Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vào cuộc sống: Hà Nội xác định 20 chỉ tiêu chủ yếu

(PLVN) - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chương trình hành động số 14-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố, trong đó đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 để thực hiện trên 4 lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quy hoạch - đô thị - nông thôn - môi trường và xây dựng Đảng.
Hà Nội đề cao việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường… (Ảnh minh họa).

Đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện cơ chế

Chương trình hành động của Đảng bộ TP Hà Nội được xây dựng nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc những nội dung Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tới toàn bộ hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, tạo sự thống nhất cao từ nhận thức đến hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, phát huy truyền thống 1.010 năm Thăng Long Hà Nội, đoàn kết một lòng; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chương trình nêu rõ 3 mốc thời gian tương tự như Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 Đảng bộ TP. Cụ thể là đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP xanh - thông minh - hiện đại, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là TP kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD.

Trong số 20 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 có các chỉ tiêu đáng chú ý như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 được xác định từ 7,5 đến 8%; GRDP bình quân đầu người từ 8.300 đến 8.500 USD; 100% các huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hằng năm kết nạp từ 9.000 đến 10.000 đảng viên; từ 75% số đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm...

Chương trình cũng nêu rõ 11 định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, trong đó đề cao việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô. Cùng với đó là tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bảo vệ những cán bộ dám hành động vì lợi ích chung

Cùng với việc phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, TP Hà Nội cũng hướng tới việc quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đổi mới sáng tạo trong công tác đối ngoại, xác định là nguồn lực, là sức mạnh mềm, động lực cho phát triển Thủ đô.

Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân Thủ đô; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; xây dựng bộ máy chính quyền Thủ đô trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức cũng là những định hướng lớn được đề ra.

Đi cùng với đó là tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; khuyến khích bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng.

Chương trình hành động của Đảng bộ TP Hà Nội cũng đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 15 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2020-2025. Ngoài ra, chương trình hành động còn xác định 38 nhiệm vụ, chương trình, đề án, nhóm công trình, nhóm dự án trọng điểm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn tới.

Đọc thêm