Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống: Kết luận số 14 của Bộ Chính trị đã góp phần thúc đẩy cán bộ, đảng viên vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

(PLVN) - PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung được ban hành rất đúng lúc nhằm thúc đẩy cán bộ, đảng viên hăng hái vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ trước nhân dân.
 Các đảng viên dự Đại hội XIII của Đảng.
Các đảng viên dự Đại hội XIII của Đảng.

Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Ngày 22/9, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nhìn nhận về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, đây là sự cụ thể hóa, là hướng dẫn rõ ràng những quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

“Bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám vượt qua những khó khăn thách thức, dám đổi mới sáng tạo là quan điểm của Đại hội XIII. Rất nhiều đại biểu đã đồng tình với quan điểm cần bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như vậy”, PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc nhắc lại.

Phân tích về Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh hai vấn đề là “khuyến khích” và “bảo vệ”. Trong đó, ông cho rằng, “khuyến khích” ở đây là động viên, ủng hộ các cán bộ đã nêu cao được tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn thách thức, đổi mới sáng tạo, dám làm dám chịu trách nhiệm. “Đây là điều rất cần thiết, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta phải vượt qua thách thức để vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống lại đại dịch Covid-19, rất cần những cán bộ dám chịu trách nhiệm, dám làm, dám đổi mới và dám sáng tạo”, PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc nhận định.

Theo ông Phúc, vừa qua, trong công cuộc chống dịch COVID-19 đã có nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, nhất là cán bộ ở các địa phương, bao gồm ở cơ sở. “Có những xã, phường, cán bộ rất năng động sáng tạo và trách nhiệm. Như ở TP Hồ Chí Minh đã có người đứng đầu cấp ủy cấp quận dám “xé rào”, mạnh dạn phát thuốc cho F0 tự điều trị tại nhà dù chưa có hướng dẫn của Sở Y tế để cứu dân, để dân có thể vượt qua nguy kịch. Những người cán bộ như vậy là trách nhiệm trước dân. Đó là điều rất đáng quý”, ông Phúc dẫn chứng. Bên cạnh đó có những người không phải cán bộ, đảng viên nhưng cũng noi gương đảng viên, xông xáo vào cuộc, tình nguyện hỗ trợ công tác chống dịch. “Do đó, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị được ban hành rất đúng lúc nhằm thúc đẩy cán bộ, đảng viên hăng hái vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ trước nhân dân, đây là điều rất tốt”, ông Phúc nhấn mạnh.

Kết luận có tác động lớn

Về nội dung “bảo vệ”, ông Phúc cho rằng có 2 khía cạnh cần chú ý. Thứ nhất, bảo vệ theo nghĩa thúc đẩy các cán bộ, đảng viên chủ động trong việc làm của mình. “Những cái tốt đáng được trân trọng, khuyến khích, được đánh giá cho đúng để cán bộ, đảng viên vững tin vào công việc của mình”, ông Phúc cho hay.

PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc.

PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc.

Nhấn mạnh khía cạnh thứ hai của việc bảo vệ, ông Phúc dẫn chứng, nhiều khi trong thực tế cuộc sống có những người làm tốt hoặc động cơ làm việc là rất đúng, rất tốt nhưng vẫn bị người khác hiểu sai, thậm chí còn bị đố kỵ khiến cái tốt dễ bị đả kích, bị thui chột. “Vì thế, “bảo vệ” ở đây là bảo vệ cái tốt, bảo vệ cái đúng, bảo vệ những người dũng cảm dám làm. Có thể cái dũng cảm, dám làm đó còn nhiều người chưa đồng tình nhưng trong các hành động của cán bộ, đảng viên đó có “chất” cách mạng thì phải được bảo vệ”, ông Phúc khẳng định.

Đề cập luận điểm của Bác Hồ trong tác phẩm “Sửa đổi cách làm việc” năm 1947, trong đó có nhấn mạnh “Ðảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”, phải coi cán bộ như “cây quý”, trọng cán bộ, PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc nhận định: Luận điểm của Bác cho đến nay, nhất là trong điều kiện hiện nay có ý nghĩa sâu sắc. “Trở lại Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, có thể thấy kết luận tuy ngắn gọn nhưng tác động rất lớn trong việc cổ vũ cán bộ, đảng viên hăng hái làm việc với tất cả năng lực của mình để cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. Về phía tổ chức đảng, các tổ chức đảng phải nhìn nhận một cách khách quan, trung thực trong đánh giá cán bộ để chúng ta có được nhiều tấm gương tốt của cán bộ, đảng viên theo hướng Kết luận của Bộ Chính trị”, ông Phúc nói.

Vẫn theo PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc, phải giữ nguyên tắc mà Đại hội XIII đã nêu, đó là trung thành nhưng phải sáng tạo. “Chúng ta trung thành với Chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng nhưng khi thực hiện phải sáng tạo thì mới thành công. Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 cũng là khuyến khích sự sáng tạo, sự năng động của cán bộ, đảng viên”, ông nói.

Cùng quan điểm, ông Trần Đức Thắng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định, cùng với các quy định, chính sách, pháp luật để xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm cũng cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của đất nước; việc đánh giá về các sai phạm cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, đúng đắn, phù hợp.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khi đề cập đến các giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh về việc xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển.

Còn TS Đinh Văn Thụy – Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV cũng cho rằng, muốn phát huy hết tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo của con người, phải hoàn thiện đồng bộ các cơ chế trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp và cả đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị như cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ chế phát huy dân chủ trong hệ thống chính trị cũng như ngoài hệ thống chính trị; cơ chế trọng dụng người tài đức, cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước; cơ chế tạo động lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân.

Đọc thêm