Những ngày qua, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip vợ ẵm con nhỏ bắt gian chồng ngoại tình với cấp dưới tại phòng trọ.
Chị vợ mang theo con nhỏ chỉ tầm 2 tuổi, đến tận nơi truy vấn nhân tình của chồng. Sau đó, bế con nhỏ trên tay, người vợ tranh cãi với chồng, rồi hai vợ chồng cùng giằng co, giành bế con, cãi cọ nhau trước mặt con.
Nhìn đứa trẻ vô tội trên tay người mẹ với cặp mắt ngơ ngác nhìn “chuyện ba người”, người xem ai cũng xót xa. Nhiều người bày tỏ lo lắng, liệu sự cố này có để lại những “vết hằn” trong tâm lý đứa trẻ hay không?
Chuyện cha mẹ đưa con cái đi theo những cuộc đánh ghen không phải là hiếm, và cũng không chỉ được phản ánh thông qua những clip lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người, nghĩ rằng đứa trẻ là một chiếc neo, là một áp lực, đưa đi theo trong những cuộc đánh ghen để khiến đối phương nhìn thấy con mà động lòng, mà day dứt vì “tội lỗi” của mình.
Nhưng, thực tế đâu có như thế. Kéo con vào những bi kịch hôn nhân, “nhuộm đen” tuổi thơ của con là cách hành xử sai lầm của cha mẹ, để rồi từ đó, bao hậu quả không hay đã xảy ra.
Chị Lê Nguyệt H., ngụ đường Phạm Văn Hai, Tân Bình đã từng thấm thía sai lầm của mình khi từng mang con đến cuộc đánh ghen. Chồng ngoại tình với nhân viên, sau nhiều lần hỏi, chồng chối bay chối biến, hôm ấy, khi họ đang ôm ấp nhau trong một quán cà phê kín đáo vào giờ nghỉ trưa, chị cùng con gái 5 tuổi xông vào “bắt tại trận”.
Chứng kiến cảnh chồng mình và nhân tình thân mật, chị tức tối lao đến, vừa khóc, vừa cào cấu chồng. Khi ấy, chồng chị vì xấu hổ, đã cho chị hai cái tát ngay chốn đông người.
Chị nhớ, khi ấy, vừa đau vừa nhục nhã, nhưng điều gây cho chị đau đớn nhất là tiếng con gái mình khóc lên thất thanh, hoảng loạn. Sau đó, hai vợ chồng chị ly hôn, con gái chị trở nên lầm lì, ít nói.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, chuyện cha mẹ giấu giếm bất hòa để con sống trong bình yên giả tạo là không nên, vì trẻ con rất nhạy cảm, có thể nhận ra, giấu kín tâm tư của mình và tổn thương theo một cách khác.
Nhưng cha mẹ lôi con vào những cuộc chiến hôn nhân lại càng tệ hơn. Nhất là chuyện đưa con đến những cuộc đánh ghen, biến con mình thành một đứa trẻ tội nghiệp, phải chứng kiến cảnh tượng bị “bắt quả tang” đầy nhục nhã của cha, mẹ mình, còn phải tận mắt nhìn thấy cuộc ẩu đả, chửi bới nhau của cha mẹ giữa chốn đông người.
Theo bà Minh Nga, đừng nghĩ “trẻ con không biết gì”, bởi những ấm ức, bất hòa trong hôn nhân, những lời cay đắng, độc địa mà bố mẹ dành cho nhau sẽ để lại những ám ảnh, tổn thương dai dẳng trong lòng con trẻ. Tốt nhất, cha mẹ nên giữ cách hành xử văn minh với nhau. Dẫu có giận hờn, rạn nứt, bất hòa, hãy vì con mà tìm một cách giải quyết khác.
Và nếu không thể ở bên nhau được nữa, hãy chuẩn bị cho con tinh thần, bằng những cuộc nói chuyện nhẹ nhàng, coi đứa trẻ đúng nghĩa như một thành viên trong gia đình để nói cho con hiểu sự việc. Làm sao để mà dẫu cho cha mẹ có không yêu thương nhau nữa, thì đứa trẻ vẫn cảm nhận được sự tôn trọng của cha mẹ dành cho nhau. Làm được điều ấy sẽ giảm thiểu những tổn thương, đổ vỡ trong lòng con cái.