Đưa dịch vụ y tế kỹ thuật cao ra biển đảo

Nhằm tạo sự công bằng trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao của người lao động, quân và dân đang công tác, làm ăn, sinh sống trên biển, đảo; giúp người dân yên tâm bám trụ ở những khu vực này, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện Đề án “Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020”.

Nhằm tạo sự công bằng trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao của người lao động, quân và dân đang công tác, làm ăn, sinh sống trên biển, đảo; giúp người dân yên tâm bám trụ ở những khu vực này, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện Đề án “Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020”.

Mô hình bệnh tật đa dạng, phức tạp
Vùng biển, đảo và ven biển nước ta có dân cư tập trung khá đông, nguồn nhân lực dồi dào; nghề nghiệp của người dân trên biển thì đa dạng; sự phân chia về hành chính cũng có sự khác biệt so với ở đất liền. Không chỉ có vậy, những yếu tố phức tạp về địa lý, khí hậu, thời tiết, tài nguyên nước đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, sức khỏe của dân và quân hiện sinh sống, làm việc tại các khu vực này. 
Hình minh họa
Hình minh họa
Cụ thể, theo kết quả điều tra năm 2010 của Bộ Y tế thì, tỷ lệ các thành viên trong một gia đình trên các huyện đảo có ít nhất một bệnh chiếm tỷ lệ 70,5%. Các bệnh được phát hiện thường liên quan tới nghề nghiệp đặc thù của vùng biển, đảo và thường gặp ở những người dân đánh bắt hải sản xa bờ, dân làm nghề lặn khai thác hải sản, thủy thủ tàu vận tải, người lao động trên các dàn khoan, dân nuôi trồng hải sản ven bờ…
Các nghiên cứu do Viện Y học biển tiến hành trong 10 năm qua về đặc điểm sức khỏe và cơ cấu bệnh tật của thuyền viên, người làm nghề cá cả mặt nước và lặn, kết quả cho thấy: Có nhiều sự khác biệt về cơ cấu bệnh tật và bệnh thường mang tính đặc thù của nghề nghiệp biển như hội chứng rối loạn chuyển hóa (từ 60-80%), bệnh tim mạch, bệnh rối loạn hành vi và tâm thần, rối loạn thần kinh chức năng… có tỷ lệ mắc cũng khá cao.
Đặc biệt là các tai nạn do lặn biển của nhóm ngư dân đánh bắt bằng nghề lặn biển; tai nạn đụng giập và bệnh liên quan tới rung, ồn ở nhóm thuyền viên gây suy giảm chức năng nghe với tỷ lệ 10,2%. Bên cạnh đó, các thủy thủ, ngư dân mắc bệnh răng miệng chiếm 37,1% - 48,2%), cao hơn rất nhiều so với nhóm lao động trên đất liền.
Trong nhóm dân đánh bắt hải sản xa bờ, một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch của họ là 33,5%; tiêu hóa (35,1%); bệnh hệ xương khớp (36,1%); viêm đường hô hấp trên (13,4%); giảm thị lực (24,2%)…, cũng luôn cao hơn so với tỷ lệ mắc các bệnh này ở nhóm dân sống trong đất liền. Ngoài ra, nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp liên quan tới rung, bụi và tiếng ồn, chấn thương, đụng giập, cháy nổ… của nhóm lao động trong ngành dầu khí cũng đã lên đến mức báo động.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Y tế, phần lớn các trường hợp cấp cứu từ biển, đảo khi chuyển về đất liền thường không kịp thời, ở giai đoạn muộn của bệnh hoặc đã trong tình trạng nặng do chẩn đoán và vận chuyển không kịp thời.
Mạng lưới y tế không đáp ứng
Về mạng lưới y tế địa phương, theo báo cáo của Bộ Y tế, các huyện đảo có tổ chức y tế không giống nhau. Có huyện thành lập Phòng y tế huyện, Bệnh viện đa khoa huyện và Trung tâm y tế huyện (Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Phú Quốc…); có huyện có Phòng y tế huyện và Trung tâm y tế (Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Côn Đảo).
Theo số liệu điều tra năm 2012 của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy: Về cơ sở vật chất chỉ có 33,6% Trung tâm y tế huyện được xây mới, 31.1% chưa có cơ sở riêng; 35,3% cần xây mới, nhiều trạm y tế bị xuống cấp nhanh. Nguồn nhân lực y tế cũng gặp rất nhiều khó khăn (cán bộ có trình độ thì chuyển lên tuyến trên hoặc bỏ việc để đến địa phương khác; chỉ có 46,7% trạm y tế xã đảo có bác sỹ; còn thiếu khoảng 1.563 bác sỹ, 265 dược sỹ đại học…
Bên cạnh mạng lưới y tế địa phương, hệ thống quân dân y cũng cơ bản bao phủ toàn bộ tuyến đảo tổ chức khác nhau như bệnh xá, đội điều trị, phòng khám, tổ quân y…; mạng lưới y tế Bộ, ngành (Bộ NN & PTNT; Giao thông Vận tải…) cũng tham gia vào hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các vùng biển, đảo.
Tuy nhiên, cũng không phủ sóng hết được tất cả các khu vực vì rất nhiều lý do; việc triển khai thực hiện hoạt động kết hợp quân dân y thì tồn tại nhiều bất cập và hạn chế nên chưa phát huy hiệu quả. Thực trạng trên dẫn đến việc tỷ lệ người dân tiếp cận với điều kiện sống hợp vệ sinh còn thấp; việc triển khai các chương trình quốc gia, truyền thông, mạng lưới an toàn lao động, phòng chống tai nạn thương tích… cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, nhu cầu tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh, thậm chí dịch vụ y tế kỹ thuật cao; trợ giúp tư vấn chuyên môn cho ngư dân đang lao động trên biển; kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe, dự phòng bệnh tật khi đi biển dài ngày… của người dân là vô cùng lớn. Đấy là chưa kể đến những hạn chế của bộ phận Dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; hệ thống vận chuyển cấp cứu…
Củng cố và phát triển toàn diện hệ thống y tế biển, đảo
Trước nhu cầu bức xúc này, TS. Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành (Bộ Quốc phòng; Kế hoạch Đầu tư, Tài chính…) xây dựng và hoàn thiện Đề án “Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020” với các mục tiêu rất cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức mạng lưới vận chuyển, cấp cứu; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho y tế biển, đảo; phát triển mạng lưới khám chữa bệnh cho dân và quân ở các khu vực này. 
Cùng với đó, TS. Long cho hay, các Bộ, ngành cũng thống nhất đề xuất ban hành các tiêu chuẩn quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ y tế biển, đảo; xây dựng chính sách về tài chính, đầu tư cho y tế phù hợp với đặc thù của vùng biển, đảo; tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân vùng biển, đảo…
Đ.T 

Đọc thêm