Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống: Lâm đồng đề ra giải pháp tạo đột phá

(PLVN) - Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025, Lâm Đồng đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến năm 2025 để thực hiện các đột phá chiến lược.
Một trong những ưu tiên của Lâm Đồng thời gian tới là hoàn thiện hệ thống đô thị vệ tinh bên cạnh trung tâm Đà Lạt.
Một trong những ưu tiên của Lâm Đồng thời gian tới là hoàn thiện hệ thống đô thị vệ tinh bên cạnh trung tâm Đà Lạt.

Đổi mới cơ chế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

Những năm qua, Lâm Đồng không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính. Theo đó, tỉnh bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chủ trương, nghị quyết của Trung ương, chương trình hành động của Chính phủ để ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo của Đảng xây dựng nền hành chính từng bước hiện đại, đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Bên cạnh đó, tỉnh đề ra mục tiêu vận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và thực hiện chính quyền điện tử từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Song song với đó là xây dựng nền kinh tế số, ưu tiên dịch vụ công số hóa, xây dựng hệ thống ứng dụng dịch vụ số phục vụ quản lý và đời sống nhân dân.

Đáng chú ý Lâm Đồng cũng đề ra nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và tận dụng thành tựu Cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, xây dựng, thực hiện đề án đầu tư, phát triển thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc thành trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu, sáng tạo khoa học, giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ đa ngành, theo chuẩn quốc tế.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Lâm Đồng tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, thu hút đầu tư thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm về kinh tế - xã hội; chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư sớm triển khai một số dự án trọng điểm. Khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân ở tất cả các ngành, lĩnh vực; phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 15.000 doanh nghiệp hoạt động; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Quận.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Đức Quận.

Để tăng cường thu hút hút đầu tư, Lâm Đồng xác định cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật; thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án lớn, tầm ảnh hưởng rộng tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, tập trung tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế. Trong đó chú trọng ký kết hợp tác phát triển giai đoạn 2021- 2025 với các địa phương lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng; định hướng hợp tác, thu hút đầu tư với các địa phương, đối tác của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Đồng thời ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào đổi mới công nghệ, phát triển những ngành, lĩnh vực có lợi thế, hiệu quả.

Phát triển kinh tế song hành với an sinh xã hội

Về hạ tầng kinh tế - xã hội, Lâm Đồng tập trung đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; đến năm 2025 tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt 100%. Trong đó nổi bật là xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương; khởi công dự án Khu trung tâm Hòa Bình (Đà Lạt); quy hoạch, đầu tư xây dựng đô thị Liên Khương - Prenn và một số đô thị trong chuỗi đô thị vệ tinh cho thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc.

Đòn bẩy đường cao tốc

Một trong những ưu tiên của Lâm Đồng thời gian tới là chủ động, tích cực phối hợp với Bộ GTVT, tỉnh Đồng Nai và các đối tác để triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương theo lộ trình, kế hoạch, đặc biệt là dự án cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng), xem đây là công trình quan trọng, đòn bẩy phát triển; tiến hành quy hoạch các khu dân cư, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch dọc theo tuyến cao tốc để khai thác hiệu quả dự án này và tiềm năng phát triển của địa phương. Chú trọng nâng cấp hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị; đầu tư đường vành đai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và một số đô thị; tích cực đề xuất, phối hợp để đầu tư nâng cấp sân bay Liên Khương thành sân bay quốc tế và mở thêm các đường bay quốc tế.

Trong chiến lược phát triển của mình, Lâm Đồng lấy con người làm trung tâm, hướng tới phát triển công dân toàn diện. Để làm được điều đó, tỉnh đề ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Cùng với đó là khơi dậy khát vọng và sức mạnh cộng đồng các dân tộc trong tỉnh để phát triển địa phương, đất nước. Ban hành Đề án xây dựng các chuẩn mực văn hóa trong các lĩnh vực đời sống xã hội, hoạt động lãnh đạo, quản lý và kinh doanh; Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; khai thác hiệu quả lợi thế, các giá trị bản sắc. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao; phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu ở trong nước và thế giới.

Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, Lâm Đồng ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội. Để hiện thực hoá mục tiêu này, Lâm Đồng đặt trọng tâm vào việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời tiếp tục thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đổi mới, sắp xếp và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ưu tiên tập trung thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về kiểm soát đại dịch Covid - 19, tiêm chủng đại trà vaccine Covid -19 cho cộng đồng gắn với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tĩnh cũng đề ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác dự báo, giám sát, phát hiện, khống chế, ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lớn xảy ra, ứng phó kịp thời với các vấn đề khẩn cấp, sự cố môi trường, bảo đảm an ninh y tế. Thực hiện đề án phát triển dược liệu gắn với ngành công nghiệp dược giai đoạn 2021 – 2030.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đức Quận

“Với trọng trách là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, tôi có trách nhiệm cùng tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng bộ về Nghị quyết và các Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, từ đó xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết, bám sát Chủ đề Đại hội, đó là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” làm kim chỉ nam trong hành động và quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh để sớm đưa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đi vào cuộc sống”,

Đọc thêm