Tết, với nhiều người là thời gian để về nhà sum vầy với gia đình, cùng nhau ngồi lại ăn bữa cơm đoàn viên, đón khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng nhất của năm mới. Nhất là với những người xa quê, ai cũng đều muốn trở về đoàn viên cùng gia đình trong dịp đặc biệt này. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, không ít người gần đây có sự thay đổi về cách đón Tết. Họ cho rằng, Tết là thời gian thư giãn và du lịch khám phá văn hóa, không khí đón Tết ở những vùng đất mới.
Tận hưởng không khí đón Tết ở quê nhà
Tết Nguyên Đán là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây, thể hiện sự gắn kết trong gia đình, gia tộc và cộng đồng, là dịp để những người con trở về nhà sum họp với gia đình. Dù cho những chuyến tàu, chuyến xe ngày Tết có đông đúc, chen chúc, vất vả như thế nào, dù cho khoảng cách có xa xôi Nam - Bắc đến hàng ngàn cây số, thậm chí là ở những đất nước cách cả nửa vòng trái đất, những người con đất Việt vẫn luôn có một ước mong trở về sum họp bên những người thân yêu nhất của mình vào dịp Tết Nguyên Đán. Đối với bậc sinh thành, thấy con cái trở về trong ngày Tết là món quà vô giá và ý nghĩa nhất.
“Đặt vé chưa con? Quên quên vài bữa đến Tết không khéo sát ngày khó mua!”. Những câu hỏi, dặn dò ân cần của nhiều cha mẹ đều vang lên mỗi dịp cận Tết. Đó là sự mong đợi những đứa con thân yêu xa nhà một năm qua có thể về nhà sớm dịp Tết, để cùng nhau đi mua vài chậu hoa chưng Tết, quây quần trong bữa cơm Tất niên. Các con về, nhà có đủ người thì mới thấy Tết về!
Không ít người xa quê, họ chuẩn bị kế hoạch đặt mua vé tàu, vé máy bay từ rất sớm để kịp về quê đón Tết. Có nhiều người háo hức dành những ngày phép để về quê đúng ngày ông Công, ông Táo cùng ông bà, cha mẹ sống trong không khí chuẩn bị Tết.
Anh Hoàng Văn Châu (Phú Thọ), 32 tuổi tâm sự: “Tôi rất mong được về quê đón Tết và rất thích không khí chuẩn bị Tết của gia đình. Suốt một năm, tôi và vợ làm việc chăm chỉ và để dành ngày phép để được về quê sớm. Tôi luôn đếm ngược thời gian từng ngày để về quê đón Tết. Những ngày giáp Tết, cha mẹ cũng gọi điện liên tục hỏi bao giờ mới về làm tôi càng háo hức hơn nữa”.
“Về quê, vợ tôi cùng mẹ sửa soạn lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, dưa hành, bánh mứt và gói bánh chưng. Còn tôi thích cảm giác được ngồi bên nồi bánh chưng, bếp củi đượm lửa hồng. Tôi nướng khoai, bắp ngô nướng vùi vào bếp than hồng kể cho các con nhỏ của tôi về sự tích cây nêu, truyền thuyết bánh chưng. Tôi cũng giúp bố sửa sang lại mái nhà, trang trí cây đào, quất. Bọn trẻ ríu rít chạy quanh sân hát ca vui nhộn quanh ông bà. Mùi lá mùi tỏa hương thơm ngát. Nhưng có lẽ, thiêng liêng ý nghĩa nhất không chỉ với tôi mà còn là của rất nhiều người, đó là bữa cơm tất niên và đón chào thời khắc giao thừa”, anh Châu chia sẻ.
Bữa cơm tất niên chiều 30 Tết, cũng là bữa cơm đoàn viên, là sợi dây gắn tình đoàn kết, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Đây là dịp để mọi người trong nhà được bày tỏ những nỗi niềm còn trăn trở, là lúc con cái thể hiện tấm lòng hiếu thảo tới đấng sinh thành. Có lẽ đây cũng là khoảng thời gian ấm áp nhất, mọi thành viên cùng đắm mình vào cảm xúc yêu thương, của tình thân trọn vẹn. Những câu chuyện từ thuở ấu thơ với bầu trời kỷ niệm hay những vấp ngã, thành đạt trong năm qua và những ước mơ vào năm mới được những người con sẻ chia với sự chân thành. Ông bà được đón các con, cháu cùng quây quần bên mâm cơm trào dâng niềm hạnh phúc. Đối với những bậc làm cha mẹ, còn gì hạnh phúc hơn khi thấy con cái trưởng thành, hiếu nghĩa và hiểu chuyện.
Trong tâm thức mỗi người, thời khắc giao thừa dường như ẩn chứa một sức mạnh tinh thần mà khi trải qua thời khắc đó, người ta đều tin rằng có điều gì vừa đổi thay, mới mẻ hơn. Khi trời đất, vạn vật bước vào một “tiết” mới, dường như con người cũng đang đứng trước vận hội mới.
Bước sang ngày đầu xuân, có lẽ với mỗi người dân Việt Nam đều nhớ tới câu: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Mùng 4, mùng 5, các gia đình cùng nhau đi viếng chùa, đi lễ hội làng…
Vừa đón Tết cổ truyền, vừa kết hợp du xuân
Trải nghiệm du xuân tại Hàn Quốc. (Ảnh minh họa. Nguồn: Intertour) |
Những năm gần đây, cuộc sống hiện đại, không ít người có sự thay đổi về cách đón Tết cổ truyền. Đối với họ, Tết là thời gian thư giãn và du lịch khám phá đón Tết ở những vùng đất mới. Họ đang dần thay đổi văn hóa đón Tết truyền thống.
Nhiều người đã dành thời gian từ 28 Tết đến ngày mùng 1 Tết âm lịch ở nhà đón Tết cùng gia đình. Còn lại, họ dành thời gian đi du lịch trong hoặc ngoài nước. Chị Thu Vân (Hà Nội), 28 tuổi chia sẻ: “Nếu dành cả 7 - 10 ngày chỉ loanh quanh ở nhà thì rất lãng phí thời gian. Tôi muốn tận hưởng, khám phá những điều tốt đẹp xung quanh”. Theo chị Thu Vân, chị cùng 5 gia đình lên kế hoạch để đi du lịch vùng Tây Bắc vào chiều ngày mùng 1 Tết, sau khi chị đã đón giao thừa và thắp hương tổ tiên, ông bà.
Cũng như chị Thu Vân, không ít người muốn tận dụng kì nghỉ Tết Nguyên Đán để tận hưởng niềm đam mê du lịch, khám phá vùng đất mới. Vui Tết cùng bạn bè cũng có thú vui riêng. Mọi người cùng khám phá, hòa cùng đón Tết đầy sắc màu của 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S.
Có người đề ra mỗi năm đi miền đất mới, hiểu biết một dân tộc mới. Anh Thái Văn Thắng (Nghệ An) nhẩm tính: “Việt Nam có 63 tỉnh, thành với 54 dân tộc anh em. Nếu mỗi năm tôi khám phá Tết tại một tỉnh, thành thì hết 63 năm. Giờ 25 tuổi, hy vọng, 88 tuổi tôi vẫn còn khỏe chân, mạnh tay để đón Tết đủ ở khắp Tổ quốc Việt Nam”.
Khoảnh khắc hạnh phúc và xúc động khi bố mẹ đón con trở về nhà đón Tết Nguyên Đán. (Ảnh trong MV Đi để trở về) |
Nhiều người để dành những ngày nghỉ phép để dịp Tết đi du lịch nước ngoài dài ngày cùng gia đình. Anh Xuân Thành (Nam Định), 43 tuổi đã đặt tour du lịch Hàn Quốc 7 ngày để mời bố mẹ cùng đi. “Tôi biết ở “xứ sở Kim Chi” cũng đón Tết cổ truyền như ở Việt Nam. Chiều ngày 1 mùng Tết, gia đình tôi gồm: bố mẹ, vợ chồng tôi và hai con sẽ cùng đi du lịch, trải nghiệm nền văn hóa, ẩm thực ở nước ngoài. Bố mẹ tôi vô cùng háo hức, sẵn sàng sức khỏe để khám phá miền đất mới. Vậy là vẫn có một cái Tết sum vầy, cả nhà bên nhau. Tôi thấy hạnh phúc khi bố mẹ tôi đã thay đổi suy nghĩ chỉ quanh quẩn vào những ngày Tết cổ truyền”.
Không chỉ giới trẻ mà cả những người cao tuổi ngày càng muốn được đi du lịch những ngày Tết. Đi du lịch cùng gia đình nhiều thế hệ còn là dịp để các thành viên hiểu nhau và gắn kết hơn. Nhiều người chọn đón Tết ở nhà 1 - 2 ngày đầu năm mới rồi khởi hành du xuân. Họ vừa đón Tết cổ truyền đúng nghĩa, vừa không bỏ qua cơ hội được khám phá các địa danh du lịch trong dịp năm mới với một tâm thế đầy an nhiên và hứng khởi.
Một mùa xuân mới đang về…
Nam ca sĩ 9X Soobin Hoàng Sơn với các bản hit “Đi để trở về” thu hút hơn trăm triệu lượt xem đã chia sẻ: “Dù người trẻ có rất nhiều chuyến đi để có thêm nhiều trải nghiệm, nhưng điều kỳ diệu là trong muôn vàn những chuyến đi, luôn có một chuyến đi đặc biệt nhất, cảm xúc nhất và luôn là chuyến đi được mong đợi nhất vào dịp cuối năm, đó là chuyến đi… để trở về. Trở về nhà, trở về kể với gia đình những hành trình, trải nghiệm kỉ niệm buồn lẫn vui đã từng trải qua! Càng đi xa, càng đi nhiều thì chuyến đi về nhà càng đong đầy cảm xúc. Đi thật xa để bản thân trưởng thành hơn, hiểu đời hơn để rồi biết trở về yêu thương, trân trọng giá trị tình thân, gia đình. Đi thật xa để trở về và đóng góp, sống tích cực hơn. Trong tim giới trẻ vẫn là tình yêu dành cho gia đình”.
Trái tim khao khát khám phá cuộc sống thế giới bên ngoài của giới trẻ để rồi nhận ra gia đình là nơi bình yên nhất. Cho dù đi bao xa, giới trẻ vẫn mong mỏi trở về nhà. Có lẽ, đó là sự da diết, mở ra tầng nghĩa mới khi “nhà” là quê hương nguồn cội của thế hệ 9X.