“Quán triệt sâu sắc, tích cực thể chế hóa để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống”

 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thảo luận, thông qua nhiều quyết sách quan trọng, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong những năm tiếp theo. PV PLVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư pháp về những giải pháp cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, của ngành Tư pháp trong thời gian tới...

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thảo luận, thông qua nhiều quyết sách quan trọng, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong những năm tiếp theo.

Nhân Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư pháp về những giải pháp cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, của ngành Tư pháp trong thời gian tới.

Cụ thể hóa Nghị quyết vào nhiệm vụ chuyên môn

Văn kiện Đại hội Đảng XI đã chỉ ra những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản, lâu dài trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Xin Thứ trưởng cho biết Đảng ủy Bộ Tư pháp đã và sẽ làm gì để triển khai các nội dung văn kiện của Đại hội ?

“Quán triệt sâu sắc, tích cực thể chế hóa để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống” ảnh 1
 

- Ngay sau khi các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc XI được ban hành, thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 17/3/2011 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 02 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tư pháp đã triển khai Chỉ thị của Trung ương tới các đảng bộ, chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc và xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết thành mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ Bộ Tư pháp.

Cụ thể, Đảng ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan và các đơn vị thuộc Bộ cụ thể hóa các nội dung có liên quan của Nghị quyết thành nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị, nhất là các khâu đột phá và thực hiện có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ, đề án của Bộ và các đơn vị đã đề ra; động viên đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đảng ủy đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từng bước đổi mới công tác tư tưởng, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả của công tác tư tưởng; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, Đảng bộ Bộ Tư pháp chú trọng tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ  thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của cấp ủy, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh đó, toàn Đảng bộ tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cải cách thủ tục hành chính; đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức trong thực thi công vụ, đặc biệt ở những lĩnh vực tiếp xúc nhiều và có liên quan đến quyền lợi của cán bộ và nhân dân. Phát huy vai trò của các đoàn thể, tin tưởng, giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao vai trò và chất lượng, hiệu quả công tác.

Phải nhận thức sâu sắc về vị trí của Ngành

Đại hội Đảng XI xác định 3 khâu đột phá trong 5 năm và 10 năm tới là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng. Đại hội cũng đề ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 cho phù hợp với tình hình mới. Xin Thứ trưởng cho biết cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp cần phải chuẩn bị tâm thế gì để thực hiện những nhiệm vụ nêu trên ?

- Với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Xây dựng và thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; thi hành án dân sự; bồi thường nhà nước; lý lịch tư pháp và quản lý quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, Bộ Tư pháp nói riêng và ngành tư pháp nói chung đang có điều kiện, vai trò quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, quyết sách của Đại hội Đảng lần thứ XI về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển đất nước và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc những quan điểm, mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XI, đồng thời tiếp tục thực hiện “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” của Bộ Chính trị, Ngành Tư pháp sẽ tích cực tham mưu cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 1992 - đạo luật cơ bản và là văn kiện chính trị - pháp lý cao nhất của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo mô hình tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền; bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo; bảo đảm cơ chế hiến định về các quyền con người, quyền công dân,  qua đó tạo bước đi chiến lược ở tầm hiến định, tạo nền tảng mang tính đột phá cho quá trình hoàn thiện pháp luật trong giai đoạn 2011-2020.

Bộ Tư pháp chủ động và nỗ lực cùng các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện kịp thời những đạo luật nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, đặc biệt về lĩnh vực dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. Hoàn thiện chính sách pháp luật về hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng tư pháp và về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, đề cao tính độc lập, khách quan, tuân thủ pháp luật của từng cơ quan và chức danh tư pháp; xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.

Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp; có chiến lược, quy hoạch về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm bảo đảm nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp cho Nhà nước và xã hội, đồng thời đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn các chức danh tư pháp có trình độ cao đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Trước yêu cầu nhiệm vụ to lớn nêu trên, mỗi cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp cần phải nhận thức sâu sắc về vị trí của Ngành trong hệ thống tư pháp và đời sống chính trị, pháp lý, xã hội, từ đó xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa đảng viên với quần chúng, không ngừng phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của những cán bộ, đảng viên làm công tác pháp luật trong việc triển khai và đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hồng Thúy (thực hiện)

Đọc thêm