Đừng 'bán' sức khỏe vì thịt rừng

(PLVN) - Việt Nam được đánh giá là một trong những “điểm nóng” trung chuyển và tiêu thụ thịt rừng cùng các sản phẩm từ động vật hoang dã khác. Theo chuyên gia của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), có đến 4.000 tấn thịt rừng được buôn bán bất hợp pháp qua thị trường Việt Nam. Để thay đổi nhận thức và hành vi tiêu thụ thịt rừng qua việc mang đến nhiều góc nhìn mới để phản bác quan niệm lạc hậu cho rằng “thịt rừng sạch sẽ, thể hiện đẳng cấp hay bổ dưỡng cho sức khỏe”, nhiều chiến dịch truyền thông đã được tiến hành.
Thông điệp bảo vệ động vật hoang dã của ENV được lan tỏa rộng rãi tới người dân trên toàn quốc nhờ hệ thống màn hình của Focus Media. (Ảnh trong bài: Choice và ENV)

Sự thật phía sau thịt rừng

Không chỉ có đến 4.000 tấn thịt rừng được buôn bán bất hợp pháp qua thị trường Việt Nam mà bên cạnh đó, ước tính Việt Nam tiêu thụ hơn 2.000 tấn thịt rừng hằng năm, với khoảng 80% thịt rừng được tiêu thụ tại các nhà hàng và quán ăn đặc sản tại các đô thị như Hà Nội, TP HCM và một số thành phố khác, theo WWF Việt Nam.

Theo khảo sát của Tổ chức WWF và Globescan vào năm 2021, 14% người Việt đã mua thịt rừng và sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) trong 12 tháng gần nhất và 20% người Việt “rất có khả năng hoặc có khả năng” mua các sản phẩm từ ĐVHD trong tương lai.

Tác hại của thịt rừng đối với con người theo nhiều nghiên cứu tổng quan của các cơ sở nghiên cứu như CIFOR; Đại học Utrecht, Hà Lan thì thịt rừng có mối liên hệ với bệnh béo phì, bệnh tiểu đường, các chứng rối loạn về tim và mạch máu. Quá trình giết mổ ĐVHD là nguyên nhân chính dẫn đến lây lan các bệnh truyền nhiễm sang con người.

Đơn cử như thịt và sản phẩm từ các loài linh trưởng và dơi mang 9 mầm bệnh phổ biến có thể truyền nhiễm sang con người: SIV (dẫn đến HIV ở người), virus T-lymphotropic (HLTV), Foamy virus, đậu mùa khỉ, virus Marburg (gây sốt xuất huyết), virus Lassa (gây sốt xuất huyết), Ebola, Virus Nipah, virus Herpes.

Quá trình săn bắt, bẫy ĐVHD có nguy cơ lây lan nhiều mầm bệnh như đậu mùa khỉ và Virus T-lymphotropic thông qua dịch cơ thể, các vết thương hở do ĐVHD cào, cắn. Việc vận chuyển ĐVHD (còn sống hay đã làm thịt) cũng mang mầm bệnh từ nước ngoài đến địa phương, làm lây lan nhiều mầm bệnh có khả năng chống chọi cao với môi trường như Virus dịch tả lợn châu Phi và bệnh than (Anthrax).

Việc mua bán thịt rừng và chim trời ở chợ truyền thống cũng làm lây lan nhiều bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm và SARS sang nhiều loài. Không chỉ riêng thịt rừng, các sản phẩm khác từ ĐVHD cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy như bệnh ký sinh trùng sán nhái…

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại vậy nhưng vẫn còn đó những con số đáng chú ý như có đến 24% người tham gia khảo sát tại TP HCM đã từng ăn thịt rừng tại nhà hàng/quán ăn đặc sản (theo Olmedo và các cộng sự năm 2021); 75% bệnh truyền nhiễm mới ở người trong 3 thập kỷ qua có nguồn gốc từ động vật (theo Tổ chức Y tế Thế giới); trong vòng 60 năm vừa qua, đã có 144 bệnh lây truyền từ ĐVHD sang con người (theo Tổ chức Sức khỏe động vật thế giới)...

Truyền thông để thay đổi nhận thức và hành vi tiêu thụ thịt rừng

Để thay đổi thực tế này thì bên cạnh việc xây dựng các chế tài pháp lý phù hợp thì việc truyền thông để thay đổi nhận thức và hành vi tiêu thụ thịt rừng là rất cần thiết. Hiện nay, tại các màn hình thang máy tòa nhà, thông điệp để nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ ĐVHD đã được thực hiện.

Đó là dự án do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) hợp tác với Công ty Focus Media Việt Nam (Focus Media Việt Nam thuộc Tập đoàn Focus Media - một trong những tập đoàn tiên phong về quảng cáo truyền thông thang máy lớn nhất tại châu Á). Dự án triển khai chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ ĐVHD thông qua hệ thống màn hình thang máy tòa nhà của Focus Media ở các thành phố lớn tại Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2024.

Chiến dịch truyền thông gồm nhiều thông điệp cụ thể khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu khuyến khích cộng đồng không tiêu thụ ĐVHD và góp sức ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép bằng cách thông báo vi phạm về ĐVHD tới Đường dây nóng miễn phí bảo vệ ĐVHD 1800-1522.

Trong vòng sáu tháng, các thông điệp bảo vệ ĐVHD đã được trình chiếu liên tục và tiếp cận hàng triệu người dân qua 3.052 màn hình LED tại 996 tòa nhà ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều thành phố lớn khác.

Trước đó, trong đại dịch COVID-19, ENV và Focus Media đã truyền tải những thông điệp quan trọng cho cộng đồng về nguy cơ lan truyền dịch bệnh có nguồn gốc từ ĐVHD, từ đó khuyến khích người dân không tiêu thụ, sử dụng trái phép ĐVHD.

Ông Xiang Song, Giám đốc điều hành của Focus Media Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng mỗi cá nhân đều có trách nhiệm bảo vệ ĐVHD, thiên nhiên và môi trường. Từ quan điểm này, chúng tôi rất quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của cộng đồng để ngăn chặn hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp”.

Tháng 6/2024, nhằm kêu gọi cộng đồng nói không với mua bán, tiêu thụ thịt rừng và chung tay bảo vệ ĐVHD, Công ty TNHH không vì lợi nhuận Choice cùng Tổ chức WildAid (tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh chấm dứt nạn buôn bán ĐVHD bất hợp pháp) đã ra mắt Chiến dịch “Thịt rừng Sạch - Sành - “Xanh”, mang đến nhiều góc nhìn mới để phản bác quan niệm lạc hậu cho rằng “thịt rừng sạch sẽ, thể hiện đẳng cấp hay bổ dưỡng cho sức khỏe”, cũng như cập nhật những mối nguy hại gắn liền với việc tiêu thụ thịt ĐVHD.

Chiến dịch được triển khai thông qua nhiều kênh truyền thông trực tuyến lẫn ngoại tuyến, gồm hệ thống biển quảng cáo ngoài trời tại Vincom Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội và chợ Bến Thành, TP HCM, màn hình LCD trong thang máy tòa nhà văn phòng, chung cư cao cấp và các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, YouTube, TikTok. Video clip “Thịt rừng Sạch - Sành - “Xanh” được trình chiếu liên tục hệ thống biển quảng cáo ngoài trời và các màn hình thang máy tòa nhà để nhằm lật ngược vấn đề về niềm tin lạc hậu cho rằng “thịt rừng hợp vệ sinh, thể hiện được đẳng cấp người sành ăn và tốt cho sức khỏe”.

Từ đó thay đổi hành vi và có một lối sống thân thiện với môi trường và ĐVHD. Chiến dịch đặc biệt nhắm đến đối tượng tiêu thụ thịt rừng, tập trung chính ở khu vực Hà Nội, TP HCM và các đô thị lớn - nơi tiêu thụ 80% khối lượng thịt rừng tại Việt Nam.

Trong các thông điệp, Chiến dịch “Thịt rừng Sạch - Sành - “Xanh” đã chỉ rõ: thịt rừng và các sản phẩm từ ĐVHD được mua bán trái phép một cách công khai với những lời mời chào hấp dẫn như: “Thịt rừng “sạch” vì được săn bắt trực tiếp từ rừng và chế biến tại chỗ, dành cho người “sành” ăn đặc sản, thích thưởng thức những thực phẩm “xanh” tốt cho sức khỏe từ thiên nhiên”.

Vì vậy, người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin đã lầm tưởng thịt ĐVHD mang nhiều mầm bệnh tiềm ẩn lại an toàn và nhiều dinh dưỡng hơn thịt gia súc đã qua kiểm duyệt. Thế nhưng, liệu thịt rừng có thật sự “sạch”, khi ẩn sau những đĩa thịt rừng bắt mắt lại là thịt ôi thiu được bảo quản sơ sài bằng cách ủ trong đất khiến người tiêu thụ có nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm như SARS coronavirus, Ebola, A/H5N1, virus Nipah.

Liệu thịt rừng có thật sự “sành”, khi thịt heo (gia súc) bị bỏ đói được khò lửa, cấy lông bằng sợi cước để “hóa phép” thành thịt heo rừng đặc sản trên bàn tiệc cho những thực khách sành ăn ham của lạ. Và liệu thịt rừng có thật sự “xanh”, khi được bảo quản dài ngày bằng formaldehyde và được tẩy rửa bằng hóa chất trước khi bày bán…

Hay tất cả chỉ là các mánh khóe tinh vi cùng những lời đồn thổi khiến người tiêu thụ thịt rừng phải trả giá đắt bằng chính sức khỏe của mình và mất “sạch sành sanh” vì người tiêu thụ thịt rừng chẳng những không đạt được những lợi ích về sức khỏe như mong muốn, mà còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cùng nhiều bệnh về tiêu hóa và tim mạch, thậm chí dẫn đến tử vong…

Khép lại năm 2024, ENV vừa ra mắt tài liệu “Những hành động cấp bách bảo vệ ĐVHD trước nguy cơ tuyệt chủng năm 2024”. Đây là tài liệu thường niên, được phát triển từ năm 2016 nhằm đánh giá và xác định những vấn đề cấp bách cần được ưu tiên để xử lý hiệu quả tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép, góp phần bảo vệ các quần thể ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và từng bước xóa bỏ vai trò của Việt Nam trong mạng lưới buôn bán ĐVHD trái phép toàn cầu.

Theo đó, trong năm 2024 này, ENV đã xác định 12 vấn đề trọng tâm vẫn cần tập trung xử lý để các năm tiếp theo và trong 12 vấn đề trọng tâm đó có việc “Nỗ lực giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ ĐVHD thông qua các chiến dịch tuyên truyền thực hiện trên các phương tiện truyền hình, truyền thanh, truyền thông và Internet”.

Đọc thêm