Đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống

(PLO) - Với hàng chục tỷ đồng tiết kiệm được chỉ trong một năm cho thấy, hóa đơn điện tử (HĐĐT) đang tạo ra cú hích lớn trong cải cách hành chính thuế, cải thiện môi trường kinh doanh và lành mạnh hóa nền tài chính nước nhà. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, việc chuyển đổi từ hóa đơn (HĐ) giấy sang HĐĐT vẫn chưa gặt hái nhiều thành công như mong đợi và phía trước vẫn còn nhiều thách thức…
Hình minh họa

Để thực hiện HĐĐT, doanh nghiệp (DN) chỉ cần có máy tính và nối mạng internet, chi phí cho việc thực hiện HĐĐT cũng rẻ hơn rất nhiều, giảm từ 50-70% so với HĐ giấy và trong xu thế thương mại điện tử hiện nay; khi người dân đã dần quen với công nghệ thanh toán điện tử thì việc sử dụng HĐĐT là xu thế tất yếu…

Nhiều DN lớn tiên phong triển khai 

Để triển khai việc thực hiện HĐĐT, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành hàng loạt “cây gậy” pháp lý quan trọng như Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 về HĐ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 hướng dẫn việc khởi tạo, phát hành và sử dụng HĐĐT bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ; đồng thời giao Tổng cục Thuế lựa chọn một số DN lớn thí điểm HĐĐT. 

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, đến nay, các DN thí điểm đều đã triển khai thành công, được khách hàng chấp thuận. Trong số này có thể kể đến là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nếu như năm 2012, Tập đoàn này mới chỉ triển khai HĐĐT ở Công ty Điện lực Sài Gòn cho trên 90.000 khách hàng, thì đến nay EVN đã triển khai cho toàn bộ khách hàng trên cả nước.

Tương tự, VNPT cũng đã thực hiện thành công HĐĐT với tất cả dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin cho khách hàng, đồng thời đã chính thức triển khai áp dụng HĐĐT cho tất cả các VNPT tỉnh, thành và các đơn vị thành viên trong công tác bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên toàn quốc. Hay TCty Hàng không Việt Nam (VNA) đã mở rộng sử dụng vé điện tử trên toàn hệ thống trong hoạt động vận chuyển hành khách và một số dịch vụ bổ trợ gắn liền với vận chuyển hàng không (EMD), dịch vụ hàng không kết hợp dịch vụ mặt đất (VNA holidays).

Cty Vận tải đường sắt  Gài Gòn, Hà Nội cũng bắt đầu thực hiện sử dụng HĐĐT đối với dịch vụ vận chuyển hành khách từ tháng 9/2015 và bước đầu hệ thống đã vận hành ổn định, đem lại tiện ích cho khách hàng mua vé và công tác quản lý của TCty.

Ngoài những DN trên, nhiều DN khác cũng đang triển khai áp dụng HĐĐT như: Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước, Cty Thế giới di động, CTCP bán lẻ FPT, Ngân hàng Phương Đông, Cty Cáp treo Bà Nà...

Như vậy, có thể thấy, dù HĐĐT còn khá mới ở Việt Nam, song đã và đang được nhiều DN đồng tình ủng hộ, do không chỉ đem lại những lợi ích thiết thực cho DN, giúp ngành Thuế đẩy mạnh cải cách, mà còn là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay với tính năng minh bạch và tiện ích của dịch vụ này.

Tăng minh bạch, giảm nạn mua bán hoá đơn…

Ông Bùi Quốc Hoan - Ban kinh doanh EVN cho biết, việc thực hiện thanh toán tiền điện bằng HĐĐT không làm thay đổi hay gặp trở ngại gì so với HĐ giấy. Ngược lại, khi sử dụng HĐĐT có nhiều lợi ích cho cả DN và khách hàng như: tiết kiệm thời gian cho DN trong việc in, phát hành, gửi và lưu trữ HĐ, đồng thời giảm chi phí hành chính do dữ liệu từ HĐĐT được tự động chuyển thẳng vào hệ thống thanh toán và kế toán của đơn vị, nên việc kê khai thuế thuận lợi hơn.

Đối với các hộ gia đình, khi sử dụng HĐĐT sẽ không phải quản lý hóa đơn giấy hàng tháng, tránh việc mất mát, công sức tìm kiếm và bảo quản hóa đơn. Qua ý kiến phản hồi của khách hàng, đa số đều đồng tình ủng hộ. 

Phó Giám đốc Ban khách hàng tổ chức DN của VNPT  Đinh Đức Thụ chia sẻ, việc sử dụng HĐĐT không chỉ giúp tăng tính minh bạch, giảm thiểu tình trạng mua bán HĐ trôi nổi, HĐ giả trên thị trường mà còn đảm bảo lợi ích của cả các bên. Đối với cơ quan thuế, HĐĐT là biện pháp khả thi để quản lý hoạt động thuế. Đối với DN, HĐĐT sẽ có lợi về kinh tế như giảm 50 -70% cho phí so với in ấn HĐ, giảm chi phí nhân lực, thời gian phát hành HĐ, không mất chi phí lưu trữ, bảo quản và dễ dàng tra cứu.

Không chỉ DN mà người dân cảm nhận được lợi ích của HĐĐT. Chị Nguyễn Kim Khánh (Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trước đây, chị khá đau đầu trong việc bảo quản và theo dõi HĐ tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh. Mỗi khi nhận được HĐ tiền điện, chị thường phải đọc rất kỹ các chỉ số mới, chỉ số cũ, hệ số nhân, điện năng tiêu thụ, so sánh chỉ số này với những chỉ số tháng trước. Nhưng nay với HĐĐT khách hàng rất thuận tiện trong việc kiểm tra, đối chiếu do toàn bộ HĐĐT của khách hàng được đăng tải lên trang website của Cty. Mặc dù vậy, vẫn có những ý kiến còn tỏ ra e ngại, nhất là đối với người không sử dụng mạng internet thì đây có thể là một trở ngại.  

Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai HĐĐT trên diện rộng, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc tuyên truyền, đầu tư máy móc, trang thiết bị, nâng cấp hệ thống đường truyền internet; hợp tác chặt chẽ với các hãng cung cấp giải pháp phần mềm để hoàn thiện ứng dụng; cơ quan thuế cũng cần bổ sung những quy định chi tiết cho việc triển khai HĐĐT như quy trình thủ tục tham gia truyền, nhập dữ liệu; xuất, hủy HĐ…

(Còn tiếp)

Đọc thêm