Pháp nhân sẽ phải chịu trách nhiệm Hình sự?

(PLO) - Tại phiên họp QH chiều nay, Chính phủ đã đề xuất bổ sung trách nhiệm pháp nhân vào dự thảo Bộ luật Hình sự  (sửa đổi). Đề nghị được thể hiện trong tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước QH.
Kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII
Kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII

Thực tế trong những năm qua đã xảy ra những vụ việc do pháp nhân thực hiện gây hậu quả hết sức nghiêm trọng như các vụ việc của Công ty Vedan (Đồng Nai), Công ty Nicotex (Thanh Hóa), làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Việc áp dụng các chế tài hành chính, dân sự không đủ sức răn đe sự vi phạm nên cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn sự vi phạm này. 

Bên cạnh đó, theo mô hình doanh nghiệp hiện nay, nhiều quyết định quan trọng của pháp nhân là doanh nghiệp do tập thể thông qua (Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội cổ đông). 
Vì vậy, nếu trong trường hợp này chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thì sẽ không công bằng. Hơn nữa, có trường hợp khó xác định được cụ thể người phải chịu trách nhiệm chính để xử lý hình sự. Ngoài ra, trên thực tế cũng đã có trường hợp cá nhân lợi dụng danh nghĩa tập thể để thực hiện hành vi phạm tội nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Có một số khoảng trống trong việc xử lý vi phạm của pháp nhân, nhất là trong lĩnh vực tham nhũng, rửa tiền, buôn bán người, khủng bố, tài trợ khủng bố.... thể hiện ở chỗ đối với cá nhân có hành vi vi phạm này thì bị xử lý Hình sự, trong khi đó nếu pháp nhân cũng thực hiện các hành vi này, thậm chí là ở quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn thì không xử lý được kể cả Hình sự lẫn hành chính. Đây là bất cập cần được khắc phục và điều này cũng góp phần thực thi điều ước có liên quan mà nước ta là thành viên.

Hơn nữa, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, nếu ta chỉ áp dụng cơ chế xử phạt hành chính đối với pháp nhân vi phạm thì sẽ có sự bất công là cùng hành vi vi phạm nghiêm trọng tương tự nhau mà doanh nghiệp nước ta hoạt động ở nước ngoài thì bị xử lý Hình sự theo pháp luật của nước sở tại (nhất là ở 06 nước ASEAN có quy định xử phạt Hình sự pháp nhân), còn đối với doanh nghiệp hoạt động ở nước ta (kể cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn doanh nghiệp nước ngoài) thì chỉ bị xử phạt Hành chính.

Vì vậy, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, “Chính phủ thấy rằng, trong thời điểm hiện nay, việc quy định trách nhiệm Hình sự của pháp nhân là phù hợp”. 
Do đó, Dự thảo Bộ luật bổ sung Chương XI. “Những quy định đối với pháp nhân là các tổ chức kinh tế phạm tội” với một hệ thống các chế tài tương đối đa dạng và nghiêm khắc hơn các chế tài xử phạt hành chính nhằm xử lý nghiêm và ngăn ngừa khả năng pháp nhân tái phạm./.

Đọc thêm