Đức - Thổ Nhĩ Kỳ: 'Ăn miếng trả miếng'

(PLO) - Bộ Ngoại giao Đức ngày 29/3 đã nhận được thông tin về việc một số nhà bình luận người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị phía Ankara giữ tại sân bay và không cho phép nhập cảnh. Quan hệ giữ hai nước tiếp tục có những diễn biến căng thẳng...
Biểu tình đòi trả tự do cho phóng viên Deniz Yucel tại Berlin

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schäfer cho biết, sau khi nhận được thông báo về các trường hợp trên, giới chức Đức đã gửi kiến nghị tới chính quyền Ankara và sẽ tiếp tục lên tiếng bảo vệ những người này. 

Bắt giữ nhà báo

Các trường hợp bị từ chối nhập cảnh là người Kurd mang hộ chiếu Đức, đang làm việc tại quốc gia Tây Âu này với tư cách nhà bình luận, và họ có nguyện vọng về thăm gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Schäfer cho rằng trong bối cảnh quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng thời gian gần đây thì “khó có thể thương thảo” về vấn đề trên, song nhấn mạnh tất cả các công dân Đức đều có quyền được bảo lãnh và hỗ trợ ngoại giao. 

Cùng ngày, người đứng đầu tờ báo Đức Die Welt cho biết các luật sư biện hộ cho nhà báo Deniz Yucel - người bị giới chức Ankara bắt giữ với cáo buộc dính líu tới khủng bố - ngày 27/3 đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu thả tự do cho nhà báo này.

Động thái trên được đưa ra ngay sau khi một tòa án ở thành phố Istanbul ra phán quyết tạm thời bắt giữ nhà báo Yucel mang 2 quốc tịch Đức - Thổ Nhĩ Kỳ làm việc cho tờ Die Welt sau thời gian người này bị tạm giam kể từ hôm 18/2 vừa qua, với cáo buộc tuyên truyền khủng bố, kích động hận thù, hay hoạt động gián điệp. Trong khi đó, 166 nghị sĩ trong Hạ viện Đức cũng đã ký vào bức thư kêu gọi thả tự do cho nhà báo Yucel. 

Sau vụ bắt giữ trên, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức trong những tuần gần đây tiếp tục lún sâu vào căng thẳng. Phía Đức đã hủy bỏ 6 cuộc mít-tinh của cộng đồng người Thổ tại Đức dự kiến có sự tham dự của các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này dẫn tới việc lãnh đạo hai nước có những tuyên bố mang tính thù địch.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erodgan cáo buộc Đức áp dụng “cách hành xử phát-xít”, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu Ankara không được so sánh chính quyền Berlin hiện nay với Đức quốc xã, đồng thời nhấn mạnh Đức có quyền cấm các hành động tương tự trong tương lai nếu Thổ Nhĩ Kỳ không tôn trọng luật pháp Đức.

Điều tra việc theo dõi công dân

Về phần mình, Văn phòng công tố Liên bang Đức đã mở cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc tình báo Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi những người được cho là ủng hộ Giáo sĩ Fethullah Gulen tại Đức. 

Cuộc điều tra được tiến hành sau khi Bộ trưởng Nội vụ bang Hạ Saxony của Đức Boris Pistorius cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện hoạt động theo dõi bí mật “không thể chấp nhận được” đối với những người Thổ Nhĩ Kỳ đang sống ở Đức, được cho là ủng hộ phong trào do ông Gulen lãnh đạo. Ông Gulen là nhân vật hiện đang sống lưu vong ở Mỹ và bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7 năm ngoái nhằm lập đổ Tổng thống Recep Tayip Erdogan. 

Ông Pistorius nhấn mạnh có bằng chứng rõ ràng cho thấy Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ MIT đang theo dõi những công dân đang sống tại Đức. Ông này cho biết Ankara đã đề nghị Berlin hỗ trợ theo dõi 300 người được cho là ủng hộ ông Gulen, cho rằng đây là “điều không thể chấp nhận”. Trong khi đó, truyền thông Đức cũng đưa tin các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn giao danh sách các mục tiêu theo dõi tại Đức (bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại và hình ảnh của nhiều người) tới những đồng nghiệp Đức trong Hội nghị an ninh Munich hồi tháng 2 vừa qua. Các công tố viên Liên bang Đức sẽ điều tra xem bằng cách nào Thổ Nhĩ Kỳ đã có được những thông tin chi tiết này. 

Ông Pistorius cũng cáo buộc chính quyền Ankara hành động theo kiểu “quá đa nghi” khi cho rằng tất cả những người ủng hộ ông Gullen đều là khủng bố và kẻ thù của đất nước, thậm chí ngay cả khi không có những bằng chứng dù nhỏ nhất. Hiện phía Đức không phát hiện bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những người trong danh sách Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật. Trong khi đó Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức Thomas de Maiziere cùng ngày đã lên tiếng cảnh báo hoạt động gián điệp bất hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, cho rằng “mọi hoạt động do thám trên lãnh thổ Đức sẽ không được dung thứ và sẽ bị trừng phạt thích đáng”. 

Việc Đức mở cuôc điều tra liên quan tới hoạt động theo dõi của Thổ Nhĩ Kỳ lại một lần nữa khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này tiếp tục xấu đi. Sau vụ chính biến tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi trung tuần tháng 7/2016, chính quyền Ankara đã bắt giữ hơn 41.000 người tình nghi liên quan tới phong trào của Giáo sĩ Gulen và sa thải hoặc đình chỉ công tác khoảng 100.000 người, trong đó có rất nhiều tướng lĩnh, cảnh sát, nhà báo, học giả, giáo viên... Mặc dù chính quyền Ankara cáo buộc ông Gulen là chủ mưu cuộc đảo chính quân sự hồi năm ngoái ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Mỹ và nhiều nước phương Tây cho rằng các báo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ là thiếu căn cứ.

Đọc thêm