Trốn người làng đi triệt sản
Từ bao đời nay, phụ nữ Jarai ở làng Tút 1 đẻ nhiều, đẻ đến khi nào... hết trứng thì thôi. Việc đẻ nhiều như vậy là quà tặng của Yàng để làm giàu cho gia đình, buôn làng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những đứa trẻ sinh ra quá nhiều khiến cho cuộc sống của đồng bào nơi đây vô cùng khó khăn. Dù chính quyền địa phương nhiều lần xuống làng vận động người dân sinh đẻ có kế hoạch nhưng chẳng ai dám làm vì sợ làm trái luật tục sẽ bị làng phạt vạ, bị Yàng bắt tội.
Cái nghèo cái đói cứ đeo bám mãi, nhưng hễ “động phòng” là lại có con, nhưng không “động phòng” thì chịu không được, nên đầu tháng 9/2015, 4 người đàn ông trong làng là Rơ Châm Sic (41 tuổi), Rơ Châm Lip (43 tuổi), Rơ Châm Men (39 tuổi), Rơ Châm Mang (37 tuổi) đã bí mật họp bàn với nhau để phá bỏ luật tục kia.
Anh Men cho biết: “Chúng tôi bàn bạc với nhau là vào ngày cuối tuần phải dậy thật sớm để dẫn vợ đi triệt sản, để vợ không đẻ nữa. Đẻ nữa là cả gia đình sẽ không có gì mà ăn. Việc dẫn vợ đi triệt sản phải bí mật, nếu không sẽ bị tội nặng với buôn làng, với Yàng. Chưa bao giờ trong cuộc đời, chúng tôi lại đối mặt với việc làm lớn lao đến như vậy”.
Việc 4 gia đình đi triệt sản là một quyết định dũng cảm của những người đàn ông. Đó cũng là lần đầu tiên Trung tâm Y tế huyện Chư Păh tiếp nhận cùng lúc 4 ca triệt sản đến từ ngôi làng có tốc độ tăng dân số khủng khiếp này. Dù là ngày cuối tuần, nhưng các bác sĩ chuyên khoa Ngoại - Sản của Trung tâm Y tế huyện Chư Păh vẫn túc trực và nhiệt tình triệt sản cho 4 phụ nữ người đồng bào dân tộc Jarai.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Rơ Châm Hiu (39 tuổi, vợ anh Men) cho biết: “Hai vợ chồng tôi có tất cả 9 đứa con. Đứa lớn năm nay 22 tuổi, đã có chồng và 2 đứa con; đứa nhỏ nhất năm nay 3 tuổi nhưng bị suy dinh dưỡng, còi cộc lắm. Cái rẫy thì nhỏ xíu mà con thì đông nên làm không đủ ăn. Ngoài việc làm rẫy, vợ chồng tôi và mấy đứa lớn hàng ngày phải đến làng bên làm thuê làm mướn để kiếm cái ăn qua ngày. Sợ sẽ đẻ nữa nên vợ chồng tôi mới quyết định đi triệt sản như cán bộ dân số ở địa phương khuyên”.
Cũng theo chị Hiu, vì quá khó khăn nên bữa cơm của gia đình thường chỉ là cơm trắng, muối, lá mì. Mấy đứa con lớn được may quần áo, rồi mặc chật lại nhường cho đứa nhỏ. Cả 9 đứa con của vợ chồng chị sinh ra cứ thế nối nhau lớn lên như cây cỏ, chẳng đứa nào được học hành.
“9 đứa con không đứa nào được đến trường học cái chữ cả. Ăn còn không có mà học hành gì. Đứa lớn phải phụ làm với vợ chồng tôi để nuôi những đứ nhỏ, cứ thế mà bám nhau sống qua ngày”, chị Hiu tâm sự.
Cùng cảnh đông con như chị Hiu, vợ chồng anh Mang cũng có tới 6 đứa con. “Đẻ nhiều là khổ, không đủ ăn, đủ mặc, nhưng không biết vợ tôi trứng đâu mà nhiều thế, cứ đụng vào là đẻ”, anh Mang cho biết.
6 lần vượt cạn, cứ “nằm ổ” được một tháng, chị Rơ Châm Mai (37 tuổi, vợ anh Mang) lại phải nai lưng đi làm nương, nhổ sắn thuê hay vào rừng kiếm củi về bán. Anh Mang hàng ngày phải đi làm thuê trả nợ tiền vay mượn đưa con đi viện chữa bệnh mỗi lúc đau ốm.
“Nhà có 3 sào bời lời nhưng lúc thì có bán, lúc thì không có gì cả. Chục miệng ăn của gia đình tôi cứ bám víu vào cơm trắng với lá mì mà sống. Như vậy nên phải đi triệt sản cho khỏi đẻ thôi”, anh Mang cho biết.
4 cặp vợ chồng xóa bỏ hủ tục
Theo lời của anh Mang, 4 cặp vợ chồng phải bí mật hẹn nhau đi triệt sản, rồi khi về phải đưa ra cái lý do cho hợp để không bị người làng nghi ngờ. Nhưng rồi chẳng hiểu sao, sự việc về 4 gia đình tự ý phá luật làng vẫn lọt ra ngoài. Nghe tin, già làng Rơ Mah Chiên đùng đùng nổi giận triệu tập ngay một cuộc họp ở nhà rông.
Trước dân làng và 4 cặp vợ chồng “phạm tội” già Chiên bảo: “Chúng mày dám làm trái cái ý của Yàng. Làm như thế, trẻ con trong làng sẽ ít đi, sau này lấy ai làm cái rẫy, cái ruộng nữa. Chúng mày làm như thế là làm phật ý của Yàng, rồi Yàng sẽ trừng phạt cả làng đói ăn, bệnh tật mất thôi. Giờ chúng mày phải chịu nộp phạt mỗi gia đình một con trâu để làm lễ cúng Yàng xóa tội”.
Nghe đến chuyện phạt vạ, các thành viên trong 4 gia đình mặt cắt không còn giọt máu vì sợ. Lúc này, anh Men đứng lên phân trần: “Ở làng nhà nào cũng nghèo, mà càng đẻ nhiều thì càng nghèo. Nhà của vợ chồng chúng tôi cũng nghèo, cũng khổ, nhiều con quá nên mới phải đi làm cái việc này. Tôi biết vi phạm luật làng nhưng cái luật làng không đúng với quy định của Nhà nước. Giờ làng phạt vạ, chúng tôi cũng không biết lấy gì mà nộp đây”.
Dù cả 4 gia đình đều giải thích và cầu xin nhưng già làng vẫn kiên quyết bắt họ nộp phạt. Nếu không nộp, cả 4 gia đình phải đi khỏi làng, sống tha phương cầu thực.
Anh Men cho biết: “Một con trâu giá mấy chục triệu bạc. Cả 4 gia đình có bán hết nhà cửa, gom hết tài sản cũng chưa chắc mua chung nổi một con. Nhưng lệnh làng đã ban xuống, 4 gia đình không nộp vạ thì cũng chẳng thể sống yên ổn. Lúc ấy, ai cũng đau đầu hết”.
Trong cơn nước sôi lửa bỏng ấy, anh Mang chợt nhớ đến chị cán bộ dân số xã vẫn hay vào làng vận động bà con sinh đẻ ít. Thế là tờ mờ sáng hôm sau, 4 người đàn ông cơm mắm nước đong, nai nịt gọn gàng rồi đi bộ gần 3 giờ đồng hồ đến xã để nhờ cán bộ giúp đỡ. Ngay sau đó, ông Rơ Châm Thung - Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông dẫn đầu đoàn cán bộ xã đến làng giải quyết sự việc.
Tại cuộc họp của làng, ông Thung nói: “Yàng có muốn người mình khổ, người mình đói vì sinh nhiều con không? Yàng có muốn phạt vạ người thích làm giàu cho mình, cho làng không? Cái chuyện 4 gia đình kia đi triệt sản là đúng rồi. Họ làm thế là để bớt nghèo, để nuôi con tốt hơn, rồi họ sẽ giàu hơn trước. Vậy tại sao làng lại phạt họ? Tôi cũng là người Ja Rai, vợ tôi cũng đi triệt sản mà có bị Yàng phạt gì đâu”.
Nghe những lời giải thích của ông Thung, già làng Chiên cũng bắt đầu hiểu ra. Sau một thoáng suy nghĩ, già dõng dạc tuyên bố: “Cái lời của cán bộ người Jarai mình nói đúng thì sao không theo cho được. 4 cặp vợ chồng ở làng mình làm như thế là đúng rồi. Thôi thì không phạt vạ nữa. Ngày mai, cả làng cùng góp gạo, góp của để làm lễ cúng Yàng, xin bỏ cái luật tục này từ bây giờ”.
Lâu nay, nhiều người làng Tút 1 cũng muốn đi triệt sản nhưng còn sợ già làng, còn sợ phạm vào luật tục nên không dám. Tiếp nối 4 gia đình, họ lập tức nối nhau đi đăng ký triệt sản để hãm đà sinh đẻ vượt kế hoạch, để có thời gian làm rẫy, chăm con nhiều hơn.
Ông Thung cho biết: “Ở địa phương, bà con người đồng bào dân trí còn thấp, bị hủ tục nhiều đời ám ảnh nên việc tuyên truyền, vận động rất khó khăn. Mãi đến gần đây, khi 4 gia đình bí mật đi triệt sản, chính quyền địa phương mới có nhân chứng để thuyết phục già làng xóa bỏ hẳn hủ tục”.