc áo dài màu nâu, màu nhạt, vạt trước được buộc lại cho dễ di chuyển. Nhưng đến những dịp lễ, Tết thì phụ nữ Hà Nội thường diện những bộ áo dài đẹp nhất, tinh xảo nhất đi chúc Tết họ hàng, lễ chùa cầu may.

“Tục” diện áo dài chơi Xuân đã là cái nết ăn sâu vào máu thịt của người Việt Nam từ bao giờ mà không ai có thể nhớ được. Từ rất lâu rồi, trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, các mẹ, các chị mặc áo dài đi chùa, đi hái lộc, đi chúc Tết ông bà nội ngoại, bố mẹ hay chỉ đơn giản là dạo bước trên phố du xuân, chụp ảnh. Ngay cả những em nhỏ cũng luôn háo hức với áo dài như bao thứ đồ mới đắt tiền khác.

Tà áo dài trở thành một điểm nhấn không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt từ bao đời nay. (Nguồn ảnh: 1 phút Sài Gòn).

Tà áo dài trở thành một điểm nhấn không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt từ bao đời nay. (Nguồn ảnh: 1 phút Sài Gòn).

Theo thời gian, để phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại và thị hiếu của những người trẻ, áo dài đã có sự cách tân, thay đổi. Nếu như kiểu áo dài truyền thống thường có tà áo dài đến chấm gót chân, tay áo dài che hết cánh tay, tạo nên một cái nhìn tinh tế bao phủ toàn bộ cơ thể của người mặc từ vai đến cổ tay, thì áo dài cách tân bây giờ đa dạng phong cách, lai tạo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Từ tà áo dài được may bằng nhung, lụa, voan tơ tạo nên cảm giác mềm mại, dịu dàng. Cho đến chất liệu mới như taffeta và gấm tạo nên độ bóng, sang trọng cho những bộ áo dài.

Ngay đến phom dáng áo dài cũng được thay đổi nhiều mẫu mã, kích thước khác nhau, phù hợp nhiều thân hình, nhằm tôn lên nét đẹp hình thể của những người mặc. Từ chiếc áo dài bó nhẹ vào eo, cho đến áo dài suông, buông lơi phần eo che đi khuyết điểm của những “nàng thơ” có thân hình đầy đặn. Phần tay áo, có tay áo lỡ hờ hững cho đến đến áo tay bồng che phần bắp tay thô.

Họa tiết, màu sắc áo dài cách tân cũng đa dạng, phong phú hơn từ họa tiết hoa nhí cho tới họa tiết cầu kỳ phức tạp thêu cảnh phố cổ Hà Nội hoặc hoa văn truyền thống. Màu sắc có đủ cả bảng màu, từ những bộ chỉ mang màu sắc trơn theo bảng màu pastel (màu phấn, nhạt) như hồng nhạt, xanh nhạt, mỡ gà được trang trí phần cổ tinh tế. Có những bộ lại chọn tông màu nóng như cam sẫm, đỏ đô, đỏ rượu tôn lên nước da người Á Đông và phù hợp với không khí đón xuân của người Việt Nam.

Ra ngoài đường những ngày đầu năm mới 2024 có thể dễ dàng bắt gặp các cô gái, chàng trai đôi mươi diện áo dài cách tân đứng chụp ảnh bên bó hoa lay-ơn, hoa violet tím trong những địa điểm “chek-in” (chụp ảnh). Có lẽ, nhờ những bộ áo dài cách tân, mà giới trẻ “chăm chỉ” đến những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đặc trưng của Hà Nội, TP HCM để tìm cho được không khí cổ truyền phù hợp với bộ áo dài.

Vào dịp Tết Giáp Thìn 2024, mốt chụp “hoài cổ” gợi nhớ đến thập niên 90, thời bao cấp,... Giống như bài hát “Đón xuân này nhớ xuân xưa” đang được giới trẻ ưa chuộng. Các địa điểm như Bảo tàng áo dài (Hà Nội), Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), chợ Bến Thành (TP HCM), hội chợ, làng nghề truyền thống,... trở thành địa điểm tập trung đông đảo người trẻ chụp những bộ ảnh hoài cổ độc đáo. Việc tái hiện lại các khoảnh khắc trong quá khứ như một thông điệp rằng người trẻ luôn trân trọng những giá trị xưa cũ song song với việc tiếp thu, đổi mới để theo đuổi nhịp sống hiện đại.

Vẻ đẹp xuân sắc truyền thống

Vào những ngày đầu năm mới, chưa bao giờ sắc xuân lại tràn ngập trên đường phố Việt Nam như vậy, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tà áo dài đủ màu sắc, họa tiết, kiểu dáng giống như hàng trăm chú bướm, hàng nghìn cánh hoa đang nở rộ. Từ phố đi bộ Tràng Tiền, phố đi bộ Nguyễn Huệ cho đến di tích lịch sử như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Gươm, dinh Độc Lập, tới đền chùa, miếu, thấy mọi người mặc áo dài. Hình ảnh tà áo dài hiện đại đang được xuất hiện liên tục ở cả thế giới ảo và thế giới thực.

Áo dài cách tân được nhiều người trẻ lựa chọn để đi du xuân đầu năm.

Áo dài cách tân được nhiều người trẻ lựa chọn để đi du xuân đầu năm.

Hiện nay, những chiếc áo dài cách tân ngày càng được lòng mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh tà áo dài truyền thống, những mẫu mã mới, đa dạng phong phú của áo dài cách tân đã và đang phù hợp với sự phát triển thời đại. Đặc biệt, những mong muốn được sáng tạo, trải nghiệm cái mới lạ, độc đáo của người trẻ.

Giáo sư Thái Kim Lan từng nhận định, người trẻ hiện nay rất khác so với thế hệ xưa. Đối với giới trẻ, áo dài không chỉ là bản sắc dân tộc, mà còn hướng tới thời trang, cái đẹp. Giáo sư cũng nhấn mạnh sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong tà áo dài cách tân của người trẻ. Bà cho rằng, người trẻ có sự tự do, phá cách của riêng họ. Mỗi người khi đến với thời trang phải có cảm giác, thẩm mỹ của riêng mình thì mới đồng hóa với trang phục mình đang mang.

Thực tế, áo dài cách tân không chỉ là những trang phục thời trang của người trẻ, mà còn trở thành một “cảm hứng” tạo nên những bộ ảnh đẹp, ý nghĩa, lưu giữ giá trị truyền thống. Để đón Tết, mừng Xuân, hàng loạt các studio chụp ảnh chuẩn bị những phông, bạt trang trí theo phong cách Tết thời bao cấp, thập niên 80, 90 hay những phòng chụp với dây bánh chưng, bánh tét giả,... Không chỉ vậy, những địa điểm văn hóa, lịch sử, hồ Gươm, phố Tràng Tiền, bảo tàng, làng nghề cũng được mọi người tìm về chụp bộ ảnh lưu giữ lại khoảnh khắc ngày Tết. Đây vừa là một dịp để quảng bá du lịch, đồng thời cũng giúp cho mọi người rút ngắn khoảng cách với truyền thống văn hóa của người Việt.

Chính vì vậy, một cách tự nhiên, trong vài năm trở lại đây, áo dài cách tân đã xuất hiện thường xuyên trong đời sống của người trẻ. Đặc biệt, trong những dịp quan trọng như Tết Nguyên Đán, áo dài được người trẻ lựa chọn như một nét đẹp không thể thiếu.

“Thấy áo dài là thấy Tết!” đang là một câu nói quen thuộc vào mỗi mùa xuân. Áo dài như mang Tết đến với người dân. Bởi lẽ, bây giờ Tết không chỉ vài ngày mà kéo dài cả mùa. Điều kiện kinh tế tốt hơn, đời sống khá giả, mọi người cũng chơi Tết dài hơn. Một vài hành động nhỏ như việc mặc áo dài của mọi người, cũng mang ý nghĩa to lớn, góp phần giữ gìn, lan tỏa giá trị văn hoá của áo dài và hình ảnh Việt Nam đến nhiều bạn bè quốc tế biết đến hơn.

Điều này khẳng định áo dài vẫn giữ một vị trí rất quan trọng trong dòng chảy lịch sử: “Đánh thức” và tôn vinh giá trị văn hóa Việt. Bên cạnh đó, mặc áo dài Tết còn là sự thể hiện niềm tự hào dành cho văn hóa và thẩm mỹ của người Việt. Từ truyền thống đến cách tân, chiếc áo dài xuất hiện khắp mọi nơi, trở thành một phần không thể thiếu của ngày xuân trong thời hiện đại, góp phần làm nên không khí trọn vẹn ngày đầu năm mới.

Tuy nhiên, người trẻ cần phải cẩn trọng khi lựa chọn áo dài cách tân phù hợp với địa điểm du xuân, để tránh phải những “tai nạn”. Ví dụ, khi đi đến các địa điểm tâm linh, chùa chiền, không nên sử dụng mẫu áo dài có vùng vai, lưng, tay hở và ống quần quá ngắn, để thể hiện phép tôn trọng lịch sự. Hay đến các di tích lịch sử, người mặc cần phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn các mẫu áo dài cách tân.

Đặc biệt, trên thị trường những ngày đầu năm mới, có rất nhiều mẫu mã áo dài cách tân khác nhau. Nhưng người mặc cần phải cân bằng giữa sự phá cách trong thời trang và vẻ đẹp truyền thống. Tránh những bộ trang phục hở ngực, có đường cắt xẻ táo bạo, dùng loại vải quá mỏng, phần chân áo dài cắt xẻ quá ngắn. Bởi cách tân là tạo ra một xu hướng mới mẻ trên cơ sở các giá trị cũ, đồng thời mang lại giá trị tích cực về văn hóa. Mặc dù áo dài cách tân không nhất thiết dựa hoàn toàn giá trị truyền thống, nhưng phải tìm ra được yếu tố cốt lõi về tinh thần dân tộc, qua đó kết hợp với những âm hưởng của thời đại hiện nay.

Để diện áo dài cách tân nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp lịch sự, thanh tao, người mặc cần lưu ý chọn lựa bộ trang phục vừa vặn với sở thích cá nhân và thuần phong mỹ tục của người Việt.

Đọc thêm