Vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.
Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Nhiều địa phương đã thành công trong công tác giảm nghèo. Nếu năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 9,88% thì đến năm 2020 giảm xuống còn 2,75%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm; hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo. Có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn… Kết quả này thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và toàn dân trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo. Đặc biệt, Việt Nam lần đầu tiên và là một trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững và đã hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo, được quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao. Một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả. Đáng chú ý, một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chưa chủ động tự vươn lên thoát nghèo.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, ngày 23/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Cần đổi mới cơ chế tổ chức thực hiện
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khoá XV diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, phấn đấu thực hiện giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia… Đồng thời, hỗ trợ thí điểm phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới về cơ chế tổ chức thực hiện; chú trọng hơn tới công tác đào tạo nghề, giúp người nghèo có kỹ năng lao động, tự tạo sinh kế. Đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản... Mặt khác, cần xác định rõ những đối tượng, những vùng nghèo cần ưu tiên để có giải pháp trọng tâm, từ đó lựa chọn ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, phân cấp nhiều hơn cho các phương, đặc biệt với những địa phương có điều kiện kinh tế phát triển thì tập trung giải quyết giảm nghèo tại địa phương, nguồn lực của trung ương sẽ tập trung cho các vùng nghèo khác.
Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo với hình thức “cho không” đã tạo tâm lý ỷ lại của một bộ phận người nghèo. Ông đề nghị cần có sự thay đổi trong tư duy làm chính sách giảm nghèo để khơi dậy ý thức tự chủ vươn lên thoát nghèo, loại bỏ tư tưởng trông chờ vào chính sách của Nhà nước. Theo đó, cách thức để giúp người nghèo là cho vay để họ ý thức được việc không còn “cho không” nữa mà phải tích cực triển phát triển kinh tế gia đình và có nghĩa vụ phải trả phần được vay. Có như vậy mới khơi dậy tinh thần tự lực và khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân, cộng đồng.
Nhấn mạnh đến giải pháp giảm nghèo hiệu quả giai đoạn tới là cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, manh mún nguồn lực, ông Phạm Văn Hoà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) kiến nghị, việc đầu tư phải đúng, phải trúng các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Đặc biệt, khi thực hiện các dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phải bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của người dân.
Như vậy, để công tác giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, góp phần thực hiện hoá mục tiêu mà Nghị Quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, ngoài quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương…, rất cần sự vào cuộc một cách chủ động, tích cực của mọi người dân; đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo phải luôn có khát vọng vươn lên để làm chủ cuộc sống.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khoá XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát của Chương trình là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện Chương trình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo; hộ nghèo là gia đình có công với cách mạng… Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng.