Hội nhập sâu rộng tạo áp lực cải cách thành công
Trong những năm qua, Việt Nam đã hội nhập hết sức sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Độ mở của nền kinh tế nước ta vào loại cao nhất thế giới với tỷ trọng xuất - nhập khẩu trên GDP là hơn 200%. Việt Nam đã tham gia vào hầu hết các hiệp định đa phương thế hệ mới. Cụ thể là Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và mới đây là Hiệp định Thương mại tự do với Vương quốc Anh. Để tham gia vào các hiệp định này, Việt Nam đã có những hoàn thiện căn bản hệ thống pháp luật theo yêu cầu, chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Thực tiễn 35 năm đổi mới đã khẳng định mở cửa hội nhập góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn mà đất nước đã đạt được. Đồng thời, chính mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng đã tạo ra áp lực để chúng ta cải cách thành công.
Tuy nhiên, quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế cũng cho thấy cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, qua các cuộc khủng hoảng hoặc những biến động của thế giới cho thấy, để hội nhập thành công, phải có nội lực mạnh, đồng thời phải đa phương hoá, đa dạng hoá các đối tác, các thị trường để tránh những rủi ro và lệ thuộc. Kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, cần phải nhận thức sâu sắc, hiệu quả của thu hút đầu tư, nhất là giai đoạn hiện nay, phải đảm bảo thu hút được công nghệ cao, công nghệ sạch và làm tốt việc chuyển giao công nghệ cũng như gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài.
Muốn hội nhập thành công, phải có nội lực mạnh
Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ: “Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng đảm bảo an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia. Đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế”.
Có thể thấy, những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực kinh tế được thể hiện từ nhận thức đến nội dung chính sách ở cả nội dung đánh giá tình hình, đến việc xác định những nội dung chính sách cho giai đoạn tới. Trong đó, tập trung chủ yếu vào nội dung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước nhanh và bền vững; hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nội dung mới nổi bật được thể hiện trong việc nhìn nhận, đánh giá kết quả thực hiện trong các nhiệm kỳ Đại hội vừa qua, trên cơ sở bối cảnh mới, yêu cầu mới phát triển đất nước trong giai đoạn tới đã làm rõ phương hướng, mục tiêu và chính sách phát triển cụ thể trong từng nội dung để đạt mục tiêu phát triển chung của đất nước cho giai đoạn đến năm 2025, năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.