Đừng bỏ tiền triệu mua 'cực hình' cho con

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với mong muốn các con có một kỳ nghỉ hè bổ ích, lý thú, nhiều phụ huynh đã bắt đầu tìm kiếm, đăng ký cho con em các lớp rèn luyện kỹ năng dịp hè. Trước tình trạng các cơ sở dạy kỹ năng sống mùa hè “mọc như nấm sau mưa” khiến nhiều cha mẹ hoang mang không biết chọn gì cho con học và chất lượng khóa học đó ra sao.
Các phụ huynh cần chọn cho con những khóa học kỹ năng hè uy tín. (Ảnh: H.L).
Các phụ huynh cần chọn cho con những khóa học kỹ năng hè uy tín. (Ảnh: H.L).

Học như 'khổ sai'

Những năm gần đây, Học kỳ quân đội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bậc phụ huynh. Thế nên, hiện nay có rất nhiều đơn vị tổ chức “ăn theo” và tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” diễn ra ở rất nhiều Học kỳ quân đội “nhái” khiến cho các bậc phụ huynh hoang mang.

Chị Hoàng Giang - phụ huynh có con từng tham gia Học kỳ quân đội ở một công ty du lịch liên kết với một đơn vị đào tạo thế hệ tương lai. Sau khi đóng 12 triệu cho 1 tuần cho Trung Hiếu - con trai chị (12 tuổi) làm “bộ đội”, chị Giang hy vọng con sẽ phần nào trưởng thành. Con chị đi được 3 hôm thì đã chị đã gọi điện khóc khóc, mếu mếu đòi về. Hỏi ra, chị vỡ lẽ, con chị cùng các bạn khác bị yêu cầu vác những viên đá nặng, trong khi thời tiết lên tới 37 độ giữa buổi trưa hè. Đến chiều, các em phải ra ruộng tưới cây, nhặt cỏ suốt 3 tiếng đồng hồ. Chưa hết, 5 giờ sáng, các em phải dậy để bắt đầu chuẩn bị “rèn luyện”. Làm việc như thế, nhưng khi ăn uống lấy sức thì Hiếu và các bạn chỉ được ăn cơm với muối vừng và rau muống luộc. Các em thắc mắc thì nhận được câu trả lời của những người phụ trách: “Ăn như vậy thì mới biết thế nào là kham khổ của người lính khi xưa”. Ba ngày ấy đối với những trẻ nhỏ là 3 ngày “cực hình” và không ít trẻ không chịu nổi đã gọi điện cho bố mẹ khóc lóc đòi về. Chị Giang thốt lên: “Đúng là bỏ tiền triệu mua cho con sự khổ sai!”.

Ở một trường hợp khác, chị Ái Nhi (Ý Yên, Nam Định) cho biết: “Tôi đăng ký cho con một khóa 10 ngày. Theo lời giới thiệu của đơn vị tổ chức thì các bé được đi tham quan, du lịch tại Hà Nội với những nơi: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lăng Bác, Hồ Gươm - Đền Ngọc Sơn - Bảo tàng Lịch sử… Ngoài ra, các bé được ở doanh trại quân đội. Nghe vậy, chị Nhi đã đăng ký cho Ngọc - con gái chị học với khóa học 9 triệu đồng. Sau khi hết khóa học, chị đón con về hào hứng nghe con kể những trải nghiệm khi đi du lịch Hà Nội và được rèn luyện trong môi trường quân đội thế nào. Trái với sự hào hứng của chị, bé Ngọc thút thít nói: “Con chẳng biết nơi nào khác ngoài được đi mỗi Bảo tàng lịch sử. Suốt mấy ngày, chúng con chỉ được học bài đứng thăng bằng trên con lăn và cõng bạn vài vòng quanh sân”. Lúc này, chị Nhi mới biết mình mất tiền oan.

Mong muốn con được tham gia vào Học kỳ quân đội bổ ích thế này nhưng nhiều phụ huynh lại mất tiền oan vào những khóa Học kỳ quân đội “nhái”. (Ảnh: T.D)

Mong muốn con được tham gia vào Học kỳ quân đội bổ ích thế này nhưng nhiều phụ huynh lại mất tiền oan vào những khóa Học kỳ quân đội “nhái”. (Ảnh: T.D)

Tỉnh táo lựa chọn

Việc tham gia các khoá học, trại hè là một hoạt động ý nghĩa, hướng các em đến các hoạt động lành mạnh, bổ ích, giúp tăng thêm “kỹ năng mềm” tiếp thu từ cuộc sống ngoài khuôn viên nhà trường và gia đình. Nắm bắt được nhu cầu đó, ngoài Học kỳ quân đội, nhiều trung tâm đã tổ chức “chiêu sinh” các lớp kỹ năng sống cho trẻ em như: trải nghiệm các nghề bác sĩ, công an, đầu bếp, phòng cháy, chữa cháy; khóa học bồi dưỡng các kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích; kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục, kỹ năng bảo vệ sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần… hay các trại hè phát triển nghệ thuật như: múa, nhảy, hát, diễn viên, MC…

Mức chi phí cho những khóa trải nghiệm này cũng khác nhau tùy theo uy tín của các đơn vị tổ chức cũng như thời lượng chương trình từ 5 triệu - 15 triệu đồng/khóa. Thời gian tổ chức các trại hè cũng rất linh hoạt, có thể chỉ 3 - 5 ngày, 7 ngày, 10 ngày, 2 tuần, thậm chí kéo dài cả tháng. Tuy nhiên, chất lượng các khóa học này hiện chưa được thẩm định, đánh giá. Nhiều khóa học “đầu voi, đuôi chuột”, quảng cáo một kiểu, chất lượng một kiểu.

Thực tế cho thấy, ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân khi tổ chức các khóa kỹ năng hè rất thờ ơ tới chất lượng khóa học mà chỉ quan tâm tới việc làm thế nào để “vợt” các nhiều người tham gia, tăng phần doanh thu. Những “bát nháo” trên đã làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và hiệu quả giáo dục của chương trình, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đơn vị quân đội là những đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ tổ chức chương trình.

Công an TP Đà Nẵng phát cảnh báo nêu rõ trang Facebook Trại hè kỹ năng, Học kỳ CAND mang nội dung lừa đảo. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Công an TP Đà Nẵng phát cảnh báo nêu rõ trang Facebook Trại hè kỹ năng, Học kỳ CAND mang nội dung lừa đảo. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)

Do đó, để tìm các khóa kỹ năng hè cho con, cha mẹ phải có sự tìm hiểu cẩn thận, phải tự đặt câu hỏi khóa học đó có tốt, có phù hợp, an toàn với con không. Đặc biệt, cần xem xét kỹ năng lực của đơn vị tổ chức quản lý khóa học. Tránh việc cho con đi học mà “tiền mất, tật mang”.

Với những gia đình chưa có điều kiện hoặc không muốn chọn giải pháp này có thể gợi ý trẻ những giải pháp khác cũng thú vị không kém. Đó là bố mẹ dành thời gian cùng con sắp xếp, trang trí lại nhà, sơn sửa tường, trồng cây cảnh, chăm sóc chó, mèo, đọc sách, xem phim, đi thăm làng quê Việt Nam… Vô vàn những công việc thú vị, trẻ có thể làm trong mùa hè dưới sự dẫn dắt, đồng hành của cha mẹ, để mỗi ngày ở nhà cũng là một trải nghiệm quý giá, giúp con trưởng thành.

Cẩn trọng bị lừa khi đăng ký học khóa kỹ năng hè trực tuyến

Trên thực tế, đã có không ít kẻ xấu lợi dụng nhu cầu tham gia các khóa trại hè, tăng cường kỹ năng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, quá trình trinh sát trên không gian mạng, đã xác định được, trên trang mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều trang lừa đảo: “Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND”, “Trại hè Học kỳ quân đội”, “Trại hè hướng nghiệp hàng không”... với giao diện, địa chỉ, số điện thoại gần giống với thông tin của các cơ quan: Công an, Quân đội, Hãng hàng không...

Mới đây một phụ nữ ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) vào fanpage “Học kỳ trong quân đội 2024” khảo sát để đăng ký khóa học trại hè cho con và đã bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng thông qua việc chuyển khoản trực tuyến. Tương tự, nhiều vụ phụ huynh khác cũng bị lừa mất tiền triệu tới vài trăm triệu đồng khi đăng ký trại hè cho con với chiêu thức nộp tiền trực tuyến và tham gia nhiệm vụ nào đó hay săn quà khuyến mãi hỗ trợ ban tổ chức…

Điểm chung của các quảng cáo này là đều được cam kết bằng những “lời hay, ý đẹp”. Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng lừa đảo còn “bài binh bố trận”, sử dụng hình ảnh hoạt động của lực lượng vũ trang để đăng tải trong các bài viết, khiến nhiều phụ huynh tin theo mà nộp tiền trực tuyến. Để tránh rơi vào “bẫy” của bọn lừa đảo, các bậc cha mẹ cần hết sức tỉnh táo, tránh nóng vội trong việc đăng ký các khoá học cho con em mình.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn mời mọc. Khi muốn đăng ký cho con cần liên hệ đến các trường, đơn vị để hỏi, xác minh rõ ràng. Việc đăng ký nên thực hiện trực tiếp thay vì trực tuyến, chuyển khoản. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền. Trong trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Đọc thêm