Hoạt động kinh tế về đêm không chỉ gói gọn trong chợ đêm, phố đi bộ, vũ trường, quán nhậu, karaoke... mà còn cần có các show biểu diễn nghệ thuật truyền thống và hiện đại hấp dẫn, chuỗi ẩm thực đặc sắc, đi kèm với hàng loạt dịch vụ vận tải, thương mại, tài chính…, Do đó, cần nhiều lao động, người đi làm vào buổi tối.
Khi lao động trong nước đang có xu hướng yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm, việc “làm thêm” vào ban đêm có thể khiến nguồn lao động bị phân tán. Thậm chí, nếu nhận thấy kinh tế về đêm có mức thu nhập cao hơn, có thể sẽ có sự chuyển dịch lao động từ ngày sang đêm (tức người đi làm ngủ vào ban ngày và làm việc vào ban đêm hoặc bớt ngủ để làm cả ngày và đêm).
Mặt khác, việc người dân có thể hưởng lợi từ những dịch vụ vui chơi, giải trí vào ban đêm có ảnh hưởng đến chất lượng công việc của họ vào ban ngày hay không? Sở dĩ đặt câu hỏi trên bởi nền kinh tế đêm không chỉ phục vụ du khách mà còn cả người dân địa phương.
Các chuyên gia lo ngại, tăng trưởng nền kinh tế đêm có thể dẫn tới hệ luỵ thụt giảm năng suất lao động kinh tế vào ban ngày. Không chỉ vì người lao động chuyển ngành, nghề, mà người dân – đồng thời cũng chính là đối tượng khách hàng của nền kinh tế đêm – cũng sẽ có xu hướng “bớt ngủ để chơi nhiều hơn”.
Mặt khác, nếu khu vực quy hoạch làm hoạt động kinh tế đêm 24/24h nằm trong khu dân cư đông đúc không tránh khỏi tiếng ồn, gây ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc ban ngày của người dân.
Theo Tổng cục Thống kê về tình hình lao động trong 9 tháng đầu năm 2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính 54,4 triệu người trên tổng lực lượng lao động là 55,5 triệu người. Tuy nhiên, lao động đã qua đào tạo từ trình độ “sơ cấp nghề” trở lên ước tính là 12,2 triệu người, chỉ chiếm khoảng 22,5%.
Hiện, chuyển dịch cơ cấu lao động đang diễn ra rất mạnh theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản và tăng tỷ trọng trong khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Còn nói về mức độ tăng trưởng của toàn ngành kinh tế, trong 6 tháng đầu năm, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước. Nói riêng về du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam đã tăng lên được 12 bậc, hiện đứng thứ 63/140 nước.
Trong 10 tháng đầu năm, thị trường khách quốc tế tăng 13% so với tăng trưởng 4% của du lịch toàn cầu và 5% của khu vực Đông Nam Á. Từ đó cho thấy, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam có những đặc thù riêng biệt. Nhiều chuyên gia đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trước ở mức độ tương đối nhanh. Song, trong các lĩnh vực đều có nhiều bất cập cần tập trung nguồn lực để cải thiện trước.
Góc nhìn từ Trung Quốc cho thấy, theo số liệu thống kê nước này, trong 6 tháng đầu năm nay, mức độ tăng trưởng của Trung Quốc đã xuống thấp ở mức 6,2%, thấp hơn so với mức bình thường là 8 - 9%. Trong trường hợp Trung Quốc công khai trợ cấp hay bớt thuế cho các hoạt động kinh tế ban đêm đã được ban hành song hành cùng chiến lược tăng nợ công kỷ lục lên trên 400% GDP để tăng trưởng.
Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp của lao động Trung Quốc, đặc biệt tại các vùng nông thôn đang ở mức báo động, nên việc mở thêm một nền kinh tế về đêm góp phần giải quyết vấn đề này. Có thể thấy, để “chạy đua” với thế giới về nền kinh tế đêm cần sự đầu tư lớn của Chính phủ để “nới lỏng” chính sách thì hoạt động kinh doanh mới sầm uất, đa dạng, thu hồi vốn nhanh.
Do đó, việc “mở” chính sách cho một nền kinh tế đêm trên phạm vi toàn quốc cần được “rộng rãi” đến mức độ nào? Đây cũng là một câu hỏi quan trọng. Ngoài việc đầu tư cho các chính sách trợ giúp, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phát triển các dịch vụ về đêm cơ bản, Nhà nước cũng cần đưa ra những chính sách để đảm bảo an ninh trật tự, thông qua việc tăng cường công tác và lực lượng thanh tra, kiểm tra.
Trong khi đó, định hướng của Chính phủ ta đang là cải cách bộ máy, tinh giản biên chế để giảm thiểu áp lực lên toàn dân. Chưa kể, phát triển nền kinh tế đêm cũng cần xây dựng lực lượng lao động có chuyên môn, kinh nghiệm, đạo đức tốt.
Bởi lẽ, hoạt động kinh tế về đêm có những đặc thù khác biệt với hoạt động kinh tế vào ban ngày. Nếu không kiểm soát được, có thể tạo điều kiện cho nhiều loại tội phạm, trong đó nguy hiểm nhất là tội phạm ma tuý, hoạt động phức tạp.
Chưa kể, một số chuyên gia cho rằng, tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển các chính sách về nền kinh tế ban ngày mới thực sự là một “mỏ vàng” chưa được khai phá hết tiềm năng. Nhà kinh tế, TS. Đinh Trường Hinh đã nhận định rằng, về lâu dài Việt Nam nên có kế hoạch phát triển các công nghệ phụ trợ. Đây là những ngành nghề đòi hỏi lực lượng công nhân lớn có tay nghề giỏi, có thể trở thành một lực lượng lao động “chính thống”, bền vững.
Thiết nghĩ, những phân tích trên đây là một góc độ cần cân nhắc khi các cơ quan chức trách xây dựng chính sách phát triển nền kinh tế đêm. Quan trọng hơn, pháp luật Việt Nam có thể “cởi mở” cho những hoạt động nào của nền kinh tế về đêm?