Không để tổ chức, cá nhân nào đứng ngoài sự giám sát
Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội XIII đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học đầu tiên là về Đảng, bài học thứ hai là về dân. Đại hội xác định: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Đại hội XIII nhấn mạnh đến vai trò giám sát của nhân dân. Theo đó, Đại hội xác định: “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”. Đồng thời, văn kiện Đại hội XIII cũng nêu rõ: “Tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Theo Người, cơ chế kiểm soát quyền lực đối với bộ máy nhà nước chính là kiểm soát, giám sát cán bộ, do đó, công việc này rất quan trọng, bởi “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Theo PGS.TS Lê Kim Việt (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), dựa vào dân để xây dựng Đảng, Nhà nước là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Thực tế những năm qua, Đảng ta đã dựa vào nhân dân, động viên nhân dân tham gia kiểm tra giám sát hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền; qua đó Đảng, Nhà nước đã phát hiện và xử lý kỷ luật hàng vạn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong bộ máy công quyền do tiêu cực, tham nhũng.
“Kiểm tra, giám sát trách nhiệm và đạo đức công vụ, tác phong, lề lối làm việc, thái độ ứng xử của công chức đối với nhân dân nhằm khắc phục bệnh quan liêu, hách dịch, cửa quyền, vô trách nhiệm, lợi dụng quyền lực để sách nhiễu, ăn bớt tiền bạc của nhân dân…, từ đó làm trong sạch bộ máy nhà nước, để mỗi công chức, viên chức thực sự là công bộc của nhân dân”- PGS.TS Lê Kim Việt khẳng định. Ông cũng cho biết, quyền lực Nhà nước là quyền lực của nhân dân giao cho; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức nhà nước và cán bộ, công chức là phải sử dụng quyền lực đó để phục nhân dân. Vì vậy, ở đâu có quyền lực và trách nhiệm thì quyền lực và trách nhiệm đó phải được nhân dân kiểm tra, giám sát chặt chẽ; không để bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đứng ngoài sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Phải đổi mới giám sát
Cùng với vai trò quan trọng của nhân dân, những đại biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri và nhân dân (đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp) cũng phải phát huy vai trò giám sát của mình để hoàn thành trọng trách trước Đảng, trước dân. Phát biểu tại buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí đang thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV (ngày 22/7), Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Đặt chân vào nghị trường là vinh dự rất lớn, nhưng có hoàn thành được trọng trách của mình hay không là một việc lớn hơn.
Chủ tịch QH cũng nêu rõ, phải coi đổi mới giám sát tối cao của QH như là một khâu then chốt, trọng tâm để nâng cao chất lượng hoạt động của QH; phải lựa chọn trúng và đúng những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề thực tiễn đặt ra, có liên quan tới quốc kế, dân sinh. Tinh thần giám sát là có trọng tâm, trọng điểm, làm đến nơi, đến chốn, truy đến cùng sự việc; đồng thời phải coi trọng giám sát việc thực hiện các kiến nghị của giám sát.
Cũng tại Kỳ họp thứ nhất QH khóa XV, thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2022, nhiều đại biểu QH cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát tối cao của QH vẫn còn có những hạn chế, nhất là công tác “hậu giám sát”. Bởi vậy, các đại biểu đề nghị cần có quy trình hậu giám sát để xem những kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát đã được các địa phương, đơn vị, bộ ngành thực hiện đến đâu, kết quả ra sao.
Để đảm bảo thực chất và hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, theo PGS.TS Lê Kim Việt, cần đề cao trách nhiệm và tinh thần nêu gương của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quy định liên quan đến trách nhiệm giải trình, tiếp công dân; trong quản lý, kiểm tra, giám sát quyền lực của cấp dưới, trong tự phê bình và phê bình trước nhân dân.
Cùng với đó, phải nêu cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện quyền dân chủ đại diện của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể phải có trách nhiệm tiếp nhận, phản ánh đầy đủ, kịp thời những ý kiến của nhân dân, nhất là việc phản ánh, tố giác những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền; có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát các vụ việc theo sự tố giác của nhân dân. Nguyên tắc là, mọi ý kiến chất vấn, thắc mắc của người dân phải được cơ quan có trách nhiệm tiếp thu, được tôn trọng, được giải đáp rõ ràng. Phải trả lời công khai, minh bạch trước nhân dân về kết quả giải quyết vụ việc.
Trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, phải xây dựng các quy định, quy chế đồng bộ, hiệu quả, công khai và minh bạch để mọi người dân có thể tiếp cận và thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát đối với cơ quan nhà nước và đối với cán bộ, công chức.