Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên

(PLVN) - Vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vừa phát huy vai trò của cơ chế thị trường trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nguyên. Đặc biệt phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất… là những nhiệm vụ được Báo cáo chính trị Đại hội XIII đề ra. 

Xử lý nghiêm tham nhũng đất đai

Báo cáo chính trị Đại hội XII đề ra các nhiệm vụ tập trung vào trách nhiệm quản lý nhà nước nhưng chưa đề cập đến vai trò của thị trường khi đề cập đến nhiệm vụ quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Báo cáo chính trị Đại hội XIII đề ra các nhiệm vụ vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vừa phát huy vai trò của cơ chế thị trường trong lĩnh vực này như: Đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực. Hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên khoáng sản, đất, nước, rừng, biển của đất nước. Hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. 

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất. Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng đất lãng phí; tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất. 

Đáng chú ý, Báo cáo chính trị Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó, yêu cầu xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia, hoàn thiện luật pháp, chính sách, nhất là cơ chế tài chính về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo đảm công bằng, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc của kinh tế thị trường và quản lý tổng hợp nguồn nước. 

Chủ động, quyết liệt hơn nữa trong bảo vệ môi trường 

Về bảo vệ môi trường, so với Đại hội XII, trong văn kiện Đại hội XIII, vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm, nhấn mạnh hơn, những nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, mang tính chủ động hơn, ở nhiều lĩnh vực hơn, cụ thể hơn, yêu cầu cao hơn. 

Báo cáo chính trị Đại hội XIII đề ra các nhiệm vụ: Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát môi trường, dự báo và cảnh báo ô nhiễm và thảm họa môi trường, dịch bệnh. Có kế hoạch khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị. Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân. Tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên, các ngành, doanh nghiệp dựa nhiều vào tài nguyên, gây ô nhiễm, nguồn phát thải khí nhà kính. Tập trung xử lý chất thải, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và sản xuất thu hồi năng lượng từ chất thải. 

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 yêu cầu: Thể chế hóa đầy đủ các nguyên tắc thị trường trong chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo, phục hồi môi trường; nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm và nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường. Tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Báo cáo cũng yêu cầu kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh; tăng cường giám sát, nâng cao chất lượng môi trường không khí, xử lý rác thải ở các đô thị, khu công nghiệp tập trung, khu đông dân cư. Đồng thời cải thiện môi trường ở các làng nghề, lưu vực sông và khu vực nông thôn. Ngăn ngừa, giảm rác thải nhựa, kiểm soát ô nhiễm môi trường và phục hồi hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng yêu cầu xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Đọc thêm